Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và ông Trương Minh Tuấn tại cơ quan điều tra khi bị bắt vào tháng 2. Ảnh: Bộ Công an |
Vụ án sẽ được xét xử sơ thẩm từ ngày 16/12 đến 31/12 tại TAND Hà Nội. Hơn 40 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 14 bị can. Trong số này, ông Nguyễn Bắc Son mời 3 luật sư, cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn có 5 luật sư, cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ thuê 3 luật sư.
Theo cáo trạng, năm 2015, Tổng công ty Viễn thông MobiFone (100% vốn nhà nước, cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông) muốn lấn sân kinh doanh lĩnh vực truyền hình nên chủ trương mua lại một công ty truyền hình. Qua giới thiệu của bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, MobiFone nhắm đến Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.
Thời điểm này, AVG kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn. Để nâng cao giá trị AVG trong lúc đàm phán với MobiFone, ông Phạm Nhật Vũ đưa ra thông tin đang được đối tác nước ngoài trả giá mua 700 triệu USD và đã nhận đặt cọc 10 triệu USD. Ông Phạm Nhật Vũ sau đó nhiều lần liên hệ, đề nghị ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn và các lãnh đạo MobiFone nhanh chóng thực đẩy thực hiện dự án.
Từ đây, ông Nguyễn Bắc Son đã "chỉ đạo quyết liệt" MobiFone phải mua cổ phần của AVG. Cuối năm 2015, MobiFone đã mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.600 tỷ đồng.
Cáo trạng của VKSND Tối cao đã chỉ ra 6 sai phạm chính trong dự án mua bán cổ phần này.
Tự ý thực hiện trước khi có quyết định của Thủ tướng: Dự án có vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, theo quy định phải được Thủ tướng quyết định chủ trương. Trong khi người đứng đầu Chính phủ chưa ra quyết định, ngày 21/12/2015, ông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cấp dưới đề xuất và giao cho Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone.
Giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án là hai yếu tố quan trọng với dự án đầu tư nhưng khi việc này còn chưa được làm rõ, ông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo ban hành Quyết định 236/QĐ-BTTTT.
Giấu giếm dự án mua AVG: Việc mua bán giữa MobiFone và AVG được Bộ Thông tin và Truyền thông và doanh nghiệp thống nhất không thông tin, tuyên truyền và đưa giao dịch này vào danh mục "Mật" của Nhà nước.
Ngày 5/3/2015, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã ký văn bản gửi Bộ Công an đề xuất đưa dự án vào danh mục tài liệu "Mật".
Định giá AVG quá cao: Theo nhà chức trách, MobiFone thuê Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX thẩm định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015. VKSND phát hiện việc thẩm định đã vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, sử dụng số liệu không có cơ sở.
Vì vậy, việc AMAX xác định AVG có giá 16.500 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2015 là không có căn cứ. Theo cáo trạng, giá trị tài sản của AVG tính đến ngày 31/3/2015 là 3.100 tỷ đồng, trừ đi tổng nợ phải trả là 1.133 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng còn lại là 1.970 tỷ đồng.
Trong khi đó, MobiFone lại căn cứ kết quả thẩm định giá của AMAX để đàm phán và đề xuất giá mua 95% cổ phần của AVG. Đây là một trong những nguyên nhân khiến AVG được mua với giá cao gấp nhiều lần, mang lại lợi ích cho ông Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG song lại làm nhà nước thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng (tính cả tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG).
Tung tin sai về giá trị AVG: Ông Phạm Nhật Vũ nói AVG được công ty nước ngoài trả giá 700 triệu USD nhưng tổ giúp việc cho dự án và Ban giám đốc MobiFone không tổ chức xác minh sự thật.
Cơ quan điều tra và VKSND Tối cao cùng kết luận: Thông tin về 700 triệu USD là do AVG đưa ra, và "không có cơ sở chứng minh". Tại cơ quan điều tra, ông Phạm Nhật Vũ đã thừa nhận "thỏa thuận bán cổ phần cho đối tác nước ngoài và nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD" chỉ là dự kiến.
Ông Nguyễn Bắc Son giữ vai trò cao nhất vụ án: Dù giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ, ngày 15/12/2015 ông Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo dự án phải được triển khai ngay và hoàn thành trong năm tài chính 2015. Quá trình triển khai dự án, ông Nguyễn Bắc Son đã liên lạc với ông Phạm Nhật Vũ tổng cộng 126 cuộc điện thoại và 139 tin nhắn.
VKSND Tối cao cáo buộc với thẩm quyền Bộ trưởng, ông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo xuyên suốt từ quá trình giới thiệu cho đến khi thực hiện việc thanh toán. Trong giai đoạn truy tố, ông Nguyễn Bắc Son chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu Bộ Thông tin Truyền thông; không thừa nhận vai trò chủ mưu, chỉ đạo MobiFone thực hiện dự án như đã khai ở giai đoạn điều tra.
Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng có đủ căn cứ kết luận ông Nguyễn Bắc Son "chỉ đạo, quyết định và thúc đẩy" việc mua cổ phần của AVG, quyết liệt trong phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Do vậy, ông phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Ông Trương Minh Tuấn tích cực thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son còn vì được "hứa hẹn tạo điều kiện để làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông", cáo trạng nêu. Khi ông Nguyễn Bắc Son rời nhiệm kỳ Bộ trưởng vào năm 2016, ông Trương Minh Tuấn trở thành người kế nhiệm.
Hối lộ hơn 136 tỷ đồng: Quá trình chỉ đạo và thực hiện dự án, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn cùng cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà, cựu tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải biết rõ các vi phạm nhưng vẫn quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Đổi lại cả bốn người nhận "lót tay" số tiền lớn từ Phạm Nhật Vũ: ông Son nhận 3 triệu USD (hơn 66 tỷ đồng), ông Lê Nam Trà nhận 2,5 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng), ông Cao Duy Hải nhận 500.000 USD (hơn 11 tỷ đồng) và ông Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng).
VKSND Tối cao truy tố cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng ông Cao Duy Hải, ông Lê Nam Trà về tội Nhận hối lộ với khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ông Phạm Nhật Vũ (46 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị cáo buộc phạm tội Đưa hối lộ, đối mặt hình phạt 12-20 năm tù, theo khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải còn đối mặt tội danh thứ hai là Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù. Đồng phạm về tội danh này còn có 9 bị can: Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Hồ Tuấn (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (cựu phó tổng giám đốc MobiFone phụ trách), Nguyễn Bảo Long (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc MobiFone) cùng Phan Thị Hoa Mai (cựu thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Võ Văn Mạnh (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (thẩm định viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX).