The KAfe bị tố nợ Công ty CP Thực phẩm Gia Tường và Công ty CP Giáo dục - Đào tạo và Phát triển Quốc tế tổng cộng 6 tỷ đồng. Ảnh: sưu tầm |
“Chẳng đường nào trải bước trên hoa hồng”…
Những ngày giáp Tết năm 2015, cộng đồng start-up Việt Nam vui mừng đón nhận tin The KAfe ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Quỹ đầu tư Hongkong New Asia Partners (NAP). Theo đó, NAP sẽ sở hữu ít nhất 40% vốn của The KAfe, đồng thời giúp doanh nghiệp này phát triển thương hiệu, mở thêm nhà hàng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2015 - 2016. Chỉ hơn nửa năm sau khi được NAP “đỡ đầu”, KAfe có thêm tin vui khi Quỹ đầu tư Cassia Investments quyết định rót 5,5 triệu USD cho chuỗi nhà hàng The KAfe.
Cùng với những tin vui dồn dập về mặt tài chính, The KAfe cũng gấp rút khai trương một loạt nhà hàng, bắt đầu tiến quân vào TP.HCM, thị trường vốn rất khắc nghiệt nhưng cũng đầy tiềm năng.
Theo cảm quan của người tiêu dùng, những giá trị được cho là bản sắc của The KAfe không còn nổi bật khi hàng loạt quán cafe, nhà hàng cũng mở ra với mô hình tương tự. Các món ăn cũng chưa khác biệt đến mức không-thể-bắt-chước. Rất nhanh chóng, chuỗi nhà hàng The KAfe mất đi sức hút với những người trẻ tuổi, có tiền, vốn là phân khúc khách hàng mà Công ty hướng tới. Bởi họ có nhiều sự lựa chọn, khi mà start-up lĩnh vực này xuất hiện ngày một nhiều.
Các quỹ nước ngoài khi rót tiền vào cho các start-up chắc chắn không kỳ vọng mình đang và sẽ làm ăn với một doanh nghiệp nhỏ xinh. Áp lực về việc mở rộng quy mô, doanh thu… luôn đè nặng lên vai “cô chủ nhỏ” Đào Chi Anh, người sáng lập The KAfe.
Trong một trao đổi ngắn với Báo Đấu thầu, đại diện The KAfe cho biết, 2 công ty tố cáo The KAfe thực ra cùng một chủ. Tuy nhiên, khi được hỏi mối quan hệ giữa 2 công ty này với một cổ đông của The KAfe, người phụ trách tài chính đã ký những văn bản xác nhận công nợ, phía The KAfe từ chối trả lời. Trước đó, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh vụ việc, Đào Chi Anh cho biết văn bản xác nhận nợ nói trên vô hiệu vì cổ đông đó không có thẩm quyền (?).
Những bài học dành cho start-up
“Sự phát triển mau lẹ của The KAfe có thể là một trong những chặng đua của công ty này. Bên cạnh đó, với nhu cầu thực sự về sự nổi tiếng, để dễ dàng hơn trong việc kinh doanh, thu hút khách, người đứng đầu doanh nghiệp dễ “biến hình” từ một doanh nhân sang một ngôi sao, với sự long lanh vượt quá giá trị thực sự của bản thân” - ý kiến từ một ông chủ chuỗi nhà hàng cafe đã thành công cho biết.
Với The KAfe, do đặc thù kinh doanh, các khoản tiền thu về của Công ty đều là “tiền tươi” và có quyền nợ theo hợp đồng, thanh toán theo từng khoảng thời gian nhất định với các nhà cung cấp. Điều này đáng ra sẽ là lợi thế đáng kể về mặt dòng tiền đối với Công ty. Việc chây ì trả nợ của The KAfe, nếu có, không chỉ là dấu hiệu của những tranh chấp nội bộ trong Ban lãnh đạo, mà còn là tín hiệu không mấy tốt lành cho hoạt động kinh doanh. Lượng khách không đồng đều giữa các nhà hàng trong chuỗi cũng như sự vắng vẻ tại những nhà hàng mới mở tại TP.HCM có thể đẩy The KAfe đến nguy cơ thiếu hụt dòng tiền.
Trong kinh doanh, nhiều khi lợi nhuận không quan trọng bằng dòng tiền mà doanh nghiệp kiếm được từ hoạt động kinh doanh chính.
Với The KAfe, vấn đề Công ty đối mặt bây giờ không chỉ là 2 đơn vị đứng ra tố cáo, hay là vị cổ đông phụ trách mảng tài chính, mà còn là niềm tin của các nhà đầu tư đã rót vốn vào Công ty. The KAfe mới hoàn tất việc gọi vốn vòng 1 và chặng đua vẫn còn dài. Trước mắt là có một hồ sơ đẹp đẽ cho quá trình gọi vốn vòng 2. Tham vọng của Đào Chi Anh không dừng lại ở đó, cô còn có ý định đưa Công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hongkong hoặc London trong vòng 1 - 2 năm tới. Những bước đi đầu tiên của start-up nhiều tiềm năng này đã sớm gặp trắc trở, sẽ là bài học về sự cẩn trọng cho cộng đồng start-up Việt sau này.