4 khó khăn, vướng mắc trong xây dựng Nghị định về thanh toán Dự án BT

(BĐT) - Việc ban hành nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đặt ra yêu cầu phải xử lý hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và khắc phục tồn tại, hạn chế tiêu cực trong thời gian vừa qua. Hiện, có 4 nội dung khó khăn, vướng mắc đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ ra khi xây dựng Nghị định này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin về Nghị định thanh toán Dự án BT trước Quốc hội sáng ngày 31/5/2019
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin về Nghị định thanh toán Dự án BT trước Quốc hội sáng ngày 31/5/2019

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, phương thức đầu tư theo hình thức BT đã được thực hiện trước khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý tài sản công. Chính phủ đã xem xét rất kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhiều mặt để vừa đảm bảo mục tiêu chặt chẽ, đúng pháp luật, vừa bảo đảm không hồi tố.

Theo đó, trong quá trình soạn thảo, 4 khó khăn vướng mắc được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Một là, phải bảo đảm nguyên tắc về ngang giá khi sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Nguyên tắc ngang giá đã được quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, thực tế một số hợp đồng BT đã ký trước ngày luật có hiệu lực thi hành, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT, đây là khó khăn rất lớn, đòi hỏi xử lý phù hợp để quy định vào nghị định.

Thứ hai, liên quan đến việc đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Đầu tư, giá trị dự án BT và việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu. Theo pháp luật về đất đai thì việc giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản thì phải thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, đối với quỹ đất thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư, nếu thực hiện đấu giá là không khả thi vì khi đấu thầu dự án BT, Nhà nước đóng vai trò là bên mua, nhà đầu tư đóng vai trò là bên bán; còn đấu giá tài sản công thì Nhà nước đóng vai trò là bên bán, nhà đầu tư đóng vai trò là bên mua. Pháp luật hiện hành không có quy định đồng thời vừa đấu thầu vừa đấu giá đối với cùng một dự án.

Thứ ba, về giá đất để xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật là xác định theo giá thị trường. Thực tế cho thấy, việc xác định giá đất cụ thể trong thời gian vừa qua chưa đạt được mục tiêu của nguyên tắc này, đa số thấp hơn thị trường trong điều kiện giá đất có đặc điểm riêng là xu hướng tăng sau quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng. Điều này có rất nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân về phương pháp xác định giá đất, cả nguyên nhân trong tổ chức thực hiện và xác định giá đất còn bất cập.

 Thứ tư, về thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật về đấu giá, việc đấu giá chỉ thực hiện được với đất sạch (tức là đất đã giải phóng mặt bằng), trong trường hợp này là sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư công, không phải hình thức đầu tư BT. Thực tế đối với hình thức đầu tư BT, các địa phương đã chấp thuận sử dụng đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư, quỹ đất chưa bồi thường giải phóng mặt bằng thì chưa đủ điền kiện đưa ra đấu giá.

Chính vì vậy, quá trình xây dựng nghị định, để triển khai Luật Quản lý nợ công, ngày 6/10/2017 chúng tôi đã trình Chính phủ dự thảo nghị định này sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Trong quá trình từ đó đến nay, về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã có 10 lần báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị định. Đến nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định BT và đã có văn bản Báo cáo số 6007 ngày 27/5/2019 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành nghị định này.