Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, ASEAN có cơ cấu dân số đa dạng, nguồn lao động dồi dào, năng suất sản xuất đang được cải thiện, giáo dục – đào tạo được chú trọng và ngày càng hội nhập với thị trường quốc tế.
Đông Nam Á “vượt mặt” Trung Quốc
Năm 2013, vốn FDI vào ASEAN lần đầu tiên vượt Trung Quốc (128,4 tỷ USD so với 117,6 tỷ USD). Vốn FDI tiếp tục tăng trong các năm 2014 – 2015, ASEAN trở thành khu vực thu hút nhiều FDI nhất trên thế giới với 136,2 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp vốn FDI tăng. Đây là số liệu rất ấn tượng trong bối cảnh vốn đầu tư toàn cầu giảm 16% trong năm 2014.
Việc cải thiện môi trường đầu tư của khu vực cũng như tiến trình hội nhập để tiến tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp tới đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của ASEAN đối với dòng vốn FDI.
Ngoài ra, sức hút của ASEAN còn xuất phát từ nền tảng kinh tế vững mạnh và sức tăng trưởng của thị trường. Vốn đầu tư trong nội khối ASEAN cũng tăng 26%, lên 24,4 tỷ USD trong năm 2014, so với mức 19,4 tỷ USD năm trước đó.
Với quy mô dân số lớn thứ 3 trên thế giới với hơn 600 triệu người, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ; có độ tuổi trẻ cao và nền kinh tế nhiều tiềm năng hứa hẹn nhiều lĩnh vực sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn
Thị trường BĐS sẽ thu hút vốn mạnh do triển vọng tăng trưởng nhiều phân khúc.
ASEAN với khả năng tăng cường đô thị hóa, gia tăng dân số tầng lớp trung lưu, tăng lượng người giàu có và tăng lượng khách du lịch sẽ hỗ trợ phát triển cho bất động sản nhà ở, văn phòng thương mại và dịch vụ.
Theo dữ liệu của Jones Lang LaSalle (JLL) khu vực Châu Á Thái Bình Dương dự báo rằng các nước ASEAN sẽ cần thêm 700 triệu m2 diện tích văn phòng trong 10 năm tới.
Những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như điện tử, dệt may sẽ cạnh tranh mạnh với Trung Quốc. Mặc dù hiện nay giá thành sản xuất dệt may của Trung Quốc vẫn còn thấp do quy mô lớn và được đầu tư đồng bộ nguyên phụ liệu.
Tuy nhiên, hàng loạt các chuyên gia đều đánh giá dệt may sẽ là lĩnh vực có tốc độ tăng nhanh trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế ASEAN.
Sắp tới việc đầu tư các nhà máy nguyên phụ liệu cũng như lợi thế TPP sẽ càng làm thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác, với dân số đông và trẻ, chính thị trường nội khối cũng đã là yếu tố rất lớn hấp dẫn nhà đầu tư.
Lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông sẽ thu hút mạnh vốn đầu tư. Hiện nay lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đang sử dụng hơn 11,7 triệu lao động và đóng góp hơn 32 tỷ USD, tương đương hơn 3% GDP của ASEAN.
Thuê bao di động và internet tại các quốc gia thành viên, ở mức tương ứng 110% và 25%. Việt Nam, Indonesia, và Philippines đều có số thuê bao trên 100 triệu.
Cùng với cơ cấu dân số trẻ, am hiểu công nghệ và xu hướng sử dụng Smartphone là một thị trướng rất lớn, sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư cho cả lĩnh vực thiết bị và dịch vụ ứng dụng.
Trong báo cáo dự báo thương mại toàn cầu 2016, Ngân hàng HSBC đặc biệt đánh giá cao triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ và xem đây như là một trong những hành lang xuất khẩu đáng chú ý nhất.
Theo đó, thiết bị công nghệ thông tin hiện là lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và sự thành công của Việt Nam trong việc đa dạng hóa xuất khẩu trong những năm gần đây được minh họa bởi tỷ lệ thiết bị công nghệ thông tin trong tổng xuất khẩu.
Tỷ lệ này đã tăng từ ít hơn 10% năm năm về trước tới mức một phần tư tổng xuất khẩu hiện tại. Thiết bị công nghệ thông tin còn được dự báo sẽ đóng góp 19% vào tổng mức tăng xuất khẩu trong giai đoạn 2021 – 2030, từ mức 14% của giai đoạn 2015 – 2020.
Sự xuất hiện của các ông lớn tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam với suất đầu tư ngày càng lớn, theo HSBC cũng là một trong những động lực để Việt Nam có thể “bứt lên” với xuất khẩu thiết bị đánh giá.
“Samsung, vốn trước đây mở nhà máy điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2009, là công ty dẫn đầu cho mức tăng trưởng này. Nhà máy đầu tiên của họ đã tăng gấp đôi sản lượng mỗi năm từ năm 2009 trong khi Samsung tiếp tục xây dựng nhà máy thứ hai vào năm 2013 và cuối năm 2014, họ có kế hoạch công bố xây thêm hai nhà máy nữa: một nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng trị giá 600 triệu đô la Mỹ và một nhà máy điện thoại thông minh trị giá 3 tỷ đô la Mỹ. Thêm vào đó, LG, Microsoft và Intel cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam”, báo cáo đánh giá.
Lĩnh vực y tế sẽ tăng tốc thu hút vốn đầu tư. Hiện nay lĩnh vực y tế của ASEAN được xem là còn kém phát triển so với những lĩnh vực kinh tế khác. Tuy nhiên, mức sống người dân đang được cải thiện cùng với đà phát triển kinh tế.
Tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng và đã xuất hiện sự khởi đầu của xu hướng dân số già ở một số quốc gia đã dẫn đến sự bùng nổ thị trường các thiết bị và dịch vụ y tế trong khu vực.
Theo Pacific Bridge Medical – Công ty tư vấn y tế có trụ sở tại Mỹ, chỉ tính riêng thị trường thiết bị y tế của ASEAN, với tổng giá trị khoảng 4,6 tỷ USD trong năm 2013, dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 9 tỷ USD vào năm 2019.