Giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng. Ảnh minh hoạ: Internet |
Ông Nguyễn Quốc Lân, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, thời gian tới việc bán tháo thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi (ASF) sẽ giảm, nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng có thể sẽ khiến giá thịt lợn tiếp tục tăng cao.
Nhập khẩu tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng
Tại Hội thảo Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm, một vấn đề được chú ý là biến động xuất nhập khẩu thịt lợn trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Quốc Lân, trước kia, việc nhập khẩu thịt lợn đa số phục vụ cho chế biến công nghiệp, nhưng hiện tại, nhập khẩu tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, lượng nhập khẩu thịt từ Ba Lan đạt 10,8 nghìn tấn, trị giá 11,1 triệu USD, tăng 77% về lượng và tăng 76,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. 5 tháng đầu năm 2019, Hà Lan đã vươn lên là thị trường đứng thứ 2 về cung cấp thịt lợn cho Việt Nam, với lượng nhập khẩu đạt 6,6 nghìn tấn, trị giá đạt 5,4 triệu USD; tiếp theo là thị trường Braxin, Tây Ban Nha với lượng nhập khẩu đạt lần lượt là 4 nghìn tấn và 3,7 nghìn tấn, trị giá đạt 7,4 triệu USD và 3,8 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu mặt hàng thịt lợn sữa đông lạnh tăng khá. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu mặt hàng thịt lợn sữa đông lạnh đạt 5,1 nghìn tấn, trị giá đạt 23,8 triệu USD, tăng 49,5% về lượng và tăng 83,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, lượng xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh sang thị trường Hồng Kông đạt hơn 4,7 nghìn tấn, trị giá đạt 21,8 triệu USD, tăng 56,4% về lượng và tăng 92,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Đứng thứ 2 với khoảng cách lớn là thị trường Singapore, với lượng xuất khẩu đạt 53 tấn, trị giá đạt gần 274,9 nghìn USD, tăng 0,9% về lượng nhưng giảm 2% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, lượng xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh sang thị trường Singapore đạt 210 tấn và trị giá đạt 1,1 triệu USD.
Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp
Ông Lân nhận định, dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Một số tỉnh dù đã công bố hết dịch nhưng sau đó dịch bệnh vẫn quay trở lại bùng phát do công tác kiểm soát dịch bệnh vẫn chưa được chặt chẽ, chủ yếu phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do thiếu ý thức phòng chống dịch, không khử trùng chuồng trại, dùng thức ăn thừa cho lợn, tiêu hủy không đảm bảo quy trình, vận chuyển lợn nhiễm bệnh do chênh lệch giá tại các địa phương..
Tại nhiều địa phương, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều không thực hiện tái đàn do lo sợ ASF, đồng thời số lượng lợn hậu bị không bán được phải chuyển sang bán lợn thịt, điều này khiến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh trong quý 3 và quý 4/2019.
Thời gian tới việc bán tháo do dịch ASF cũng sẽ giảm cộng nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng sẽ khiến giá lợn tiếp tục tăng cao.
Tổng đàn lợn giảm dẫn đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi dự báo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, sản lượng thức ăn chăn nuôi cho động vật đã giảm ít nhất 30% trong thời gian qua.
Giá lợn hơi tại Trung Quốc đang tăng nhanh, nhất là tại các địa phương phía Nam, hiện đã lên đến trên 62.000 đ/kg, cao hơn khoảng 20.000 - 25.000 đ/kg so với giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc của nước ta. Dự báo giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể sẽ còn tăng do tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn tương đối lớn của nước này. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì hoạt động xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ được nối lại, tăng cường sự thiếu hụt trong nước.
Ông Lân cho rằng, để bù đắp lượng thịt lợn được dự báo sẽ bị thiếu trong thời gian tới, việc chủ động giết mổ lợn sạch để cấp đông dự trữ cho những tháng cuối năm là giải pháp giúp cho áp lực chống dịch giảm đi, đồng thời tập trung vào con giống để khi nông dân có nhu cầu tái đàn sẽ có đủ giống đáp ứng. Tuy nhiên, việc cấp đông cũng gặp trở ngại do hạn chế về kho lạnh và năng lực cấp đông, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp. Do đó, cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan quản lý về vốn và bảo hiểm cùng quy trình cấp đông đảm bảo tính khoa học. Mặt khác, phát triển các điểm bán thịt lợn sạch, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân mua thịt lợn, cấp đông tại gia đình, giảm áp lực cho các doanh nghiệp cấp đông và chủ trang trại.
Mặt khác, tăng cường nhập khẩu thịt lợn sạch từ những nước có nguồn cung tin cậy, bù đắp lượng thiếu hụt trong nước; tuy nhiên, việc nhập khẩu cần có sự cân đối, tính toán kỹ do ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường và sản xuất trong nước, tác động đến cán cân thương mại xuất nhập khẩu vì ngành chăn nuôi lợn đang nhập siêu. Cùng với đó là kim ngạch xuất khẩu có khả năng bị giảm do các nước nhập khẩu e ngại lợn nhiễm bệnh.
“Cơ quan quản lý cần định hướng, hỗ trợ để giảm thiểu chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, phát triển quy hoạch chăn nuôi trang trại lớn theo vùng, giúp kiểm soát các rủi ro ảnh hưởng của môi trường, dịch bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người chăn nuôi cũng nên tập trung đầu tư chăn nuôi vào nhóm gia cầm, bò thịt để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt trong thời gian tới”, ông Lân đề xuất.