Vành đai 3 TP.HCM qua tỉnh Bình Dương: Còn vướng mắc, nhà thầu chưa thể tăng tốc thi công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông tỉnh Bình Dương (Chủ đầu tư) cho biết, tiến độ thi công Dự án thành phần (DATP) 5 thuộc Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) chưa thể tăng tốc do còn nhiều vướng mắc.
Bên cạnh vướng mắc về mặt bằng thi công, Dự án thành phần 5 thuộc Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương còn gặp khó khăn lớn về nguồn cát san lấp. Ảnh minh họa: Song Lê
Bên cạnh vướng mắc về mặt bằng thi công, Dự án thành phần 5 thuộc Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương còn gặp khó khăn lớn về nguồn cát san lấp. Ảnh minh họa: Song Lê

Các cơ quan hữu trách, Chủ đầu tư cùng nhà thầu đang tích cực tháo gỡ mặt bằng, vật liệu, nhằm đẩy nhanh xây dựng, giải ngân các gói thầu xây lắp theo kế hoạch.

DATP 5 đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương có tổng chiều dài 26,6 km, quy mô đầu tư 8 làn xe cao tốc có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, hạ tầng kỹ thuật. Dự án có 4 gói thầu xây lắp gồm: Gói thầu XL1 Thi công xây dựng nút giao Tân Vạn đoạn từ Km25+990 đến Km28+383 (giá trị 2.149 tỷ đồng); Gói thầu XL2 Thi công xây dựng nút giao Bình Chuẩn đoạn từ Km43+680 đến Km45+000 (giá trị 578 tỷ đồng); Gói thầu XL3 Thi công xây dựng đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn, đoạn từ Km45+000 đến Km51+280 (giá trị 1.852 tỷ đồng); Gói thầu XL4 Thi công xây dựng cầu Bình Gởi đoạn từ Km51+280 đến Km52+580 (giá trị 751 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Chủ đầu tư, tính tới đầu tháng 5/2024, Gói thầu XL2 có khối lượng thi công đạt 18% so với hợp đồng. Đảm nhiệm thi công gói thầu này là Liên danh Công ty CP Đại Thiên Trường - Công ty TNHH MTV Tổng công ty Thái Sơn. Hiện nay, Liên danh đang tập trung thi công các hạng mục cọc khoan nhồi, thân mố, trụ, hệ thống thoát nước song hành.

Tại Gói thầu XL4, khối lượng thi công đạt khoảng 30% so với hợp đồng. Theo đó, Liên danh Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam đang huy động nhiều máy móc, thiết bị hạng nặng đồng loạt thi công.

Ở 2 gói thầu xây lắp còn lại, các nhà thầu đang tập trung chuẩn bị công tác thi công. Cụ thể, với Gói thầu XL3, nhà thầu thi công hoàn thành 2,47% so với hợp đồng; đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ dân tiếp nhận mặt bằng, triển khai thiết kế bản vẽ thi công… Trong khi đó, Gói thầu XL1 (khởi công vào tháng 4/2024) đang được nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ. Được biết, đảm nhiệm thi công Gói thầu XL1 là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Xây lắp Thương mại Delta - Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492 - Công ty CP Hải Đăng - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam. Còn đảm nhiệm thi công Gói thầu XL3 là Liên danh Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1).

Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Bình Dương đánh giá, DATP 5 đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương có khối lượng lớn, thực hiện trong thời gian ngắn tạo áp lực cho các nhà thầu thi công. Tới đầu tháng 5/2024, tiến độ bàn giao mặt bằng còn chậm. Tại Gói thầu XL1, nhà thầu mới nhận bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 30,53 ha, tương đương 87,23% mặt bằng cần giải tỏa. Tương tự, Gói thầu XL3 nhận bàn giao mặt bằng 44,88 ha, bằng 91,15% mặt bằng của Gói thầu; Gói thầu XL4 nhận bàn giao được 86,6% và Gói thầu XL2 đạt 90,58% mặt bằng cần giải tỏa.

Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng 100% mặt bằng vào cuối quý II/2024. Ngoài các hộ dân cần giải tỏa, Chủ đầu tư cũng đề nghị cơ quan hữu trách sớm thống nhất phương án di dời hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện, nước, viễn thông để thúc đẩy tiến độ thi công. Dự kiến trong tháng 5/2024, Chủ đầu tư sẽ trình Sở Công Thương thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, đồng thời triển khai di dời các đường ống nước sạch từ phần mặt bằng đã được bàn giao để triển khai thi công.

Ngoài vướng mắc mặt bằng thi công, theo ông Trần Hùng Việt, công tác thi công DATP 5 còn gặp khó khăn rất lớn về nguồn cát san lấp.

Chỉ huy trưởng của một nhà thầu thi công Gói thầu XL4 cho biết, sau khi khởi công, Liên danh nhà thầu đã tập kết đầy đủ nhân lực, thiết bị, máy móc và tận dụng thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ. Theo ghi nhận tại công trình cầu Bình Gởi, các nhà thầu thi công hạng mục mố, trụ ở cả 2 phía TP. Thuận An (tỉnh Bình Dương) và huyện Củ Chi (TP.HCM). Do đường vào công trường thuận lợi và thi công dưới nước nên hạng mục này có khối lượng thi công đạt cao hơn các gói thầu khác.

Năm 2024, DATP 5 được bố trí hơn 2.186 tỷ đồng, tới nay các gói thầu xây lắp mới giải ngân khối lượng khoảng 134 tỷ đồng, tương đương 6,13% so với kế hoạch.