Nhiều dự án bất động sản tìm được “lối thoát" sau khi gỡ vướng pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án bất động sản trên cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đã tìm được “lối thoát" sau khi gỡ vướng pháp lý.
Việc rà soát, phân nhóm các vướng mắc của các dự án để tháo gỡ, sẽ giúp chủ đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý. Ảnh: Gia An
Việc rà soát, phân nhóm các vướng mắc của các dự án để tháo gỡ, sẽ giúp chủ đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý. Ảnh: Gia An

Đầu tháng 12/2024, nhiều doanh nghiệp bất động sản lại lóe lên hy vọng khi Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn các dự án đầu tư của TP.HCM họp để xem xét cho 5 dự án nằm trong diện "dậm chân tại chỗ".

Các dự án này gồm: Khu phức hợp thông minh thuộc Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty TNHH Lotte Properties HCMC làm chủ đầu tư; Khu đất 14,8 ha tại phường An Phú, TP. Thủ Đức do Công ty Nguyên Phương làm chủ đầu tư; Khu phức hợp Tháp Quan sát thuộc Khu chức năng dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương; Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, Quận 7 của Hưng Lộc Phát và Khu thương mại - căn hộ I-Home (Gò Vấp) của CT Group.

Tuy chưa được thông suốt hoàn toàn về pháp lý, nhưng theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, việc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối tiếp tục rà soát, phân nhóm các vướng mắc của các dự án để tháo gỡ, sẽ giúp chủ đầu tư sớm hoàn thành thủ tục pháp lý nhằm triển khai thi công, đưa dự án nhanh chóng quay trở lại với thị trường. Nếu không có gì thay đổi, quý I và II/2025 sẽ có nhiều dự án "hồi sinh".

Hồi đầu tháng 11/2024, UBND TP.HCM cũng cho biết, từ khi thành lập (31/5/2023) đến hết tháng 9/2024, Tổ công tác đã xem xét, giải quyết vướng mắc pháp lý cho 30 dự án. Đáng lưu ý, có 8/30 dự án bất động sản đã được giải quyết hoàn toàn, 22/30 dự án có vướng mắc đang được sở, ngành, TP. Thủ Đức tiếp tục xử lý theo quy định.

8 dự án được giải quyết hoàn toàn, gồm: Dự án Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty CP Quốc Lộc Phát; Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty CP VTHouse và Công ty CP Tân Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; Dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star của Công ty CP Đầu tư Metro Star; Dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (tên thương mại là Celadon City - điều chỉnh tiến độ) của Công ty CP Gumaland; khu đất diện tích hơn 11.000 m2 tại huyện Hóc Môn của Công ty CP Western Sài Gòn; Dự án Khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long Quận 7 của Công ty CP Hưng Thịnh Incons; Dự án khu giáo dục quận Bình Thạnh của Công ty Trí Tuệ.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư có dự án được tháo gỡ pháp lý hoàn chỉnh đã lên kế hoạch tái khởi động việc xây dựng, kêu gọi đối tác tham gia phát triển dự án. Dự kiến, trong 2 quý đầu năm 2025 sẽ có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường.

Không chỉ với những án chưa triển khai, việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những dự án đã đưa vào sử dụng cũng ghi nhận những kết quả bước đầu. Như tại Dự án Sunrise Riverside (Nhà Bè), từ tháng 7/2024 đến nay, Novaland đã bàn giao 446 sản phẩm tại 2 tháp cuối cùng và trao 429 sổ hồng cho cư dân Dự án.

Theo kế hoạch, dự kiến trong năm 2025, Novaland sẽ trao sổ hồng cho hơn 7.000 sản phẩm tại 6 dự án trung tâm TP.HCM, bao gồm: Sunrise Riverside (Nhà Bè), Kingston Residence (quận Phú Nhuận), The Sun Avenue (TP. Thủ Đức), Lucky Palace (Quận 6), Sunrise City (Quận 7), Orchard Garden (quận Phú Nhuận).

Tại Đồng Nai, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh này đã đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND Tỉnh giải pháp tháo gỡ 133 dự án bất động sản đang vướng mắc. Mới đây, ngày 19/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000 TP. Biên Hòa, góp phần tháo gỡ pháp lý cho Dự án Aqua City của Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua.

Tương tự, nhờ khơi thông pháp lý, đến hiện tại, Dự án NovaWorld Ho Tram đã bàn giao hơn 410 sản phẩm biệt thự; NovaWorld Phan Thiet đã bàn giao 1.200 căn biệt thự, trong số này có khoảng 150 căn biệt thự đang gấp rút hoàn thiện nội thất, cùng với 600 căn đã khai thác vận hành.

Một chủ đầu tư cho biết, hơn 2 năm nay, công ty nằm trong vòng xoáy thiếu tiền mặt trầm trọng. Gần đây, nhiều chủ đầu tư nước ngoài muốn mua lại hoặc hợp tác phát triển dự án, nhưng đòi pháp lý phải "sạch", trong khi dự án bị tắc nên không làm gì được. Vì vậy, việc gỡ vướng pháp lý nhanh chừng nào sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản bớt khổ chừng đó.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc đồng lòng đồng sức tháo gỡ pháp lý sẽ giúp khơi thông các điểm nghẽn vốn tồn tại dai dẳng khiến cho cả chủ đầu tư lẫn thị trường tê liệt.

Tuy nhiên, hiện các địa phương phía Nam có số lượng dự án vướng mắc pháp lý vẫn còn nhiều. Vì vậy, theo ông Châu, các sở, ban ngành ở các địa phương cần thúc đẩy, xóa bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định có liên quan, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, mới mong khơi thông các điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư trên địa bàn của mình.

Tin cùng chuyên mục