Bác Hồ - Người truyền cảm hứng bất tận cho các nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù chỉ coi mình là người có “duyên nợ” với báo chí, song cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những ngày tìm đường cứu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến khi đảm đương nhiều trọng trách quốc gia, Người vẫn không rời cây bút.
Trong tư duy của Bác, báo chí phải hướng về “đại đa số dân chúng”, trong bất kỳ trường hợp nào, báo chí cũng là diễn đàn của nhân dân. Ảnh St: Tường Lâm
Trong tư duy của Bác, báo chí phải hướng về “đại đa số dân chúng”, trong bất kỳ trường hợp nào, báo chí cũng là diễn đàn của nhân dân. Ảnh St: Tường Lâm

Hơn ai hết, Bác Hồ hiểu rõ tầm quan trọng của báo chí đối với đấu tranh cách mạng và đời sống xã hội. Người luôn đề cao vai trò, sức mạnh và coi báo chí là một phương tiện không thể thiếu trong việc thực hiện lý tưởng, hoài bão và nhiệm vụ cách mạng trong mọi hoàn cảnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu cuộc đời cách mạng bằng viết báo, rồi lập các cơ quan báo chí do chính mình và cộng sự trực tiếp chỉ đạo để triển khai những chủ trương, đường lối, chính sách và công việc theo tôn chỉ mục đích của tổ chức cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn dành thời gian, tâm huyết cho hoạt động báo chí.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với báo chí, Bác đã để lại một sự nghiệp đồ sộ. Đó là hơn 2.000 bài báo thuộc các thể loại với hơn 150 bút danh khác nhau đăng ở nhiều tờ báo trong và ngoài nước, bằng nhiều thứ tiếng, chủ đề đa dạng, sinh động, văn phong vừa độc đáo, vừa gần gũi, dễ hiểu, luôn chiếm được sự mến mộ của bạn đọc. Người đã dùng báo chí như một vũ khí sắc bén để đấu tranh với kẻ thù của dân tộc, đồng thời tuyên truyền, động viên, giác ngộ nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Nói về vai trò của báo chí và những người làm báo, Bác khẳng định: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết nên những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương” (trả lời phỏng vấn báo chí năm 1946). Và Người cho là: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ, năm 1947).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sản phẩm báo chí mang dấu ấn cá nhân, song tờ báo lúc nào cũng là sản phẩm của một tập thể. Tính tập thể của nghề báo không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở chỗ “người viết, người in, người sửa bài, người phát hành... ăn khớp với nhau...”.

Đi đôi với đề cao tính tập thể, Bác Hồ cũng khuyến khích tài năng cá nhân. Chính vì vậy, Người đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ những người làm báo và tổ chức chính trị, nghề nghiệp của họ: Hội Nhà báo Việt Nam. Người khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”. Người nhấn mạnh vai trò “chiến sĩ” của người làm báo, đòi hỏi nhà báo kiên định lập trường, giữ vững quan điểm báo chí cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt. “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962). “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh...” (điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, năm 1965)... Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng.

Trong tư duy của Bác, báo chí phải hướng về “đại đa số dân chúng”, trong bất kỳ trường hợp nào, báo chí cũng là diễn đàn của nhân dân. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí với văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc tốt đẹp, bằng những lời lẽ giàu hình tượng, nói lên được những điều lớn bằng những chữ nhỏ”.

Có thể nói, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật viết để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có sức lay động đối với công chúng vẫn vẹn nguyên giá trị cho những người làm báo hôm nay.

Nhà báo Hellmut Kapfenberger, nguyên phóng viên hãng thông tấn ADN của Cộng hòa Dân chủ Đức, đã có thời gian thường trú 7 năm tại Việt Nam, từng viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho tôi”. Đúng như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người truyền cảm hứng bất tận cho các nhà báo!

Thời gian qua, đa số người làm báo đều thấm nhuần lời dạy của Bác, nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội của mình. Họ đều hiểu rằng, báo chí là một trong những hoạt động mang tính xã hội rất cao và người làm báo là người hoạt động xã hội. Tác phẩm báo chí có tác động xã hội rộng lớn, có khả năng định hướng tư tưởng, định hướng thông tin cao và hiệu quả. Đặc biệt, ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, báo chí còn có khả năng tác động nhanh chóng và hết sức mạnh mẽ đối với xã hội, đôi khi vượt ra ngoài dự kiến của tác giả.

Tuy nhiên, cũng có không ít nhà báo chưa thấy hết trách nhiệm xã hội của mình, đưa ra những thông tin thiếu chính xác, hoặc thiếu cân nhắc khi công bố thông tin, làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với một số chủ trương, chính sách của Nhà nước, gây thiệt hại cho một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…, đồng thời cũng làm giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí.

Thực tế nghề báo là một nghề đặc biệt, nhà báo được xã hội tôn trọng, được mệnh danh là người đại diện cho công bằng, lẽ phải, là tai mắt của nhân dân… thì càng phải rèn tâm, luyện đức, phải lấy cái đức làm gốc của nghề nghiệp, cái tâm nhất quán phải soi sáng trong từng tác phẩm báo chí. Cố Nhà báo Hữu Thọ đã từng nói, nhà báo chân chính cần phải có “mắt sáng - lòng trong - bút sắc”.

Khi thực hiện một tác phẩm báo chí, tác giả không thể không nghĩ tới người đọc, người nghe, người xem; không thể không nghĩ đến hệ quả sau khi tác phẩm đến với bạn đọc. Điều đó đòi hỏi nhà báo phải thông tin trung thực, khách quan và phải có trách nhiệm đến cùng về sản phẩm do mình tạo ra. Xác định được rõ ràng như vậy, nhà báo sẽ có trách nhiệm hơn trong toàn bộ quy trình làm ra sản phẩm, từ khâu tìm hiểu, thu thập, khai thác, tiếp nhận thông tin đến khâu xử lý, công bố thông tin. Nhà báo có trách nhiệm xã hội cao không bao giờ được quyền cẩu thả, qua loa trong bất kỳ khâu nào.

Vì vậy, mỗi khi cầm bút, người làm báo cần phải nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là hãy tự đặt cho mình câu hỏi: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?”. Chỉ khi nào trả lời được đầy đủ, đúng đắn các câu hỏi ấy, người làm báo mới có thể yên tâm đặt bút viết và thực hiện tác phẩm của mình.

Tin cùng chuyên mục