Ái ngại về chất lượng tư vấn đấu thầu

(BĐT) - Được xem là cầu nối có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ ra “đề bài thi” (lập hồ sơ mời thầu) cũng như tham gia thẩm định, đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm giúp các chủ đầu tư/bên mời thầu lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực sự để triển khai dự án/gói thầu hiệu quả nhất, song ở đâu đó, đội ngũ nhà thầu tư vấn chưa làm tốt được vai trò này.
Tư vấn giám sát tốt phải là người có năng lực, có kinh nghiệm và đặc biệt là phải khách quan, độc lập trong công việc của mình
Tư vấn giám sát tốt phải là người có năng lực, có kinh nghiệm và đặc biệt là phải khách quan, độc lập trong công việc của mình

Uy tín làm nên thương hiệu

“Có một thông tin rất đơn giản về nhà thầu tư vấn quốc tế được lựa chọn trúng thầu nhưng đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được trong thời gian công tác của mình tại TP.HCM vào những năm 1990. Nhà thầu ấy đã trúng thầu bởi họ đã được chủ đầu tư/bên mời thầu đánh giá là rất có năng lực và đang sở hữu một số chuyên gia tư vấn về quy hoạch hàng đầu thế giới”. Ông Nguyễn Xuân Đào, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ khi đề cập về vai trò của tư vấn trong hoạt động đấu thầu.

Đánh giá về vai trò của nhà thầu tư vấn trong công tác đấu thầu, vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Tư vấn có vai trò rất quan trọng trong hoạt động đấu thầu. Họ là cầu nối, là người giúp chủ đầu tư/bên mời thầu xây dựng “đề bài thi” là hồ sơ mời thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu có năng lực nhất thực hiện gói thầu/dự án của mình. Bên cạnh đó, tư vấn cũng là người giúp chủ đầu tư/bên mời thầu đánh giá, thẩm định “bài thi” được khách quan, minh bạch”. Trong thời gian qua, đội ngũ nhà thầu tư vấn đã giúp Nhà nước đưa pháp luật về đấu thầu vào cuộc sống. Đội ngũ này đã giúp chủ đầu tư/bên mời thầu lập hồ sơ mời thầu cũng như đánh giá, thẩm định hồ sơ dự thầu để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu.

Với vai trò quan trọng đó, ông Đào cho rằng: “Tư vấn tốt thì phải là người có năng lực, có kinh nghiệm và đặc biệt là phải khách quan, độc lập trong công việc của mình”.

Đồng quan điểm trên, trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng bày tỏ: “Trên thực tế, tư vấn đấu thầu họ phải đóng rất nhiều vai, lúc thì giúp chủ đầu tư/bên mời thầu xây dựng được “đề bài thi”, đánh giá “bài thi” của nhà thầu; lúc thì giúp nhà thầu được tư vấn thắng thầu với thời gian và chi phí hợp lý nhất. Do đó, một nhà thầu tư vấn giỏi phải hội tụ được 3 tiêu chí, đó là có kiến thức, am hiểu pháp luật và có kinh nghiệm mới có thể hỗ trợ được các bên đạt được mục tiêu với chất lượng cao nhất”.

Hệ thống pháp luật đấu thầu của Việt Nam hiện nay đã có cácquy định đối với đội ngũ nhà thầu tư vấn. Các ý kiến đánh giá đều chung nhận xét là quy định đã đầy đủ và rõ ràng, tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đây là một trong những nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy đội ngũ này phát triển trong thời gian tới. 

Ái ngại về chất lượng!

Mặc dù được đánh giá là có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật về đấu thầu, tuy nhiên đánh giá về chất lượng đội ngũ nhà thầu tư vấn đấu thầu của Việt Nam hiện nay, hầu hết các ý kiến nhìn nhận, năng lực của đội ngũ tư vấn đấu thầu còn ở mức độ nhất định. Số lượng nhà thầu tư vấn có uy tín mới chỉ đếm trên đầu ngón tay… Thậm chí, ở đâu đó, có những nhà thầu tư vấn vẫn chưa am hiểu về kỹ thuật, công nghệ cũng như thiếu kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn của mình. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số gói thầu/dự án chậm tiến độ, không đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo an toàn thi công, phòng- chống cháy nổ…do HSMT của tư vấn xây dựng không đề cập đến vấn đề này”, vị chuyên gia Viện Kinh tế xây dựng chỉ ra.

Đáng ngại hơn, dưới góc nhìn của mình, một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu ngành điện cho biết: “Thực tế, có một số tư vấn đấu thầu vì chạy đua theo lợi nhuận hoặc do bên này, bên kia lợi dụng đã bị “nghiêng ngả”, không khách quan, không độc lập, dẫn đến việc đấu thầu hình thức diễn ra ở một số gói thầu”.

Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng nhà thầu tư vấn Việt Nam? Cho ý kiến về nội dung này, ông Đào cho rằng: “Điều quan trọng nhất là phải có chế tài. Nếu chế tài không tốt, người thi hành không tốt thì khó nâng cao chất lượng đội ngũ này”. Vì thế, ông Đào kiến nghị: “Các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu phải nâng cao trách nhiệm và chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo hoạt động đấu thầu cạnh tranh, minh bạch; tăng thêm chế tài để thấy rằng nếu tư vấn cứ chạy theo lợi nhuận thì họ sẽ mất uy tín và bị xử lý nghiêm khắc…”.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do có nội dung cam kết chặt chẽ về mua sắm công như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu…, nhiều chuyên gia về đấu thầu khẳng định, nhà thầu tư vấn phải nâng cao hơn nữa về năng lực, kinh nghiệm để đảm bảo hiệu quả công tác tư vấn đấu thầu trong thời gian tới. Việc nâng cao năng lực của các nhà thầu tư vấn vừa giúp chủ đầu tư thực thi nhiệm vụ quản lý, triển khai dự án tốt hơn; đồng thời các nhà thầu tư vấn cũng có thể hỗ trợ, giúp nhà thầu Việt Nam thắng thầu nhiều hơn trong “sân chơi” cạnh tranh gay gắt này.

Tin cùng chuyên mục