Ảnh Internet |
Chứng khoán toàn cầu tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ hàng đầu giảm trong những tuần gần đây, bất chấp các ngân hàng trung ương cảnh báo không nên kỳ vọng vào việc xoay trục chính sách sớm được diễn ra. Tại Mỹ, các nhà đầu tư tin rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa nền kinh tế "hạ cánh một cách hoàn hảo", với việc lạm phát đi xuống mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Nền kinh tế Mỹ gây bất ngờ bởi khả năng phục hồi trong năm 2023, một phần được hỗ trợ bởi khoản tiết kiệm từ đại dịch của người tiêu dùng và sức hấp dẫn của Mỹ như một thị trường an toàn để đầu tư trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động.
Những lý do để lạc quan về kinh tế Mỹ năm 2024
Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư và giám đốc điều hành cho rằng, khả năng "hạ cánh mềm" xảy ra là tương đối thấp khi các khoản tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch đang dần cạn kiệt và "mây đen" đang tích tụ.
Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng, Fed có thể cắt giảm lãi suất tới 1,5% vào cuối năm 2024, nhưng điều đó vẫn sẽ khiến lãi suất chính sách ở mức gần 4%, cao hơn mức đã tồn tại trong hầu hết hai thập kỷ qua. Ở mức đó, chính sách tiền tệ vẫn sẽ là lực cản đối với tăng trưởng, vì nó sẽ cao hơn mức lãi suất trung lập - mức lãi suất mà tại đó nền kinh tế không mở rộng cũng như không thu hẹp.
Bên cạnh đó là một loạt rủi ro khác đối với triển vọng năm 2024 như xung đột vũ trang, căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến toàn cầu hóa bị đảo ngược hoàn toàn và các cuộc bầu cử ở một số quốc gia có thể thay đổi trật tự thế giới theo những cách không ngờ tới.
Trong khi Fed và các ngân hàng khác đã tăng mạnh lãi suất trong hơn một năm, thế giới vẫn chưa hoàn tất quá trình chuyển đổi từ thời kỳ tiền rẻ sang thời kỳ tiền không còn rẻ. Năm 2024 có thể sẽ là năm mà những tác động của quá trình chuyển đổi đó thể hiện rõ ràng hơn.
Điều đó có nghĩa là các công ty - trong một số trường hợp là cả quốc gia - sẽ phải cơ cấu lại các khoản nợ của mình vì họ không còn đủ khả năng trả lãi. Điều này đã được thể hiện rõ trong các cuộc đàm phán nợ ở các thị trường mới nổi và tình trạng phá sản doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Tại Mỹ, số hồ sơ phá sản doanh nghiệp ghi nhận mức mức cao nhất kể từ năm 2020, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Trong nền kinh tế, các lĩnh vực như bất động sản thương mại sẽ còn chịu nhiều tổn thất hơn. Thị trường văn phòng cho thuê đã bị ảnh hưởng nặng nền bởi xu hướng làm việc từ xa - vốn được hình thành trong thời kỳ đại dịch. Nhiều chủ đầu tư sẽ phải đánh giá lại danh mục đầu tư của họ và từ bỏ những tòa nhà không có người thuê.
Trong khi đó, người tiêu dùng sẽ phải điều chỉnh lại các khoản vay khi lãi suất cao hơn. Nhiều người trưởng thành ở Mỹ mới chỉ biết đến lãi suất thấp cho khoản vay thế chấp nhà kỳ hạn 30 năm. Giờ đây, họ cần phải chấp nhận mức lãi suất cao gấp đôi và tính toán lại ngân sách cho phù hợp.
Đặc biệt, niềm tin của giới đầu tư có thể sẽ bị thử thách trong năm 2024, khi mọi người sẽ phải tìm cách sống sót với lãi suất cao hơn.