Riêng vụ án Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 395 tỷ đồng. Ảnh: Bảo Thắng |
Theo cơ quan này, dù hoạt động phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, song việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được đòi hỏi của dư luận.
Vụ việc không nhiều nhưng thiệt hại lớn
Thống kê của ngành Kiểm sát cho hay, trong 10 năm, Viện KSND các cấp đã thụ lý, thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 3.424 vụ, với 7.700 bị can. Trong số này, cơ quan chức năng đã truy tố 2.584 vụ, với 5.782 bị can và tòa án các cấp đã xử 2.567 vụ, với 5.748 bị cáo.
Theo ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, công tác xử lý tội phạm tham nhũng đã có những bước tiến đáng kể, với việc truy tố nhiều đối tượng có chức vụ trong các ngành, nghề. Tuy vậy, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực, đặc biệt trong mảng tài chính, ngân hàng, thuế và đất đai.
Dù vụ việc không quá nhiều, song số tiền thiệt hại từ những hành vi phạm pháp của nhóm đối tượng này là rất lớn. Đơn cử như vụ tham nhũng xảy ra tại Tổng Cty hàng hải Việt Nam (Vinalines), Bộ Giao thông Vận tải. Trong vụ án này, riêng cựu chủ tịch HĐQT Vinalines – Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 395 tỷ đồng. Hoặc vụ án tham nhũng xảy ra tại Cty Cho thuê tài chính II, Ngân hàng Agribank Việt Nam, các đối tượng vi phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 531 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, ông Dương Văn Hùng, Vụ trưởng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5), Viện KSND Tối cao cho hay, trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi đều tăng hằng năm, nhưng chỉ ở con số hạn chế. Trong năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong cả nước chỉ đạt 11%. Con số này được cải thiện khi năm 2014, đã tăng lên 23% và 55,8% số tài sản được thu hồi trong năm 2015. Theo Viện KSND Tối cao, việc thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn do một số vụ án, các đối tượng vi phạm đã thực hiện hành vi tẩu tán trước khi vụ án được phát hiện, điều tra.
Tội phạm “có đầu óc” gây khó cơ quan điều tra
Nói về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, ông Dương Văn Hùng cho biết, những năm qua, Viện KSND các cấp đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, qua đó góp phần phát hiện kịp thời và đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng hiệu quả. Cụ thể, 100% các vụ án đã được kiểm sát điều tra ngay từ khi khởi tố.
Liên quan đến giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Vụ trưởng Vụ 5 cho rằng, đây là hoạt động còn nhiều khó khăn, hạn chế, trong đó có những vướng mắc về quy định của pháp luật. “Tiến độ điều tra, giải quyết một số vụ án về tham nhũng còn kéo dài, đặc biệt là các vụ án lớn, liên quan đến giám định kế toán, tài chính, ngân hàng để xác định thiệt hại. Từ đó dẫn đến việc chất lượng điều tra, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết một số vụ án về tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Dẫn đến số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chiếm tỷ lệ cao”, ông Hùng nói.
Nói về đặc thù của án tham nhũng, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao – Nguyễn Hải Phong phân tích, các vụ án này thường có tính chất phức tạp, người phạm tội có trình độ chuyên môn cao, có chức vụ, quyền hạn và đặc biệt là có nhiều mối quan hệ xã hội. Theo ghi nhận của Viện KSND Tối cao, trong nhiều vụ án, việc che đậy hành vi phạm tội được thể hiện rất tinh vi, do đó, hành vi phạm tội xảy ra rất lâu mới bị phát hiện, dẫn đến việc xác minh, điều tra gặp nhiều khó khăn.
5 năm, khởi tố 341.087 vụ án
Cùng ngày, Viện KSND Tối cao tổ chức sơ kết 5 năm (2010 – 2015) thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Theo tổng hợp của Viện KSND Tối cao, trong 5 năm qua, đã có 341.087 vụ án khởi tố, tập trung ở các loại tội phạm trật tự xã hội, kinh tế, sở hữu và ma túy. Qua công tác kiểm sát, đã hủy quyết định không khởi tố 287 vụ, yêu cầu khởi tố, điều tra 2.003 vụ.