7 nhóm vấn đề cần lưu ý khi triển khai lập, hoàn thiện quy hoạch tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Văn phòng Chính phủ vừa thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Cuộc họp trực tuyến với 12 địa phương về đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 21/10/2023. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới 7 nhóm vấn đề hiện nay mà đa số các địa phương còn vướng mắc khi triển khai lập, hoàn thiện quy hoạch tỉnh.
Bản đồ Quy hoạch thành phố Đà Nẵng
Bản đồ Quy hoạch thành phố Đà Nẵng

Cụ thể, một là, nhóm vấn đề liên quan đến Quy hoạch điện VIII (về phương án phát triển mạng lưới cấp điện). Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc cập nhật các dự án, công trình quan trọng, ưu tiên đầu tư đã được xác định trong Quy hoạch điện VIII vào Quy hoạch tỉnh. Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng phát triển năng lượng điện của địa phương để đề xuất bổ sung danh mục dự kiến dự án nguồn điện tiềm năng, lưới điện tiềm năng trong Quy hoạch tỉnh, nhưng phải phù hợp với quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển nguồn điện, lưới điện, tiêu chí, luận chứng tại Quy hoạch điện VIII. Việc triển khai các dự án nêu trên chỉ được thực hiện khi bảo đảm phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với các điều kiện, tiêu chí, luận chứng theo Quy hoạch điện VIII và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật có liên quan.

Hai là, nhóm vấn đề liên quan các quy hoạch về khoáng sản (về phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh rà soát, đề xuất phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản bảo đảm phù hợp Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 680/QĐ-TTg ngày 10/6/2023, các quy hoạch ngành quốc gia và quy định khác có liên quan. Trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh liên quan đến khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Xây dựng và cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.

Trước ngày 26/10/2023, Chủ tịch UBND 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh, thành phố để trình Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, nhóm vấn đề liên quan đến phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, các khu chức năng và các nội dung khác trong Quy hoạch tỉnh (giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch, lâm nghiệp, lấn biển…), theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đề xuất nhu cầu sử dụng đất theo phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, các khu chức năng và các nội dung khác trong Quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp với thời kỳ quy hoạch đến 2030, tầm nhìn đến 2050 (có tính định hướng dài hạn). Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 đã phân bổ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

Bốn là, nhóm vấn đề liên quan đến Quy hoạch lâm nghiệp (về tỷ lệ che phủ rừng và diện tích rừng trong Quy hoạch tỉnh). Do Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hiện chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh, UBND cấp tỉnh rà soát, xác định tỷ lệ che phủ rừng và diện tích rừng trong Quy hoạch tỉnh bảo đảm phù hợp với các chủ trương, chỉ đạo của Đảng về bảo vệ, phát triển rừng và chỉ tiêu sử dụng đất rừng được phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm là, nhóm vấn đề liên quan đến danh mục các dự án dự kiến ưu tiên thực hiện. Lãnh đạo Chính phủ đề nghị UBND cấp tỉnh rà soát, có thể đề xuất các dự án, công trình đang được rà soát, xử lý theo các Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành các bản án vào trong danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện phù hợp với định hướng của Quy hoạch tỉnh nhưng trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phải cam kết không hợp thức hóa các sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư dự án theo nguyên tắc chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo Kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành.

Sáu là, nhóm vấn đề liên quan đến phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã. Các địa phương thực hiện theo Công điện số 616/CĐ-TTg ngày 04/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, cần thể hiện nội dung mang tính định hướng trong việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong Quy hoạch tỉnh. Việc xác định phạm vi, ranh giới, tên địa lý và triển khai phương án sắp xếp cụ thể các ĐVHC cấp huyện, cấp xã sẽ được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Bảy là, nhóm vấn đề liên quan đến phương án xác định khu vực quốc phòng. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc rà soát, cập nhật các nội dung liên quan đến lĩnh vực quốc phòng trong Quy hoạch tỉnh, bảo đảm phù hợp theo Quyết định số 2256/QĐ-BQP ngày 30/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tin cùng chuyên mục