Doanh nghiệp Việt phải gánh nhiều chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các ngành hàng. Ảnh: Lê Tiên |
Trong văn bản vừa gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) chỉ ra một loạt thách thức với các DN trong ngành có thể đối mặt trong thời gian tới.
Theo VASEP, hiện nguồn nguyên liệu nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu (XK). Tuy nhiên, thực tế, nhiều địa phương đang đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất là thách thức lớn cho DN. Với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hiện Việt Nam còn thiếu các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu cho XK.
Cùng với đó, các DN thủy sản thêm nặng gánh khi giá xăng dầu, logistics tăng mạnh. Đó là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành hàng. Theo VASEP, tại thời điểm tháng 6/2022, để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Hoa kỳ (Florida) thì giá cước khoảng 16.400 USD/cont, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tới TP.HCM (chiếm hơn 60%), thì trung bình 400 - 410 triệu đồng/cont.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều DN bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực do biến động tỷ giá. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho rằng, đồng USD lên giá khiến DN phải đối mặt với rủi ro do chênh lệch tỷ giá khi vay ngân hàng. Tức là, DN vay ngoại tệ ở thời điểm đồng USD đang rẻ, nhưng tới kỳ trả nợ, đồng USD lại lên giá, dẫn tới DN phải chịu thêm khoản bù chênh lệch tỷ giá này.
Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng gây áp lực tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như ngành nhựa, 80 - 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu, cũng thanh toán bằng USD nên sức ép giảm lợi nhuận khá lớn. Trong khi đó, phần lớn DN ngành nhựa chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa. Việc USD tăng giá khiến chi phí nhập khẩu tăng, buộc DN phải tăng giá bán. Nhưng trong thời điểm nhu cầu thị trường nội địa giảm mạnh như hiện nay, tăng giá bán thì càng khó tiêu thụ sản phẩm.
Ở chiều ngược lại, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhìn nhận, khi USD tăng giá, đồng Euro suy thoái, nhà XK hàng hóa được hưởng lợi. Mặc dù cũng có áp lực tăng chi phí, song thách thức về vấn đề tỷ giá với DN XK Việt Nam không lớn. Chính vì thế, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá, trong đó, XK là một trong những điểm sáng đáng chú ý.
Tuy vậy, các chuyên gia tài chính, kinh tế cũng như DN đều nhấn mạnh, trong rổ tiền tệ, đồng USD vẫn là biến số quan trọng khiến DN và nhà làm chính sách phải lưu tâm. Lý do là khi đồng USD tăng giá sẽ tạo áp lực lên tỷ giá, lạm phát, ảnh hưởng đến “sức khỏe” DN.
Theo đó, trong chia sẻ mới đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khuyến nghị các DN theo dõi sát tình hình và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Đồng thời, khi ký hợp đồng thương mại với đối tác, DN nên thương thảo việc áp mức trần hoặc sàn ngoại tệ thanh toán, để khi tỷ giá biến động tới các trần hoặc sàn, hai bên đều phải chia sẻ rủi ro.
Để ứng phó với loạt thách thức nêu trên, VASEP đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành. Hiệp hội đề nghị thúc đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Đất đai, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để có được các vùng nuôi trồng phù hợp. Đồng thời, Chính phủ và các địa phương có chính sách phát triển mở rộng ngành nuôi trồng thủy sản tập trung… nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu trong nước.
Với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, VASEP kiến nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất XK, gia công XK...
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta - một trong những DN chế biến, XK tôm lớn cho rằng, sự chủ động của DN là rất cần thiết để thúc đẩy sản xuất kinh, doanh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức bủa vây. “DN cần lựa chọn thị trường phù hợp với từng giai đoạn nhằm phát huy thế mạnh. Đồng thời, cần tăng cường chế biến sâu sản phẩm cũng như tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh”, ông Lực gợi ý.