Họp báo thường kỳ quý I/2019 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 5/4, tại trụ sở Bộ |
Theo ông Hải, xăng dầu là một trong số ít các mặt hàng thiết yếu hiện nay được điều hành dần tiến đến cơ chế thị trường với sự định hướng của Nhà nước.
Cả nước có 28 doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu, trong thời gian tới con số này sẽ tăng lên nếu đáp ứng quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Việc điều hành giá theo chu kỳ 15 ngày/lần được quy định tại Nghị định 83 với công thức tính toán cụ thể. Tuy nhiên, thực tế điều chỉnh có sử dụng hỗ trợ của Quỹ bình ổn xăng dầu chứ Nhà nước không dùng ngân sách để can thiệp vào việc điều hành giá này. “Quỹ này không nằm ở Bộ Công Thương, không nằm ở Bộ Tài chính, cũng không nằm ở Chính phủ mà nằm ở chính doanh nghiệp. Nếu cần trích Quỹ cho điều hành thì doanh nghiệp sẽ trích ra”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 18/3 vừa qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng nhưng Chính phủ quyết định không tăng giá xăng và phải dùng Quỹ bình ổn xăng dầu để bù. Ví dụ như xăng E5 được bù 2.800 đồng/lít, xăng RON 95 bù 2.000 đồng/lít để giữ ổn định giá. Tuy nhiên, sau 15 ngày giá xăng vẫn tiếp tục tăng, tại phiên điều hành ngày 2/4/2019, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng giá bán xăng dầu. Trên thực tế, nếu không dùng Quỹ, giá xăng dầu lần này có thể còn cao hơn. Cụ thể, để "chỉ tăng" 1.377 đồng/lít thì Quỹ bình ổn phải chi bù 2.242 đồng/lít, nếu không sẽ tăng 3.019 đồng/lít.
Tương tự xăng RON 95, Quỹ phải bù 1.304 đồng/lít để chỉ tăng 1.484 đồng/lít, nếu không sẽ phải tăng 2.788 đồng/lít. “Do đó, nếu không có quỹ này thì cứ "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng" theo giá thị trường”, ông Hải nói.
Quay lại vấn đề có cần thiết phải có Quỹ bình ổn giá xăng dầu nữa hay không, ông Hải cho rằng: “Cá nhân tôi không muốn có quỹ này và mong muốn càng sớm càng tốt bỏ quỹ này đi, nhưng trong thời điểm hiện nay chúng ta vẫn rất cần quỹ để bình ổn giá xăng dầu. Đây chính là biện pháp điều tiết của Nhà nước”.