Nguồn vốn hỗ trợ với vai trò vốn mồi chưa đến được với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Nhã Chi |
Đã có nhiều chuyển biến lớn trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên, thực tế triển khai chính sách này vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nguồn vốn hỗ trợ với vai trò vốn mồi nhiều trường hợp chưa đến được với doanh nghiệp và thủ tục vay vốn vẫn còn một số khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Võ Thành Thống, để tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP với một số quy định mới nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách hỗ trợ đã cơ bản đầy đủ, từ chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính, hạ tầng đến bảo hiểm, liên kết, tín dụng. Trong đó, đối với hỗ trợ về tín dụng đầu tư, Nghị định 57 trao quyền ban hành chính sách tín dụng cụ thể cho các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp; căn cứ khả năng ngân sách địa phương để hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay thương mại; các công trình của dự án được tính làm tài sản thế chấp để vay vốn. Ngoài ra, hàng năm, mức vốn nhà nước bố trí thực hiện Nghị định 57 ở mức tối thiểu 5% vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao Nghị định 57 có cơ chế hỗ trợ về mức vốn nhà nước rõ ràng, làm cơ sở để phân bổ vốn cho lĩnh vực này.
Theo đại diện Vụ Kinh tế nông nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT, nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương triển khai Nghị định 57 sẽ là vốn mồi, góp phần huy động nguồn lực tại địa phương. Nghị định 210/2013/NĐ-CP trước kia không đi vào cuộc sống cơ bản là do thiếu nguồn vốn mồi từ ngân sách trung ương.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ KH&ĐT, sơ bộ đến nay, các địa phương đã rà soát và đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ 4.506 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 3.830 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 676 tỷ đồng) cho 582 dự án nông nghiệp, nông thôn. Với tổng mức đầu tư các dự án là 80.803 tỷ đồng, mức vốn nhà nước hỗ trợ các dự án chỉ bằng khoảng 5,6% tổng mức đầu tư dự án.
Để hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, sớm đưa Nghị định 57 vào cuộc sống, Bộ KH&ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 1.200 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện Nghị định từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019.
Đại diện nhiều địa phương cho biết, đang rất trông chờ quyết định phê duyệt phân bổ nguồn vốn hỗ trợ này. Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam chia sẻ, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách tỉnh còn hạn chế, trong khi vốn ngân sách trung ương chưa được xác định trong kế hoạch trung hạn. Các nguồn vốn hỗ trợ được xác định ngay từ đầu kỳ kế hoạch trung hạn ngân sách trung ương 2016 - 2020 và đã có danh mục dự án được thẩm định nguồn; trong khi Nghị định 57 ra đời năm 2018, giữa kỳ kế hoạch trung hạn và chưa được bổ sung ngân sách trung ương, do đó khó khăn trong việc chủ động về nguồn vốn đảm bảo hỗ trợ đầu tư cho các dự án. Ông Thanh đề nghị cần ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước để đảm bảo hỗ trợ đầu tư theo chính sách đã ban hành, xem đây là nguồn vốn mồi nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tại Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai Nghị định 57 do Bộ KH&ĐT tổ chức cuối tuần qua tại Quảng Nam, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, nếu không có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, có 1 đồng doanh nghiệp chỉ dám làm dự án 1 đồng, nhưng có hỗ trợ dù ít hay nhiều thì doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm hơn, mạnh dạn đầu tư dự án 2 đồng hoặc hơn. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, vẫn còn khó khăn về thủ tục để tiếp cận vốn tín dụng.
Với vai trò đầu mối và mong muốn thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, Thứ trưởng Võ Thành Thống đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát nhu cầu của doanh nghiệp và danh mục các dự án theo đúng đối tượng của Nghị định 57 đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương, gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững.