250 triệu USD xây kho ngầm chứa dầu tại Dung Quất

Có vốn điều lệ 59,2 tỷ đồng (tương đương 2,7 triệu USD), Công ty TNHH Kho ngầm xăng dầu dầu khí Việt Nam (PVOS) đang lên kế hoạch đầu tư dự án kho ngầm chứa xăng dầu trị giá 250 triệu USD.
250 triệu USD xây kho ngầm chứa dầu tại Dung Quất

PVOS đã đề nghị cơ quan chức năng bổ sung Dự án Kho ngầm ngoại quan chứa dầu thô và xăng dầu tại Khu kinh tế Dung Quất mà doanh nghiệp này sẽ đầu tưvào Quy hoạch Phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.

Dự án có công suất 1 triệu m3, với cơ cấu dầu thô chiếm tới 90% thể tích và sản phẩm xăng dầu chiếm 10% thể tích. Trong giai đoạn I, Dự án sẽ đầu tư 2 hầm chứa có thể tích tổng cộng 600.000 m3 và đưa vào vận hành trong năm 2020. Giai đoạn II sẽ xây dựng tiếp một kho ngầm có thể tích 400.000 m3. Kho ngầm chứa dầu thô này được vận hành theo hình thức kho ngoại quan, với kế hoạch khởi công trong năm 2016 và vào vận hành trong năm 2020. Diện tích cần cho Dự án là 40 ha.

Để triển khai Dự án, PVOS đã kiến nghị ưu tiên dành quỹ đất, mặt nước và quỹ cảng tại vị trí thuận lợi để phục vụ mục đích dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại về dầu thô.

Đặc biệt, nhà đầu tư này cũng muốn trở thành đơn vị hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật cho Dự án Kho dự trữ quốc gia dầu thô và hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thu xếp tài chính để phát triển dự án này.

Được biết, PVOS được hình thành trên cơ sở góp vốn của Công ty SEK (Hàn Quốc), với 71% vốn điều lệ; 19% vốn điều lệ thuộc về Tổng công ty Dầu Việt Nam và 10% còn lại thuộc về Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn - nơi đang vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Theo tính toán của chủ đầu tư, Dự án có quy mô khoảng 250 triệu USD và sẽ được huy động vốn theo phương án 40% vốn chủ sở hữu, 60% vốn vay.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, vào tháng 8/2014, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã từng có văn bản đề nghị Bộ Công thương bổ sung dự án này vào Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo các hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - vận hành (BTO), hay xây dựng - chuyển giao (BT), để có cơ sở cho việc ký kết hợp đồng và triển khai các thủ tục đầu tư liên quan.

Trước đó, Dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010, với quy mô vốn 6.000 tỷ đồng, sức chứa 1,6 triệu m3 trên diện tích xây dựng 180 ha, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn I trong quý I/2014 và vận hành toàn bộ vào năm 2015.

Sau đó, vào tháng 4/2013, Dự án đã được điều chỉnh lần 1. Theo đó, Dự án đăng ký đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh (BO), hoàn thành và đi vào hoạt động giai đoạn I với dung tích chứa 600.000 m3 trong quý I/2017. Tổng vốn đăng ký đầu tư được xác định khi đó là 340 triệu USD.

Trong đóng góp ý kiến của mình, Bộ Tài chính đã yêu cầu chủ đầu tư xác định căn cứ, phương pháp tính tổng mức đầu tư; phân tích, đánh giá hiệu quả tài chính, phương án và khả năng hoàn vốn trong vòng 10 năm như đề xuất. Ngoài ra, cơ sở tính toán mức giá cho thuê kho là 3,5 USD/m3/tháng, hay vấn đề cơ chế áp dụng giá cho thuê kho trong suốt vòng đời của Dự án và khả năng thu hồi vốn ra sao cũng cần được làm rõ.

Một vấn đề khác được cơ quan chuyên môn đặt ra là “vì sao phải là kho ngầm, mà không phải là kho nổi hay hình thức dự trữ khác”, bởi trong hồ sơ Dự án không đưa ra so sánh các phương án.

Trong góp ý của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Dự án có tổng mức đầu tư 250 triệu USD, dự kiến vay của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) 150 triệu USD, song hồ sơ Dự án chưa có cam kết cho vay vốn của KDB, hay hợp đồng tín dụng kèm theo, nên cần phải bổ sung theo quy định.

Giải trình ý kiến trên, PVOS cho biết, đã cùng với KDB, Ngân hàng Phát triển Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) cam kết thủ tục thu xếp vốn cho Dự án. Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Hàn Quốc (KNOC) cũng cam kết góp vốn thực hiện Dự án.

Hiện PVOS đã cùng Socar Trading Singapore và Sebrina Holding Pte. Ltd., PVOil Singapore ký bản ghi nhớ hợp tác trong dự án này, với việc các đối tác bao tiêu phần lớn thể tích kho để chứa dầu thô phục vụ mục đích kinh doanh quốc tế và có thể cung cấp cho các nhà máy lọc dầu trong nước, như Dung Quất, khi cần thiết.

Cũng cần phải nói thêm rằng, vào tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận bổ sung Dự án Kho dự trữ quốc gia dầu thô tại Dung Quất quy mô 1 triệu m3 vào quy hoạch và giao PVN thực hiện với phương án tự đầu tư.

Mặc dù có hai dự án kho ngầm chứa dầu thô cùng quy mô công suất, vị trí đặt và đều có khả năng kết nối nhất định với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhưng Bộ Công thương vẫn chính thức đề xuất Chính phủ chấp thuận bổ sung Dự án của PVOS (phục vụ mục đích kinh doanh thương mại) vào Quy hoạch Phát triển hệ thống dự trữ dầu thô của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục