Án phạt với hàng loạt DN không minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong số 29 doanh nghiệp đại chúng vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện đình chỉ giao dịch, có những doanh nghiệp từng trực tiếp sản xuất vật liệu xây dựng và tham gia các liên danh, trúng thầu nhiều công trình nâng cấp, chỉnh trang đô thị như Công ty CP Beton 6, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Bến Tre, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584…
Công ty CP Beton 6 từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn. Ảnh minh họa: Nha Trang
Công ty CP Beton 6 từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn. Ảnh minh họa: Nha Trang

Ngày 7/12 vừa qua, HNX ra quyết định đưa cổ phiếu BT6 của Công ty CP Beton 6 (Beton 6) vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 15/12/2023 với lý do tổ chức đăng ký giao dịch chưa công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán các năm 2019, 2020, 2021, 2022 với HNX. Trước đó, cổ phiếu BT6 đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán nhưng chưa có biện pháp khắc phục, do vậy HNX phải đưa ra chế tài mạnh tay hơn. Cũng theo thông báo từ HNX, Beton 6 sẽ có 15 ngày làm việc kể từ ngày cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch để gửi văn bản giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Được thành lập năm 1958, Beton 6 từng được biết đến là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường. Không chỉ làm nhà thầu phụ cho các nhà thầu xây dựng, Beton 6 còn trực tiếp tham gia các liên danh và trúng thầu nhiều công trình nâng cấp, chỉnh trang đô thị.

Beton 6 cũng là một trong những doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán từ rất sớm (đầu năm 2002) và từng được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước ưa thích. Năm 2015, Beton 6 hủy niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM theo diện tự nguyện với lý do tập trung vào việc tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp. Giao dịch trên sàn UPCoM, cổ phiếu Beton 6 vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nhờ vị thế sẵn có và kỳ vọng sớm trở lại sàn niêm yết sau quá trình tái cơ cấu.

Tuy vậy, thay vì cải thiện hiệu quả, Beton 6 lại bắt đầu chuỗi thời gian sụt giảm doanh thu và thua lỗ triền miên, liên tục thay đổi lãnh đạo. Theo báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C, đến 31/12/2022, Công ty lỗ lũy kế 817 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 415 tỷ đồng. Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán cho rằng: “Báo cáo tài chính đã không phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của Công ty tại ngày 31/12/2022 cũng như kết quả kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng ngày, không phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam, chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp lý liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính”.

Cùng với BT6, HNX công bố 28 quyết định đưa một loạt cổ phiếu vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 15/12/2023, bao gồm: AVF, B82, C12, CTA, CTN, FBA, GTT, HDO, HLA, HVG, KAC, KHL, KSS, NDF, NTB, PID, PX1, S27, S96, SD1, SD8, SDB, SDX, STL, TBT, TNM, V15, VNI, do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Trước đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp này đã bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính nhưng chưa có biện pháp khắc phục.

Với 29 quyết định trên, số cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch trên thị trường UPCoM đã lên tới 44, chiếm 5% tổng số cổ phiếu đang giao dịch trên sàn. Từ đầu năm đến nay, số lượng cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch trên UPCoM liên tục tăng nhanh, trong đó có một loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp từng là những tên tuổi lớn trên sàn niêm yết như FLC, KLF, IBC, ART…, chủ yếu do chưa công bố báo cáo tài chính được kiểm toán/soát xét theo quy định.

Nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu Beton 6 với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi, nhưng thực tế kinh doanh cho thấy Công ty ngày càng thua lỗ, khó khăn. Hàng loạt DN khác như Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Bến Tre, Công ty CP Hưng Đạo Container, Công ty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584… từ lâu không có thông tin được công bố, nên cổ đông, nhà đầu tư không biết hiện trạng đang hoạt động như thế nào. Thậm chí, có những doanh nghiệp từ lâu website đã không còn hoạt động, không truy cập được và không còn thông tin liên hệ.

Đơn cử, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Bến Tre, doanh nghiệp từng thi công nhiều dự án tại Bến Tre như ĐT. 883, ĐT. 884, ĐT. 885, ĐT. 888, cầu Ba Tri, cầu Xẻo Tre, cầu Cống Cầu, tuyến tránh Quốc lộ 60, cầu Kiến Vàng, cầu Kênh Xáng, Dự án Cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 60, đại lộ Đồng Khởi (thị xã Bến Tre)... Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, năm 2017, Công ty công bố tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 1/10/2017 đến 30/9/2018, sau đó tiếp tục công bố tạm ngừng hoạt động từ 1/10/2018 đến ngày 30/9/2019 với lý do tài chính gặp khó khăn, chưa có khả năng đáp ứng nguồn vốn cho sản xuất, thi công các công trình. Từ năm 2019 đến nay, không có thông tin nào mới được công bố, website www.tbtco.vn từ lâu không còn truy cập được.

Trong khó khăn chung của nền kinh tế, 11 tháng đầu năm 2023, có gần 159.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Đại đa số các DN ngừng hoạt động là quy mô nhỏ, mới khởi sự, việc dừng hoạt động không ảnh hưởng đến số đông nhà đầu tư. Tuy nhiên, với các DN đại chúng, việc “im bặt tiếng nói năng” như trên khiến hàng nghìn cổ đông đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền đã đầu tư. Lý do là cổ phiếu bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch không thể thanh khoản được, trong khi doanh nghiệp khó có khả năng khắc phục vấn đề cốt lõi là hiệu quả hoạt động, công bố thông tin để cổ phiếu được giao dịch trở lại.

Tin cùng chuyên mục