2024 - Năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử sẽ tác động mạnh đến kinh tế và chứng khoán toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo JPMorgan, năm 2024 là năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử khi một số quốc gia đông dân nhất tổ chức bỏ phiếu, gây ra những tác động lớn đến nền kinh tế và chứng khoán.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Các chiến lược gia của JPMorgan cho rằng, kết quả của các cuộc bầu cử có thể chứng kiến 4 xu hướng - phân cực, chủ nghĩa dân túy, suy thoái dân chủ và phân mảnh địa kinh tế - tiếp tục được cảm nhận.

Theo đó, các chế độ dân túy thường thúc đẩy những thay đổi chính sách lớn, có xu hướng gây áp lực lên lạm phát trong ngắn hạn. Điều này cũng có nghĩa là vay mượn nhiều hơn và thương mại bị hạn chế, một lực tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu.

Trong tất cả các cuộc bầu cử, JPMorgan dự báo cuộc đua vào Nhà trắng tại Mỹ sẽ có sức ảnh hưởng lớn nhất, với việc Tổng thống Joe Biden có khả năng sẽ đối đầu một lần nữa với cựu Tổng thống Donald Trump.

"Chúng tôi nhận thấy cuộc bầu cử ở Mỹ có tính hệ quả hơn và đáng được quan tâm hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào khác, bởi chiến thắng của ông Trump có thể có tác động vĩ mô rộng hơn, bao gồm thông qua một loạt sắc lệnh điều hành có thể bị dỡ bỏ hoặc đảo ngược nhiều chính sách của ông Biden", các chiến lược gia tại JPMorgan nhận xét.

Trong số những chính sách được mong đợi của ông Trump, có việc áp dụng mức thuế phổ thông 10%, dự kiến sẽ châm ngòi cho các "cuộc chiến thương mại" trên diện rộng. Điều này có thể đẩy đồng USD tăng 4 - 6% trên thị trường hối đoái và gây ra nguy cơ trượt giá đối với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Euro và đồng Peso của Mexico.

Sự không chắc chắn về các cuộc bầu cử toàn cầu khiến chỉ số VIX - chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán - cao hơn, điều này càng trở nên tồi tệ hơn do khả năng xảy ra suy thoái kinh tế. Trong những năm bầu cử ở Mỹ, các chiến lược gia của JPMorgan nhận thấy rằng, mức độ biến động của chỉ số S&P 500 cao hơn 2 điểm so với những năm không có bầu cử.

Ngoài chủ nghĩa dân túy, JPMorgan cho biết một chủ đề quan trọng khác cần theo dõi trong năm bầu cử này là sự xói mòn liên tục của "các thước đo dân chủ", gây ra nhiều hậu quả cho thị trường. Ngân hàng này trích dẫn các cuộc khảo sát từ Freedom House và các cơ quan giám sát độc lập khác cho thấy, sự suy giảm dân chủ và tự do toàn cầu đã trở thành xu hướng trong 17 năm qua.

Tin cùng chuyên mục