![]() |
Ảnh minh họa: TL |
Gói thầu có giá dự toán 13,235 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 21/4 - 9/5/2025.
Theo kiến nghị của nhiều nhà thầu, họ gặp khó trong việc tìm kiếm thiết bị tương đương để dự thầu trên cơ sở đáp ứng các thông số kỹ thuật mang yếu tố độc quyền của hãng cụ thể nào đó quy định trong HSMT. Đơn cử, đối với sản phẩm máy vi tính, các thông số kỹ thuật quy định trong HSMT hướng đến sản phẩm của thương hiệu Robo. “Dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn ISO quy định trong HSMT, chúng tôi đã liên hệ một số nhà sản xuất trên thị trường có sản xuất máy vi tính - đồng bộ thương hiệu. Tuy nhiên, chúng tôi xác nhận các hãng này chỉ đáp ứng một phần theo yêu cầu của HSMT”, một nhà thầu cho biết. Ngoài ra, với sản phẩm máy tính xách tay, thông qua cấu hình tổng thể trong HSMT, các nhà thầu cho rằng, duy nhất máy tính xách tay thương hiệu MSI (model 14F13MG) mới đáp ứng 100% thông số kỹ thuật theo yêu cầu.
Đối với sản phẩm tivi thông minh 65 inch, HSMT yêu cầu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam; sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 27001:2013, ISO 45001:2018, 55; sản phẩm đạt quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn theo QCVN 54:2020/BTTTT, QCVN 65:2021/BTTTT. Với yêu cầu này, HSMT đã mặc định xuất xứ hàng hóa (Việt Nam), vi phạm quy định về cạnh tranh trong đấu thầu. Ngoài ra, HSMT còn thể hiện yếu tố độc quyền thông qua yêu cầu về tích hợp bộ sách giáo khoa điện tử bản quyền được nhà xuất bản xác nhận cấp mã số tiêu chuẩn quốc tế ISBN và được cấp giấy phép tích hợp trên sản phẩm cho giáo dục (đây là phần mềm ký kết độc quyền của thương hiệu Aikyo).
Ngoài ra, HSMT yêu cầu các sản phẩm này có giấy xác nhận thông số kỹ thuật hàng hóa của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, cam kết của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối về việc hỗ trợ các dịch vụ kỹ thuật. Theo phản ánh, các yêu cầu này vô hình trung trở thành các “giấy phép con”, “giấy phép bán hàng” cản trở nhà thầu, trong trường hợp nhà sản xuất/nhà phân phối từ chối hỗ trợ, xác nhận.
Cũng theo phản ánh, tại loạt danh mục thiết bị phục vụ dạy và học khác như sản phẩm làm từ nhựa, sản phẩm làm từ gỗ, các bộ dụng cụ dùng để thí nghiệm (bộ thu nhận số liệu, các bộ cảm biến, dụng cụ đo các đại lượng không điện, biến áp nguồn...), HSMT đều quy định quy cách đóng gói sản phẩm và thông số mang tính định hướng nhà sản xuất, sai khác so với tiêu chuẩn quy định tại các thông tư do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Trong văn bản phúc đáp nhà thầu, Bên mời thầu cho biết, các thông số của thiết bị nêu trong HSMT chỉ nhằm mục đích mô tả, không nhằm mục đích hạn chế nhà thầu. Nhà thầu có thể đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa, catalogue khác, miễn là nhà thầu chứng minh được sự thay thế đó vẫn bảo đảm tính tương đương cơ bản hoặc cao hơn so với yêu cầu của HSMT. Liên quan đến các tài liệu giấy phép bán hàng hoặc tương đương, Bên mời thầu cho rằng cần thiết, bởi danh mục mời thầu là hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục, không phải là hàng hóa thông dụng, đơn giản.
Theo chuyên gia đấu thầu, khoản 12 Điều 24 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định, HSMT không được đưa ra yêu cầu về cung cấp giấy phép bán hàng, giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc của đại lý phân phối hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc giấy cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành của nhà sản xuất hoặc của đại lý phân phối hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương (sau đây gọi là giấy phép bán hàng). Trường hợp hàng hóa của gói thầu là hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ liên quan khác, HSMT có thể yêu cầu nhà thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng nhưng việc yêu cầu về giấy phép bán hàng phải được người có thẩm quyền chấp thuận. Căn cứ quy định này, chủ đầu tư, bên mời thầu cần tham chiếu, tuân thủ tuyệt đối khi xây dựng HSMT, tránh đưa ra những tiêu chí, yêu cầu không phù hợp, kém cạnh tranh.