Xuất siêu kỷ lục: Mừng và lo?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến xuất khẩu nhiều quốc gia giảm hoặc tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam giữ mức tăng trưởng khá ấn tượng. Chính điều này đã giúp cán cân thương mại hàng hóa thặng dự gần 17 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 7,27 tỷ USD). Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rẳng chưa nên vội mừng với kỷ lục này.
Trong những tháng cuối năm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng khi việc khống chế dịch có nhiều tín hiệu tích cực, thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi. Ảnh: Tường Lâm
Trong những tháng cuối năm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng khi việc khống chế dịch có nhiều tín hiệu tích cực, thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi. Ảnh: Tường Lâm

Xuất khẩu vẫn tăng trong khó khăn

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 9/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của nước ta ước đạt 27,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,2 tỷ USD, giảm 1,4%.

Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm nay ước đạt 185,87 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao trong khó khăn đã kéo cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng tiếp tục thặng dự 16,99 tỷ USD.

Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 32,2 tỷ USD (tăng 25,9%); gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,5 tỷ USD (tăng 12,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 18,2 tỷ USD (tăng 39,8%)…

Thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc… Đặc biệt, sau gần 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, xuất siêu tăng cho thấy sự linh hoạt của nền kinh tế, nhất là sự linh hoạt của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi, thích ứng; sự vươn lên mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước; bước đầu các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA…

Đồng quan điểm, ông Phạm Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Công Thương cũng đánh giá, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề là điều đáng mừng. “Xuất siêu góp phần vào tiến trình phục hồi của nền kinh tế, tạo ra thặng dư cán cân thanh toán quốc tế và qua đó góp phần tăng dự trữ ngoại hối”, ông Thắng nói.

Và những điểm đáng lưu ý

Bên cạnh điểm sáng ấn tượng của bức tranh xuất khẩu, ông Võ Trí Thành cho rằng, khó khăn vẫn hiện hữu đối với một số mặt hàng xuất khẩu lâu nay là thế mạnh (dệt may, da giầy…) do lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Bên cạnh đó, xuất siêu cao một phần là do sự sụt giảm đáng kể nhập khẩu của một số lĩnh vực. “Việc các nhóm hàng nhập khẩu giảm trong 9 tháng đầu năm cho thấy một số lĩnh vực đang còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, kết nối chuỗi cung ứng, đơn đặt hàng”, ông Thành lo lắng.

Cùng nhận định có những dấu hiệu đáng lo ngại đằng sau số liệu xuất siêu kỷ lục, ông Phạm Tất Thắng phân tích: “Xuất siêu 9 tháng cao là bởi chúng ta không nhập được những nguyên liệu là yếu tố đầu vào của sản xuất phục vụ xuất khẩu. Nguyên nhân là hiện doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu; chuỗi cung ứng đứt gãy do dịch Covid-19 nhưng chưa được kết nối lại…”.

Số liệu của Bộ Công Thương chỉ ra, 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,3%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,35 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%. Nhóm hàng cần nhập khẩu giảm, trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái; vải các loại giảm 13,4%; nguyên, phụ liệu dệt may và da giày giảm 13,3%; thép các loại giảm 15,5%...

Nhìn vào việc tận dụng cơ hội từ các FTA để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Thắng đánh giá, bước đầu chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA. Tuy nhiên, kỳ vọng khi tham gia vào EVFTA là nhập khẩu được công nghệ nguồn nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh thì chúng ta chưa làm được.

Dự báo về tình hình xuất khẩu của Việt Nam từ nay tới cuối năm 2020, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng khi việc khống chế dịch có nhiều tín hiệu tích cực; thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi; ở thời điểm hiện tại, kinh tế thế giới nói chung, trong đó có các nước phát triển là thị trường chính của Việt Nam như EU thì có chiều hướng tích cực hơn… Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng, trong đó giải pháp quan trọng nhất vẫn là tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tin cùng chuyên mục