Ảnh minh hoạ |
Báo cáo Quốc hội về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2017, Chính phủ cho biết qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành trong cả nước đã phát hiện và xử lý sai phạm về đất đai 17.586 ha đất; thu hồi trên 175 tỷ đồng; xử lý hành chính 238 tập thể, 944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 49 đối tượng.
Theo báo cáo của Chính phủ, tài sản nhà, đất chiếm giá trị lớn nhất trong tổng giá trị tài sản nhà nước hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng giá trị tài sản nhà nước tại Cơ sở dữ liệu quốc gia đến ngày 31/12/2017 là 1.158.118,99 tỷ đồng (đối với 4 loại tài sản gồm đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản).
Trong đó tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị 742.381,85 tỷ đồng, tài sản là nhà có giá trị 297.789,87 tỷ đồng.
Tổng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng đến thời điểm nói trên là 2.605,92 triệu m2 ¬¬với tổng giá trị 742.381,85 tỷ đồng, chiếm 64,10% tổng giá trị toàn bộ tài sản nhà nước.
Tổng quỹ nhà do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý, sử dụng là 142,50 triệu m2 với tổng nguyên giá theo sổ kế toán là 297.789,87 tỷ đồng chiếm 25,71% tổng giá trị toàn bộ tài sản Nhà nước, tổng giá trị còn lại theo sổ sách kế toán là 158.550,01 tỉ đồng (chiếm 53,24% tổng nguyên giá).
Về quá trình quản lý, sử dụng, Chính phủ thừa nhận, công tác quản lý, sử dụng tài sản công chưa thực sự hiệu quả so với tiềm năng.
Trong khi đó, việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn định mức, chế độ sử dụng trụ sở làm việc một số nơi chưa nghiêm, dẫn tới có trường hợp lãng phí, một số bộ, cơ quan trung ương chưa hoàn thành công tác sắp xếp, xử lý nhà, đất, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất; một số đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương sử dụng nhà đất chưa đúng quy định hoặc chưa hiệu quả, cá biệt còn trường hợp sử dụng đất được giao làm trụ sở để cho thuê không đúng mục đích.
Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp chưa đầy đủ, kịp thời; việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất các cấp ở nhiều địa phương còn chậm.
Việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất không qua đấu giá được chỉ ra rằng vẫn còn diễn ra; giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được xử lý; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đất nông nghiệp còn nhiều bất cập; rà soát, xác định ranh giới, đo đạc, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.
Để khắc phục, năm 2018, Chính phủ đẩy mạnh tập trung quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên. Cụ thể là đẩy mạnh thực hiện đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), xử lý tài sản tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản dự án, tài sản xác lập sở hữu nhà nước và các tài sản khác có quyết định bán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản bán đấu giá hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ bán tài sản chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Khi cổ phần hóa DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa DNNN được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về cổ phần hóa DNNN, đảm bảo nguyên tắc giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất là giá đất cụ thể sát với giá thị trường.