ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các đợt bùng phát mới của dịch bệnh Covid-19 đang làm chậm quá trình phục hồi ở một số nền kinh tế trong khu vực châu Á. Tại khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế của khu vực này từ 4,4% xuống còn 4% trong năm 2021.
Ảnh minh họa internet
Ảnh minh họa internet

ADB dự báo mức tăng trưởng kinh tế của châu Á ở mức 7,2% trong năm nay, điều chỉnh giảm 0,1% so với mức dự báo 7,3% hồi tháng 4/2021. Lý do điều chỉnh được ADB đưa ra là do các đợt bùng phát mới của dịch bệnh Covid-19 làm chậm quá trình phục hồi ở một số nền kinh tế trong khu vực. Song, triển vọng cho năm 2022 được ADB dự báo nâng từ 5,3% lên 5,4%.

Trong Bản bổ sung của Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2021, ADB đưa ra những dự báo cập nhật cho các nền kinh tế của khu vực và mức lạm phát trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cụ thể, không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), triển vọng tăng trưởng cập nhật của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á là 7,5% cho năm 2021 và 5,7% cho năm 2022. Các con số dự báo trước đây lần lượt là 7,7% và 5,6%.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhận định, công cuộc phục hồi sau đại dịch Covid-19 của châu Á và Thái Bình Dương đang tiếp diễn trong bối cảnh còn bấp bênh khi các đợt bùng phát mới, các biến thể vi-rút mới và việc triển khai vắc-xin không đồng đều. Ngoài các biện pháp ngăn ngừa và tiêm chủng, việc phục hồi các hoạt động kinh tế có chiến lược và theo từng giai đoạn sẽ là chìa khóa để bảo đảm công cuộc phục hồi xanh, bao trùm và bền bỉ cho các nền kinh tế này.

Báo cáo của ADB chỉ rõ, đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ lớn đối với triển vọng phục hồi này. ADB dẫn chứng, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày trong khu vực đã lên tới đỉnh điểm là 434.000 ca hồi giữa tháng 5/2021. Con số này giảm xuống còn 109.000 ca vào cuối tháng 6/2021, tập trung chủ yếu ở Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Trong khi đó, việc triển khai vắc-xin trong khu vực đang dần được đẩy mạnh, với trung bình 41,6 liều/100 người vào cuối tháng 6/2021 - cao hơn con số trung bình toàn cầu là 39,2 liều/100 người, nhưng thấp hơn so với tỉ lệ 97,6 liều/100 người ở Hoa Kỳ và 81,8 liều/100 người tại Liên minh châu Âu.

ADB hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2021 đối với các khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương do các đợt bùng phát mới đang được ứng phó bằng các biện pháp ngăn chặn và hạn chế, gây thiệt hại tới hoạt động kinh tế. Triển vọng tăng trưởng của Nam Á cho năm tài khóa 2021 giảm từ 9,5% xuống còn 8,9%. Dự báo cho Ấn Độ bị hạ một điểm phần trăm, xuống còn 10,0%. Triển vọng năm 2021 của Đông Nam Á được điều chỉnh từ 4,4% xuống còn 4,0%; trong khi dự báo cho các nền kinh tế Thái Bình Dương giảm từ 1,4% xuống còn 0,3%. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của năm 2022 cho các tiểu vùng này đã tăng lần lượt lên 7,0%, 5,2% và 4,0%.

Dự báo về mức lạm phát năm nay của châu Á và Thái Bình Dương được nâng từ 2,3% hồi tháng 4 lên 2,4%, phản ánh giá dầu và giá hàng hóa gia tăng. Con số dự báo cho năm 2022 vẫn ở mức 2,7%.

Tin cùng chuyên mục