Bài toán an cư cho người trẻ: Cần sự đồng tâm hiệp lực từ nhiều phía

(BĐT) - Nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng, nhưng làm sao gia tăng cơ hội, tăng số lượng người trẻ được sở hữu nhà là một bài toán hóc búa.
Nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng và cấp thiết, trong khi nguồn cung căn hộ hạng C ngày càng sụt giảm
Nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng và cấp thiết, trong khi nguồn cung căn hộ hạng C ngày càng sụt giảm

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho biết, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với 96,2 triệu người, trong đó đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 36%. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam xấp xỉ 2.600 USD/năm, riêng ở TP.HCM khoảng 6.400 USD/năm, trung bình từ khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng đến dưới 20 triệu đồng/tháng.

Ghi nhận của DKRA Vietnam cho thấy, trong 10 năm qua, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi trong số lượng khách hàng mua nhà ngày càng tăng, hiện tại đạt mức 23%.

Theo định hướng của Bộ Xây dựng, diện tích nhà ở bình quân phấn đấu đạt mức 22m2/người. Hiện tại, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở TP.HCM năm 2019 mới chỉ ở mức 19,4m2/người. Dân số TP.HCM gia tăng bình quân 1 triệu người trong vòng 5 năm. Mỗi năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới.

Trong vòng 5 năm, giá nhà tăng 50 - 60%, từ khoảng 16 triệu đồng/m2 lên 25 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ hạng C ngày càng sụt giảm, cá biệt trong quý II/2019 không có nguồn cung mới. Loại hình nhà ở xã hội tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Cũng trong 5 năm qua, giá nhà đất tại TP.HCM gia tăng liên tục, chưa kể trải qua những đợt nóng sốt khiến giá đất tăng mạnh ở một số khu vực. Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ ngày càng xa vời, trong khi những dự án bất động sản mới, có mức giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn ngày càng khan hiếm.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, theo quan niệm của người Việt, “an cư” là điều kiện và nền tảng của “lạc nghiệp”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, bài toán an cư của người trẻ tại TP.HCM ngày càng trở nên cấp thiết và khó giải quyết.

Để chung tay giải bài toán này, tất cả chủ thể tham gia thị trường bao gồm Chính phủ, Nhà nước, các bộ, ban ngành, doanh nghiệp, chủ đầu tư và cả khách hàng phải đồng tâm hiệp lực.

Cụ thể, khách hàng cần lưu ý và cân nhắc điều kiện tài chính của bản thân, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tài chính và xác định rõ nhu cầu sở hữu nhà ở cũng như thu nhập đảm bảo việc chi trả tiền mua nhà trong dài hạn. Khi quyết định sở hữu nhà ở, cũng phải xem xét và lựa chọn sản phẩm, dự án phù hợp với nhu cầu thực tế, năng lực tài chính, chủ đầu tư uy tín, chính sách thanh toán.

Về phía Chính phủ, Nhà nước, cần có những chính sách nhà ở mang tính quốc gia và chương trình hỗ trợ tài chính lâu dài dành cho đối tượng người mua nhà lần đầu. Cải tiến quy trình, thủ tục giấy tờ để thuận tiện hơn cho người dân có nhu cầu, đồng thời có những cơ chế phù hợp và thuận lợi cho chủ đầu tư khi tham gia phát triển loại hình này. Xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phối hợp với các doanh nghiệp, chủ đầu tư trong những dự án lớn, đô thị lớn dành tỷ lệ nhất định cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở cho người mua nhà lần đầu.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc định hướng lại các dòng sản phẩm bất động sản là một xu hướng tất yếu của thị trường. Bởi khoảng 70% nhu cầu nhà ở trên thị trường hiện nay thuộc phân khúc với mức giá dao động từ khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng, nhưng nguồn cung ở phân khúc này vốn đã ít lại càng trở nên khan hiếm, cho thấy sự lệch pha lớn về cung - cầu.

Dĩ nhiên, ngoài các bên nói trên, các chủ đầu tư cần quan tâm hơn đến phân khúc này, vì việc chọn lựa phân khúc nào để đưa ra thị trường vẫn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của các chủ đầu tư.

Tin cùng chuyên mục