Hy vọng về sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi AEC được thành lập. |
Tình trạng bấp bênh tại Trung Quốc thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với các nguồn tài nguyên và hàng hóa từ khu vực này- cũng như áp lực từ giá cả hàng hóa sụt giảm vẫn đang phủ bóng đen lên 10 nước thành viên ASEAN. Điều này bất chấp thực tế việc thành lập AEC vào ngày 31-12 vừa qua, sau nhiều năm lên kế hoạch, có thể sẽ tạo đà thúc đẩy tích cực cho họ. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ mức tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á nhưng vẫn hy vọng mức tăng trưởng tăng mạnh hơn đôi chút trong năm 2016 lên mức 4,9% so với mức 4,4% được ước tính trong năm 2015.
Lượng hàng hóa xuất khẩu ít hơn là thủ phạm chính đằng sau sự giảm tốc ở hầu hết các nước ASEAN hồi năm ngoái. Các nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất như Indonesia, Malaysia và Brunei đã bị tác động mạnh do giá cả hàng hóa sụt giảm - giá dầu mỏ đã giảm dưới mức 35 USD/thùng hồi tháng trước. Mặc dù có nhiều áp lực đối với tăng trưởng kinh tế khu vực nhưng không phải mọi thứ đều tồi tệ.
Francis Tan- nhà kinh tế cao cấp thuộc Ngân hàng United Overseas (UOB) đóng trụ sở tại Singapore- nói: "Một tia sáng đối với các nước ASEAN là AEC được nhiều người mong đợi. Và đây sẽ không phải là năm tốt đẹp mà sẽ có lợi cho khu vực trong vài năm tới". AEC- với mục tiêu tham vọng là phát triển ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất đơn nhất với dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tự do cũng như dòng chảy vốn và lao động có tay nghề tự do di chuyển- sẽ hiện hữu trước tiên trong khu vực chế tạo. Các nền kinh tế mới nổi trong khu vực chắc sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay. Myanmar đứng đầu danh sách này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế của Myanmar đạt mức 8,4% trong năm 2016, tiếp theo là Lào với mức tăng trưởng 8% và Campuchia là 7,2%.
Mặc dù có nhiều kỳ vọng về sự phục hồi sau một loạt vấn đề kinh tế do cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan hồi tháng 5-2014 gây ra, cũng có những lo ngại rằng tỷ lệ nợ hộ gia đình trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan là quá cao và có thể dẫn đến tình trạng kiềm chế tiêu dùng trong nước. Trong 10 năm qua, nợ của hộ gia đình tại Thái Lan đã tăng 13,4%/năm và tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP tăng trên 80%. IMF dự báo mức tăng trưởng kinh tế của nước này là 3,2% trong năm 2016.
Là nhà xuất khẩu năng lượng duy nhất trong khu vực, Malaysia- cũng là nước xuất khẩu hàng hóa lớn- nhiều khả năng sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong năm 2016. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP thực của nước này tăng trưởng 4,7% trong năm 2015 và giảm xuống 4,5% trong năm 2016, cho thấy "sự suy giảm về nhu cầu trong nước trong năm 2015 do các điều kiện tài chính khó khăn hơn".
Theo Ulrich Zachau- Giám đốc WB phụ trách khu vực Đông Nam Á, một nhân tố chủ chốt đằng sau sự giảm tốc được dự báo đó là "với giá dầu mỏ thấp hơn trên khắp thế giới, tổng thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ sẽ giảm". Tác động thứ hai là tiêu dùng cá nhân giảm vì các hộ gia đình có ít tiền hơn do tác động gián tiếp của thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Tuy nhiên, WB tin tưởng vào khả năng của Chính phủ Malaysia trong việc duy trì nguồn thu nhập tương đối tốt.
Cùng với Malaysia, Indonesia chiếm 85-90% sản lượng dầu cọ trên toàn cầu. Đó chỉ là một trong nhiều mặt hàng được sản xuất tại Indonesia- thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Mặc dù sản lượng dầu mỏ của Indonesia đã giảm trong hai thập kỷ qua nhưng nước này vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu thô và dầu nhẹ trong khu vực. Điều này có thể khiến cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này trở thành nạn nhân của tình trạng giá cả hàng hóa và dầu mỏ sụt giảm. Ngân hàng Indonesia đưa ra mức tăng trưởng GDP mới của nước này trong năm 2015 từ 4,7-5,1%, giảm so với dự đoán trước đó là 5-5,4%. Ngân hàng Trung ương này dự báo sự phục hồi trong năm 2016, và hy vọng tăng trưởng kinh tế của Indonesia đạt 5,2-5,6%, cao hơn đôi chút so với dự đoán của IMF là 5,1%.
ADB cho biết tỷ lệ lạm phát của Indonesia sẽ chạm mức 6,4% trong năm 2015, trong khi báo cáo triển vọng của WB đưa ra mức 6,3%. Điều đó trái ngược với các mức tương đối thấp tại các nước láng giềng như Philippines, dự kiến tỷ lệ lạm phát khoảng 1,6% và Việt Nam được dự đoán là 0,9%.
Singapore- nền kinh tế tiên tiến nhất trong khu vực- có khả năng làm tốt hơn các nước thành viên ASEAN khác. Tuy nhiên, do hoạt động thương mại và chế tạo của Trung Quốc chậm lại, các nhà phân tích cũng hạ mức dự đoán tăng trưởng GDP của Singapore trong năm 2016.