Buộc Phạm Công Danh bồi thường 901 tỷ đồng là trái luật

0:00 / 0:00
0:00
Theo Viện Kiểm sát, trách nhiệm hình sự luôn gắn liền với trách nhiệm dân sự để khắc phục hậu quả vụ án. Bản án sơ thẩm tuyên buộc ông Danh trả tiền cho hành vi vi phạm của bà Phấn là trái pháp luật.

Ngày 23/6, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Đại Tín, gây thiệt hại hơn 1.338 tỷ đồng.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Đại Tín, nguyên chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) vắng mặt nhưng thông qua luật sư thì bà giữ nguyên kháng cáo và đơn kháng cáo được thư ký phiên tòa công bố. Bị cáo Bùi Thị Kim Loan (kế toán công ty Phú Mỹ) và Huỳnh Thị Xuân Dung giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Viện Kiểm sát cho rằng cấp sơ thẩm buộc ông Danh trả tiền thay cho bà Phấn là sai.

Bị án Phan Thành Mai, Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh kháng cáo đề nghị xem xét không buộc bị án Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường số tiền 901 tỷ đồng. Tương tự, Viện Kiểm sát giữ nguyên kháng nghị không buộc ông Danh bồi thường số tiền 901 tỷ đồng và công nhận 114 bất động sản thuộc quyền sở hữu của ông Danh.

Sau khi xét hỏi, đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM phát biểu quan điểm về vụ án.

Theo đó, đại diện Viện KSND cấp cao cho rằng nguyên nhân dẫn đến sai phạm gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín chính là do Hứa Thị Phấn chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Với vai trò là cố vấn, bà Phấn đưa người thân vào ngân hàng và điều hành ngân hàng để chỉ đạo toàn bộ các hành vi vi phạm pháp luật để chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho ngân hàng.

Mức án 20 năm mà bản án sơ thẩm tuyên là phù hợp, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phấn. Ngoài ra, 2 bị cáo Bùi Thị Kim Loan và Huỳnh Thị Xuân Dung là những đồng phạm giúp sức cho Hứa Thị Phấn chiếm đoạt tiền. Hình phạt đối với 2 bị cáo là phù hợp pháp luật, do vậy, không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo. Mức án sơ thẩm tuyên đã là nhân đạo đối với bị cáo.

Đây là vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do Hứa Thị Phấn và các đồng phạm thực hiện, Phấn đã thâu tóm và chỉ đạo toàn bộ HĐQT thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, Phấn phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Phấn đã gian dối chiếm đoạt thực hiện để bồi thường cho ngân hàng CB. Các bị cáo Phấn, Lan, Dung đã thực hiện các hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín.

Trách nhiệm hình sự luôn gắn liền với trách nhiệm dân sự để khắc phục hậu quả vụ án, do đó, việc bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Phạm Công Danh trả tiền cho hành vi vi phạm của Hứa Thị Phấn là trái pháp luật.

Phạm Công Danh trong một phiên tòa trước đó.

Việc chuyển giao cổ phần giữa 2 nhóm cổ đông Phú Mỹ và Thiên Thanh đã được Thủ tướng Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước chấp nhận. Sau đó, ông Danh đã tất toán toàn bộ số tiền mua cổ phần và các tài sản đi kèm ngân hàng. Việc HĐXX sơ thẩm tuyên trả cho bà Lý Kim Chi 17 bất động sản ở Bình Dương là không có căn cứ, do đó 17 bất động sản này phải tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Phạm Công Danh.

Từ những nhận định trên, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm: Buộc Hứa Thị Phấn phải trả số tiền 901 tỷ đồng, công nhận 114 bất động sản là của tập đoàn Thiên Thanh. Đề nghị chấp nhận kháng cáo của bị án Phạm Công Danh không phải bồi thường về khoản tiền 901 tỷ đồng.

Vì vậy, Viện Kiểm sát  đề nghị: Chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TPHCM. không chấp nhận kháng cáo của 3 bị cáo và công ty Tân Đông Hiệp. Hứa Thị Phấn phải bồi thường toàn bộ số tiền hậu quả vụ án mà Phấn đã chiếm đoạt. Giao 114 bất động sản cho Phạm Công Danh, tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Phiên tòa bắt đầu tranh luận.

Tin cùng chuyên mục