Yêu cầu phát triển hệ sinh thái cho kinh tế chia sẻ

(BĐT) - Tại Hội thảo giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) theo hướng tăng trưởng xanh và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam vừa diễn ra, nhiều nhóm giải pháp đã được đưa ra. Đáng chú ý, các nhóm giải pháp chú trọng đặc biệt đến việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN) hoạt động KTCS và DN kinh tế truyền thống.
Tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới nhưng đầy tiềm năng. Ảnh: Nhã Chi
Tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới nhưng đầy tiềm năng. Ảnh: Nhã Chi

Ủng hộ mô hình kinh tế chia sẻ

Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của KTCS là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện đại và có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế. Mô hình này có tác động tích cực tới môi trường, giúp tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả các tài nguyên cũng như giảm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế…

Về thực trạng phát triển KTCS tại Việt Nam, ông Hải cho rằng, KTCS chưa phát triển mạnh như nhiều nước trên thế giới, nhưng có tiềm năng lớn. Thực tế một số loại hình KTCS đã xuất hiện như: dịch vụ vận tải trực tuyến, dịch vụ chia sẻ phòng… Tuy nhiên, quản lý nhà nước với KTCS vẫn còn bất cập. Việt Nam còn thiếu các quy định liên quan đến trách nhiệm của DN nền tảng về cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý; một số chính sách đưa ra còn chưa đồng bộ khi xử lý các hoạt động kinh doanh theo mô hình này…

Ông Hải nhấn mạnh, KTCS là mô hình kinh doanh mới nhưng không phải là bộ phận tách rời hoặc thành phần kinh tế riêng rẽ trong nền kinh tế. Vì thế, quản lý nhà nước với KTCS cũng cần thay đổi tư duy và cách thức cho phù hợp với xu thế kinh tế số và cách mạng công nghiêp 4.0.

Đối với môi trường kinh doanh cho KTCS, nhóm nghiên cứu của CIEM nhấn mạnh, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN hoạt động KTCS và DN kinh tế truyền thống để các DN hoạt động theo mô hình mới có thể thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, tạo điều kiện và hỗ trợ các DN truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh.

Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi

Để mô hình KTCS phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế, tại Hội thảo, hàng loạt các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với KTCS đã được đưa ra.

Ở góc độ quản lý nhà nước về thuế với KTCS, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng - Phó Trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa thuộc Tổng cục Thuế cho rằng, đây là vấn đề có nhiều thách thức nhưng có thể quản lý được. “Chúng ta cần bổ sung, điều chỉnh các cơ sở pháp lý để quản lý thuế hiệu quả với mô hình KTCS theo hướng quản lý các dịch vụ xuyên biên giới bằng hình thức quản lý thanh toán qua ngân hàng; quy định về khấu trừ tại nguồn đối với các nhà cung cấp dịch vụ kết nối”, bà Lan Anh gợi ý. Trong khi đó, ông Hồ Quốc Phi, Tổng thư ký Hiệp hội Taxi Hà Nội nhấn mạnh: “KTCS là loại hình kinh doanh mới không ai cản được, hãy để cho thị trường và khách hàng quyết định. Theo đó, chúng tôi mong muốn có sự công bằng trong kinh doanh và nộp thuế với DN”.

Về vấn đề này, nhóm nghiên cứu của CIEM đưa ra 4 nhóm giải pháp lớn nhằm quản lý hiệu quả cũng như tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.

Đầu tiên là nhóm giải pháp đối với nhà cung cấp dịch vụ trong KTCS. Ở đó, các nhà cung cấp dịch vụ cần nâng cao năng lực để hiểu rõ trách nhiệm cá nhân và DN về khai báo thông tin đối với các hoạt động của KTCS cho các cơ quan quản lý nhà nước như: thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế, các quy định quản lý chuyên ngành; xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động KTCS; tạo điều kiện cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh KTCS…

Hai là nhóm giải pháp đối với người sử dụng dịch vụ trong KTCS. Người sử dụng cần nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, đảm bảo an toàn cho bản thân và an toàn trong thanh toán điện tử; Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên; có trách nhiệm trong đánh giá chất lượng dịch vụ của KTCS.

Đối với nhóm giải pháp với các DN công nghệ, cung cấp nền tảng trong KTCS, cần tăng cường đổi mới sáng tạo, đặt DN vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.

Bốn là nhóm giải pháp xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình KTCS. CIEM tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa KTCS và kinh tế truyền thống. Cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống và áp dụng chung cho cả KTCS. Xây dựng các chính sách tạo sự chủ động phát triển KTCS, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp…