Becamex IJC vừa chào bán thành công hơn 125,915 triệu cổ phiếu cho các cổ đông với giá 10.000 đồng/CP. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC) vừa chào bán thành công hơn 125,915 triệu cổ phiếu cho các cổ đông với giá 10.000 đồng/CP. Sau khi trừ đi các chi phí liên quan, Becamex IJC thu ròng về hơn 1.258,618 tỷ đồng. Phần lớn số tiền huy động sẽ được Becamex IJC dùng để thanh toán nợ gốc/lãi vay ngắn hạn, dài hạn ngân hàng, trái phiếu và khách hàng với tổng giá trị hơn 628,687 tỷ đồng.
Trong đó, từ nay cho đến cuối tháng 6/2024, Becamex IJC dự kiến thanh toán hơn 433,316 tỷ đồng trả nợ gốc ngắn hạn (bao gồm đến hạn và trả trước hạn) cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương; 112,8 tỷ đồng đối với khoản vay dài hạn cho Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) - Chi nhánh TP.HCM.
Ngoài ra, Becamex IJC sẽ dùng hơn 466 tỷ đồng mua cổ phần phát hành thêm của Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex Bình Phước và dùng 164,475 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh cho giai đoạn tới đây.
Không chỉ có Becanex IJC, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực BĐS, xây dựng, VLXD cũng đang lên kế hoạch huy động vốn từ cổ đông.
Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HODECO) cũng vừa thông báo chào bán cổ phiếu ra công chúng, thời gian nhận đăng ký và nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 10/5 - 5/6/2024. Cụ thể, HODECO sẽ chào bán gần 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với giá chào bán 15.000 đồng/CP, HODECO dự kiến thu về 300 tỷ đồng, toàn bộ được sử dụng để thanh toán gốc và lãi của 8 hợp đồng tín dụng, bao gồm trả cho Ngân hàng BIDV 75 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PG Bank) 91 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) 54 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 80 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh bị ảnh hưởng do việc giải ngân của chủ đầu tư tại một số dự án còn chậm, đặc biệt là chủ đầu tư tư nhân trong năm 2023, Công ty CP Xây dựng 47 đã phải vay ngân hàng hoặc thuê tài chính nhằm đầu tư máy móc, thiết bị. Trong năm 2023, Công ty đã vay thêm 539 tỷ đồng, bên cạnh đó cũng trả 524,7 tỷ đồng tiền nợ gốc vay và 28,2 tỷ đồng nợ thuê tài chính. Tính đến 31/12/2023, nợ vay của Xây dựng 47 ở mức 706,5 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu.
Trước áp lực nợ vay cao, Công ty dự kiến chào bán 30 triệu cổ phiếu, thu về 300 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ vay. Thời gian giải ngân dự kiến sau khi thu được tiền từ đợt phát hành này là trong giai đoạn 2024 - 2025.
Tại Đại hội cổ đông dự kiến diễn ra vào ngày 26/4/2024, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt sẽ trình cổ đông phương án phát hành 34 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ cho chủ nợ ACA Vietnam Real Estate III LP (ACA Vietnam) với giá 20.000 đồng/CP. Đây là khoản nợ nước ngoài được quyền chuyển đổi dư nợ gốc thành cổ phiếu phổ thông và không có tài sản bảo đảm, có giá trị 30 triệu USD (tương đương giá hiện hành gần 750 tỷ đồng). Khoản vay trên được xác lập từ tháng 3/2022 với thời hạn 3 năm, lãi suất 8%/năm.
Theo Phát Đạt, việc phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ giúp tái cơ cấu tài chính, góp phần giảm chi phí vay, tăng vốn điều lệ và thu hút cổ đông nước ngoài đồng hành cùng Công ty. Tỷ lệ sở hữu của ACA Vietnam sau khi phát hành dự kiến là 4,41%. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty CP Xây dựng DIC Holdings, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC, Công ty CP Đầu tư Hải Phát… cũng lên kế hoạch chào bán thêm cổ phần để có thêm nguồn vốn tái cơ cấu nợ, thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn và bổ sung vốn kinh doanh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính thuộc Học viện Tài chính nhận định, về lý thuyết, chào bán cổ phiếu mới cho cổ đông là phương án “sáng cửa” cho các doanh nghiệp lúc cần vốn mới, khi các kênh khác như ngân hàng, trái phiếu gặp khó. Tuy nhiên, vấn đề bán với giá bao nhiêu và có bán được hay không là câu hỏi lớn trong bối cảnh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp yếu kém và giá cổ phiếu trên sàn rơi xuống mức thấp hơn mệnh giá như HPX (Đầu tư Hải Phát), HBC (của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình), C47 (của Xây dựng 47)...