Ảnh Internet |
Giao đất không đấu giá, có lợi ích nhóm?
Vấn đề đất đai tại Bình Phước lại được “xới” lên cùng với trách nhiệm của các cựu quan chức tỉnh này. Nhất là mới đây Thanh tra Chính phủ kết luận công tác quản lý, sử dụng đất, giao đất, giao rừng ở Bình Phước có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ. Nhưng đâu là nguyên nhân và hướng xử lý cho một loạt sai phạm này?
Trên thực tế, cách đây hơn 3 năm đã có dấu hiệu vi phạm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và ông Trương Tấn Thiệu - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước qua kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Kết quả sau đó đã kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh, cá nhân ông Trương Tấn Thiệu cùng 18 cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và 6 cán bộ khác.
Nếu soi kỹ về công tác giao đất trong bản kết luận mới nhất của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 30/12/2015 vừa qua, có thể thấy hàng trăm hecta đất của tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2008 - 2013 đã được giao mà không thông qua đấu giá, trái với các quy định về đất đai, dẫn đến thất thoát lớn. Đơn cử như tùy tiện giao đất cho các tổ chức kinh tế thực hiện 11 dự án khu dân cư trên địa bàn Tỉnh mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Chưa kể, còn miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng cho 3 dự án khu dân cư của Công ty CP Đại Nam, Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Bình Phước và Công ty CP Quang Minh Tiến với tổng số tiền miễn giảm hơn 13,6 tỷ đồng. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về lợi ích nhóm đã “thao túng” việc giao đất.
Trong các sai phạm này, không thể không đề cập đến đến vai trò của ông Trương Tấn Thiệu, người đã mất chức Chủ tịch UBND tỉnh từ tháng 4/2013. Cần phải nhắc lại, khi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Thiệu đã ký một số quyết định có nội dung trái quy định của pháp luật, làm thất thu ngân sách khá lớn. Điển hình như việc bán “khu đất vàng” có diện tích 6.275 m2 (cạnh Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước) cho Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Phước với giá rất thấp so với giá UBND Tỉnh ban hành năm 2010, không thông qua đấu giá. Ông cũng liên quan đến việc bán hàng trăm hecta đất cao su, đất rừng cho các doanh nghiệp, cá nhân sai nguyên tắc, làm thất thoát nhiều tỷ đồng.
Đó là chưa kể ông Trương Tấn Thiệu đã giao Trạm thu phí số 2 cho nhà đầu tư (thực hiện Dự án BOT đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh) trước khi Chính phủ đồng ý, dẫn đến việc quản lý lỏng lẻo tiền phí thu được và gây thất thoát.
Cần nhắc thêm, cách đây 2 năm, có tổng cộng 17 quan chức của Bình Phước từ Chủ tịch UBND Tỉnh đến cán bộ thuộc các sở, ban ngành liên quan phải tự bỏ tiền túi để khắc phục khoảng 25 tỷ đồng thất thoát do bán 323 hecta cao su không qua đấu giá. Trong đó, ông Thiệu là người đứng đầu danh sách phải bỏ tiền túi để khắc phục sai phạm.
Lúc còn đương chức, chính ông Thiệu đã ký quyết định để bán thẳng không qua đấu giá 3 lô cao su và mỗi lô chỉ có 1 người tham gia đấu giá. Sau đó, ông Thiệu tiếp tục ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm 292 hecta cao su.
Cần xử lý mạnh tay
Rõ ràng, những sai phạm chồng chất gây thất thoát cho Nhà nước hàng tỷ đồng của các cựu lãnh đạo tỉnh Bình Phước là rất nghiêm trọng. Nhưng nếu chỉ gói gọn kiểm điểm, xử lý kỷ luật và cách chức thì liệu đã thỏa đáng hay chưa? Điều dư luận mong mỏi chính là biện pháp xử lý các quan chức sai phạm phải mạnh tay và nếu có đủ bằng chứng, dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần xử lý hình sự rốt ráo nhằm tăng tính răn đe.
Trong kết luận mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cần tổ chức kiểm điểm nghiêm túc để có biện pháp khắc phục sai phạm. Nhất là, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm để có hình thức xử lý trách nhiệm hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có sai phạm. Trong đó, Thanh tra Chính phủ lưu ý lãnh đạo tỉnh Bình Phước cần chấm dứt việc giao đất công để phát triển khu dân cư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Đồng thời, Bình Phước cần chấm dứt việc miễn giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư khu dân cư trên đất công do các đơn vị thuộc Tổng công ty Cao su Việt Nam giao về địa phương. Mặt khác, tỉnh cần chấm dứt việc cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ghi nợ 10% diện tích theo quy định tại Quyết định 613/QĐ-UBND ngày 24/3/2011 của UBND tỉnh Bình Phước.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, tỉnh Bình Phước cần rà soát, thống kê tất cả các trường hợp giao khoán đất rừng sản xuất không đúng đối tượng nhằm kiểm điểm rõ trách nhiệm các tổ chức và cá nhân có liên quan; rà soát các dự án khu dân cư chưa triển khai trên địa bàn để có biện pháp xử lý, thu hồi; đánh giá hiện trạng sử dụng 56.226 ha đất lâm nghiệp đang bị lấn chiếm, sử dụng để sản xuất nông nghiệp nhằm có biện pháp xử lý.