Chỉ có 14% DNNVV Việt Nam có khách hàng, đối tác là doanh nghiệp FDI. Ảnh: Nhã Chi |
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia thương mại quốc tế còn rất khiêm tốn. Nếu không có sự thay đổi, các DNNVV có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.
Nhận diện những điểm yếu
Tại Hội thảo Hỗ trợ thương mại quốc tế cho DNNVV vừa diễn ra, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, DNNVV chiếm tới 97% tổng số DN đang hoạt động, nhưng hiện mới có khoảng 20% khối DN này tham gia mạng lưới thương mại toàn cầu. Con số này là rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. “Tại Malaysia là 46%, Thái Lan, Philippines… còn cao hơn nhiều”, bà Hằng minh chứng.
Ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV thuộc VCCI đã chỉ ra hàng loạt những khó khăn, thách thức mà các DNNVV đang phải đối mặt khi tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế. Đó là khó khăn trong tiếp cận khách hàng, thị trường nước ngoài; thiếu lao động có kỹ năng; tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn và chi phí cao… Ông Tiến đánh giá: “Khả năng liên kết của DNNVV trong nước với các DN FDI rất yếu. Chỉ có 14% DNNVV Việt Nam có khách hàng, đối tác là DN FDI. 65% DN gặp khó khi tiếp cận với các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài”.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Nhóm 5 nước Đông Nam Á và Nam Á nhìn nhận: “Đúng là các DNNVV ở Việt Nam gặp phải nhiều thách thức như: hạn chế tiếp cận vốn và tài trợ thương mại, thiếu dữ liệu, thiếu kênh bán hàng và thiếu kinh nghiệp giao dịch quốc tế”. Ông Nirukt Sapru cho rằng, trong thời gian tới, khi Việt Nam tiếp tục mở rộng thương mại quốc tế thì khối DNNVV sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực này sẽ là đầu tàu giúp kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đứng trước cơ hội mới
Về triển vọng kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2017 và năm 2018, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, đang có những dự báo tốt cho hoạt động thương mại quốc tế. Theo ông Thành, đến thời điểm này, những dự báo về tăng trưởng kinh tế đều lạc quan hơn hồi đầu năm 2017; tăng trưởng thương mại đạt mức cao; ngành dịch vụ đang có tăng trưởng tốt; giá cả hàng hóa cơ bản có xu hướng tăng, nhưng không tăng quá mạnh.
Tăng trưởng kinh tế trong nước cũng có những tín hiệu rất tích cực, các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp… đều đang có mức tăng trưởng khá. Hiện thị trường ngoại hối tương đối ổn định, cán cân thương mại có thặng dư... “Đây là những yếu tố tích cực có thể giúp các DNNVV mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Thành phân tích thêm.
Ở góc độ chính sách, ông Phạm Hoàng Tiến cho biết, DNNVV đang được được quan tâm đặc biệt. Theo kế hoạch, từ ngày 1/1/2018, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực với 7 chính sách hỗ trợ chung, bao gồm: hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng lãi suất; hỗ trợ công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có nhiều chương trình khác hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh như về đào tạo, tín dụng… “Hệ thống chính sách đồng bộ này sẽ tạo ra bước phát triển mới cho DNNVN”, ông Tiến kỳ vọng.