3 tháng nữa Quốc hội bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng

Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá 14 (dự kiến tháng 7), đại biểu sẽ bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cùng nhiều chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.

Chia sẻ với báo chí, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, do nhu cầu công việc, sắp xếp bộ máy của Đảng theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, Quốc hội khoá 13 vừa kiện toàn 37 chức danh lãnh đạo nhà nước để đảm bảo sự đồng bộ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

"Nhân sự vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là của Khoá 13, nhiệm kỳ 2011-2016. Sau khi bầu cử Quốc hội Khoá 14 (ngày 22/5), chúng ta lại kiện toàn nhân sự của các cơ quan nhà nước", ông Lưu cho hay.

Luật Tổ chức Quốc hội quy định các chức danh trong bộ máy nhà nước bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

Như vậy, nếu các chức danh mới trúng cử sắp tới được bầu là đại biểu Quốc hội thì sẽ tiếp tục được giới thiệu đảm nhiệm chức vụ, còn người nào không trúng cử thì sẽ kết thúc nhiệm kỳ, và được Đảng, Nhà nước bố trí vào vị trí khác.

Ông Lưu cũng cho hay, theo quy định của Hiến pháp, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 14 vào tháng 7 tới, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án toà án nhân dân Tối cao sẽ tiếp tục tuyên thệ trước Quốc hội sau khi được bầu.

Điều 3 của Luật tổ chức chính phủ:

Nhiệm kỳ của Chính phủ Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.

Điều 8 Luật tổ chức quốc hội quy định việc bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước như sau:

1. Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước.

2. Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

3. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

4. Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

5. Quốc hội bầu Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước.

6. Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

7. Ngoài những người do cơ quan hoặc người có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này đề nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người ứng cử để bầu vào chức danh quy định tại Điều này trong trường hợp đại biểu Quốc hội ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử.

8. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Điều 9: Phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước

1. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ theo danh sách đề cử chức vụ từng người.

2. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh theo đề nghị của Chủ tịch nước.

4. Quốc hội phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Điều 10. Việc từ chức của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

1. Người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.

2. Đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 8 và Điều 9 của Luật này. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Tin cùng chuyên mục