Xuất, nhập khẩu của Trung Quốc cùng lập kỷ lục nhờ nhu cầu bùng nổ ở Mỹ, châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ và vượt xa dự báo trong tháng 8, khi các nhà bán lẻ ở Mỹ và châu Âu gấp rút chuẩn bị hàng hoá cho mùa mua sắm cuối năm...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Sự tăng trưởng ấn tượng này diễn ra bất chấp tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển Trung Quốc do đợt bùng dịch Covid-19 gần đây.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/9 cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng trước tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kỷ lục 294,3 tỷ USD, cao hơn 10 tỷ USD so với kim ngạch của tháng 7. Nhập khẩu tăng 33,1%, đạt 236 tỷ USD, cũng là một con số kỷ lục.

Thặng dư thương mại tháng 8 của Trung Quốc là 58,3 tỷ USD.

Những con số này khiến giới phân tích bất ngờ, bởi trong tháng 8, cảng biển lớn thứ nhì của Trung Quốc bị gián đoạn hoạt động do các biện pháp hạn chế được triển khai để chống Covid. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu của thị trường toàn cầu vẫn đang mạnh, nhất là tại hai thị trường Mỹ và châu Âu - nơi các công ty bán lẻ có vẻ đang hối hả tích trữ hàng hoá để chuẩn bị cho dịp Giáng sinh và đón năm mới.

“Việc chuẩn bị hàng hoá cho Giáng sinh năm nay diễn ra sớm hơn những năm trước”, chiến lược gia Xing Zhaopeng thuộc ANZ nhận định. Sản phẩm mới từ hãng Apple cũng tạo ra nhu cầu, trong khi biến chủng Delta bùng phát mạnh ở khu vực Đông Nam Á có thể dẫn tới việc đơn hàng dịch chuyển về phía Trung Quốc. “Nhu cầu sẽ còn mạnh trong thời gian từ nay đến tháng 11”, ông Xing nói.

3 nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất về giá trị của Trung Quốc trong tháng 8 là hàng điện tử, sản phẩm công nghệ cao, và hàng may mặc và phụ kiện may mặc. Hai nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất là hàng điện tử và sản phẩm công nghệ cao.

Các cuộc khảo sát trong ngành sản xuất của Trung Quốc vào tuần trước cho thấy trong tháng 8, số đơn hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ tư liên tiếp - một dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của xuất khẩu trong tương lai.

Ở thời điểm hiện tại, thương mại đang làm một điểm sáng của kinh tế Trung Quốc, nhưng ngành dịch vụ của nước này lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng dịch Covid vừa rồi. Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã triển khai các biện pháp mạnh tay để chống dịch, dẫn tới sự tê liệt của các dịch vụ. Ngoài ra, việc Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát sự leo thang của giá nhà và giảm đầu tư hạ tầng cũng đặt ra trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế.

Việc Trung Quốc kiểm soát dịch hiệu quả có thể đã dẫn tới việc các nhà cung cấp chuyển đơn hàng từ các nước châu Á khác sang nước này, bởi nhiều quốc gia khác trong khu vực đang vật lộn với làn sóng biến chủng Delta và hoạt động sản xuất rơi vào gián đoạn. Tuy nhiên, lợi thế này của Trung Quốc có thể suy giảm khi đại dịch bắt đầu được kiểm soát ở các nơi khác.

“Một nguyên nhân khiến xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc tăng mạnh có lẽ nằm ở việc trong lúc có nhiều nút thắt logistics, các nhà xuất khẩu đẩy nhanh việc giao hàng trước mùa lễ Tạ ơn và Giáng sinh”, chuyên gia kinh tế Michelle Lam thuộc Societe Generale ở Hồng Kông nhận định. Bà Lam dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm tốc trong những tháng sắp tới do số đơn hàng giảm và nhu cầu tiêu dùng của Mỹ có thể yếu đi.

Trong tháng 8, bến Meishan thuộc cảng Ninh Ba-Chu San của Trung Quốc đã phải đóng cửa hai tuần để chống dịch. Bến Meishan đã được mở cửa trở lại vào cuối tháng 8, nhưng cảng biển container vào hàng đông đúc nhất thế giới này cần một thời gian mới có thể giải quyết xong tình trạng ùn ứ tàu bè và hàng hoá.

Khu vực xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh của Trung Quốc đang vai trò một trụ cột quan trọng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, trong bối cảnh nhu cầu trong nước giảm tốc. Khi kinh tế Trung Quốc có một số tín hiệu suy yếu gần đây, các nhà hoạch định chính sách nước này đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố cung cấp 300 tỷ Nhân dân tệ (46,4 tỷ USD) vốn vay lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại để cấp vốn vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm đảm bảo ổn định nền kinh tế và công ăn việc làm cho người dân.

“Những số liệu mới nhất đã xoa dịu mối lo về sự giảm tốc mạnh và đột ngột của nền kinh tế Trung Quốc trong quý 3, nhưng tiếp tục cho thấy sự hồi phục khong đều”, chuyên gia kinh tế Liu Peiqian của Natwest Markets ở Singapore phát biểu. “Chúng tôi giữ nguyên nhận định rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ theo kiểu cục bộ, chẳng hạn tái cấp vốn, cấp thanh khoản có mục tiêu cụ thể, và nới lỏng tài khoá có trọng tâm. Chúng tôi cho rằng PBoC sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm 2021”.

Tin cùng chuyên mục