Kinh tế toàn cầu sẵn sàng cho năm 2024 đầy biến động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo tờ The Guardian, lãi suất duy trì ở mức cao, suy thoái tại Trung Quốc và bất ổn địa chính trị có thể tạo nên một năm 2024 đầy biến động của kinh tế thế giới...
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Kinh tế toàn cầu kết thúc năm 2023 với nhiều bất ngờ. Bất chấp lãi suất tăng mạnh, Mỹ đã thành công trong việc tránh khỏi suy thoái và các thị trường mới nổi lớn không rơi vào khủng hoảng nợ. Ngay cả nền kinh tế Nhật Bản - vốn đang chịu tác động của già hóa dân số - cũng thể hiện sức sống đáng kinh ngạc. Trong khi đó, châu Âu đang tụt lại phía sau, khi động cơ tăng trưởng của khối này - kinh tế Đức - có dấu hiệu trượt dốc, trong khi kỷ nguyên tăng trưởng kéo dài 4 thập kỷ của Trung Quốc đột ngột kết thúc.

Năm 2024, những số câu hỏi lớn đối với kinh tế thế giới đã bắt đầu xuất hiện. Điều gì sẽ xảy ra với lãi suất dài hạn được điều chỉnh theo lạm phát? Liệu Trung Quốc có thể tránh được tình trạng suy thoái nghiêm trọng hơn do cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản và mức nợ chính quyền tại các địa phương tăng cao? Với việc duy trì lãi suất gần bằng 0 trong suốt 2 thập kỷ, liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể bình thường hóa lãi suất mà không gây ra khủng hoảng lên hệ thống tài chính và nợ quốc gia? Liệu những tác động chậm trễ từ việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng có đẩy nền kinh tế vào suy thoái không? Liệu các thị trường mới nổi có thể duy trì sự ổn định thêm một năm nữa? Cuối cùng, nguyên nhân chính tiếp theo gây bất ổn địa chính trị là gì? Đó sẽ là việc Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 hay là một sự kiện không lường trước được?

Câu trả lời cho những câu hỏi này có mối liên hệ với nhau. Suy thoái kinh tế ở Mỹ có thể khiến lãi suất toàn cầu giảm đáng kể, nhưng điều này chỉ có thể mang lại sự cứu trợ tạm thời. Xét cho cùng, một số yếu tố, bao gồm mức nợ cực cao, xu hướng mất cân bằng ngày càng gia tăng, chủ nghĩa dân túy gia tăng, nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng và quá trình chuyển đổi xanh, có thể sẽ giữ lãi suất dài hạn ở mức cao hơn nhiều so với mức cực thấp của giai đoạn 2012 - 2021 trong thập kỷ tiếp theo.

Mặc dù, trái với dự đoán của hầu hết các nhà phân tích, nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái trong năm 2023, khả năng xuất hiện suy thoái vẫn cao khoảng 30%, so với 15% trong những năm bình thường. Bất chấp những tác động dài hạn khó lường của biến động lãi suất, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng. Tính theo tỷ trọng trong GDP, mức thâm hụt hiện ở mức 6 - 7%, nếu tính cả chương trình xóa nợ cho sinh viên của ông Biden - mặc dù nền kinh tế đang hoạt động ở mức toàn dụng lao động. Ngay cả một Quốc hội bị chia rẽ cũng khó có thể cắt giảm chi tiêu đáng kể trong một năm bầu cử.

Trong khi đó, những nỗ lực đáng kể của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm khôi phục mức tăng trưởng kinh tế hàng năm 5% phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên, thật khó để thấy các công ty công nghệ Trung Quốc có thể duy trì khả năng cạnh tranh như thế nào khi chính phủ tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động kinh doanh. Và tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc tăng vọt lên 83% trong năm 2023, so với 40% vào năm 2014, đã hạn chế khả năng cung cấp các gói cứu trợ của chính phủ nước này.

Cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ là rất quan trọng để giải quyết vấn đề nợ cao của chính quyền địa phương và tình trạng nợ quá mức trong lĩnh vực bất động sản, kế hoạch mới của Trung Quốc có vẻ là phương án phân phối gánh nặng. Điều này bao gồm việc cung cấp nguồn quỹ quốc gia cho các tỉnh, sau đó buộc các ngân hàng phải cấp khoản vay cho các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán với lãi suất thấp hơn thị trường, và cuối cùng là kiểm soát việc vay mới của chính quyền địa phương.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nhưng sẽ khó có thể giữ cho nền kinh tế Trung Quốc hoạt động hết công suất đồng thời áp đặt các hạn chế đối với các khoản cho vay mới. Mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu chuyển từ lĩnh vực bất động sản sang lĩnh vực năng lượng xanh và xe điện, nhưng bất động sản và cơ sở hạ tầng vẫn chiếm hơn 30% GDP của quốc gia này.

Trong khi Nhật Bản duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế nước này sẽ chậm lại vào năm 2024. Nhưng khả năng Nhật Bản "hạ cánh" suôn sẻ chủ yếu phụ thuộc vào cách BOJ xử lý quá trình chuyển đổi không thể tránh khỏi nhưng đầy rủi ro từ chính sách lãi suất siêu thấp. Với việc đồng Yên vẫn thấp hơn gần 40% so với đồng USD kể từ đầu năm 2021, ngay cả khi lạm phát của Mỹ tăng vọt, BOJ không thể trì hoãn sự chuyển đổi này. Nhiều khả năng BOJ sẽ phải tăng lãi suất, nếu không lạm phát đã "ngủ" yên từ lâu sẽ bắt đầu gia tăng, gây áp lực nặng nề lên hệ thống tài chính và chính phủ Nhật Bản, vốn hiện đang duy trì tỷ lệ nợ/GDP vượt quá 250%.

Trong bối cảnh một sự kết hợp đặc biệt của các sốc kinh tế và chính trị, các thị trường mới nổi đã khéo léo tránh khỏi khủng hoảng trong năm 2023. Mặc dù điều này chủ yếu là do những nhà hoạch định chấp nhận các chiến lược kinh tế tương đối truyền thống, một số quốc gia đã tận dụng tình hình căng thẳng địa chính trị đang leo thang. Chẳng hạn, Ấn Độ đã tận dụng xung đột Nga - Ukraine để mua lượng lớn dầu giảm chiết khấu cao của Nga, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một kênh quan trọng để vận chuyển hàng hóa châu Âu bị trừng phạt sang Nga.

Khi căng thẳng địa chính trị tăng cao và các cuộc thăm dò chỉ ra rằng Donald Trump hiện đang là ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, năm tới có thể là một năm nhiều biến động khác nữa cho nền kinh tế toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng đối với thị trường mới nổi, nhưng đừng ngạc nhiên nếu 2024 lại trở thành một năm khó khăn đối với mọi người.

Tin cùng chuyên mục