Loạt dự án nguồn, lưới điện cần đẩy nhanh tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng cắt điện luân phiên tại khu vực miền Bắc đã gây ra tâm lý lo ngại từ khách hàng sử dụng điện, ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thu hút đầu tư… Để giải bài toán cung ứng điện trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, cần nhanh chóng hoàn thành các dự án đầu tư nguồn phát và lưới điện đang dở dang cũng như đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư mới.
Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (1.200 MW) dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Ảnh: Đ.Hà
Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (1.200 MW) dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Ảnh: Đ.Hà

Nhiều công trình chậm tiến độ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang theo dõi tiến độ 88 dự án đầu tư nguồn phát và lưới điện của hệ thống điện quốc gia, gồm: 7 dự án của Ban Quản lý dự án điện 1; 9 dự án của Ban Quản lý dự án điện 2; 4 dự án của Ban Quản lý dự án điện 3; 52 dự án của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và 16 dự án của các tổng công ty điện lực (miền Bắc, miền Nam, miền Trung, Hà Nội và TP.HCM). Ngoài ra, còn có các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện thuộc các cấp điện áp. “Quá trình đầu tư vấp phải rất nhiều khó khăn, làm cho nhiều dự án ngành điện khó hoàn thành đúng kế hoạch”, EVN nhận định.

Trong số những dự án chậm tiến độ dai dẳng, có các dự án nguồn điện kéo dài từ Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), giai đoạn 2016 - 2030 có tổng công suất hơn 35.000 MW nhiệt điện than được đưa vào vận hành, nhưng đến hết 2023 mới có 18 dự án điện than với tổng công suất xây mới 14.570 MW được đưa vào vận hành. Số còn lại chậm tiến độ hoặc bị loại bỏ trong Quy hoạch điện VIII.

Trong đó, khu vực miền Bắc có Nhiệt điện Na Dương 2 (110 MW) đến cuối tháng 12/2023 mới ký được hợp đồng EPC; Nhiệt điện An Khánh Bắc Giang (650 MW) dự kiến đưa vào vận hành năm 2022 - 2023, nhưng lùi sang sớm nhất 2026; Nhiệt điện Nam Định 1 BOT (1.200 MW) dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2021 - 2022, nhưng chưa có đủ vốn. Ngoài ra, các dự án đồng phát nhiệt điện Hải Hà từ 1 đến 4, Đức Giang, Formosa với tổng công suất gần 3.000 MW đều chưa triển khai, hoặc chậm. Các dự án bị loại bỏ là Nhiệt điện Cẩm Phả 3 (440 MW) và Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (1.200 MW) được Quy hoạch điện VIII chuyển sang nguồn điện LNG.

Theo tính toán, tổng công suất nhiệt điện than ở khu vực miền Bắc bị chậm trễ và loại bỏ tính đến năm 2023 là 4.200 MW. Đây cũng là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến miền Bắc thiếu điện trong tháng 5 và tháng 6/2023, khi đồng thời xảy ra hiện tượng El Nino gây hạn hán, lưu lượng về các hồ thủy điện rất thấp. Tại miền Trung, Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (1.200 MW) dự kiến hoàn thành vào năm 2026, chậm 5 năm; Nhiệt điện Quảng Trạch 2 (2027 - 2028) được chuyển sang sử dụng khí LNG; Dự án Nhiệt điện Quảng Trị BOT (1.200 MW) có chủ đầu tư Thái Lan (EGATi) đã xin dừng. Ở miền Nam, 2 dự án nhiệt điện than chưa bố trí được vốn là Sông Hậu 2 BOT (2.000 MW) và Vĩnh Tân 3 BOT (1.980 MW); Nhiệt điện Long Phú 1 (1.200 MW) dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018 - 2019 đang dừng đầu tư, chưa rõ khi nào tái khởi động.

Đối với các dự án nguồn điện khí, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) dự kiến vận hành 20 dự án (26.640 MW) trong giai đoạn 2016 - 2030. Về khí nội địa, có 10 dự án, với tổng công suất 8.740 MW như: Chuỗi khí - điện Lô B - Ô Môn (3.750 MW), mới có Ô Môn 1 vận hành từ năm 2009 (chạy dầu FO), cả chuỗi dự kiến có thể vận hành vào đầu năm 2027, chậm 15 năm so với Quy hoạch điện VII và 12 năm so với Quy hoạch điện VII (điều chỉnh); 2 dự án Ô Môn 3 và 4 trước đây do EVN làm chủ đầu tư đã được Chính phủ cho phép chuyển sang PVN. Dự án Chuỗi khí - điện Cá Voi Xanh cấp khí cho các nhà máy ở khu vực Chu Lai (Quảng Nam) và Dung Quất (Quảng Ngãi), tổng công suất 3.750 MW theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) vận hành năm 2023 - 2024, nhưng đến nay chưa triển khai được khâu nào trong chuỗi nhiên liệu…

Vướng chính sách và đề xuất gỡ khó

EVN cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án không hoàn thành đúng kế hoạch là quy định pháp luật chưa thống nhất, chồng chéo, gây trở ngại trong việc lập dự án và thực hiện đầu tư công trình xây dựng điện lực. Đơn cử Luật Đất đai 2013 (Điều 110.1a) và Nghị định 148/2020/NĐ-CP (Điều 14b) quy định, trạm biến áp và đường dây đấu nối không thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, nên không thuộc trường hợp được giao đất, cho thuê đất. Do đó, các dự án đầu tư xây dựng trạm biến áp và đường dây tải điện cao áp đều không được giao, cho thuê đất, mà phải đấu giá quyền sử dụng đất.

Tổng công suất nhiệt điện than ở khu vực miền Bắc bị chậm trễ và loại bỏ tính đến năm 2023 là 4.200 MW. Đây cũng là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến miền Bắc thiếu điện trong tháng 5 và tháng 6/2023, khi đồng thời xảy ra hiện tượng El Nino gây hạn hán, lưu lượng về các hồ thủy điện rất thấp.

Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho các khu đất đã được quy hoạch để xây dựng trạm biến áp và đường dây tải điện cao áp (trình tự thủ tục đấu giá, nguồn vốn…) lại chưa có quy định. Trong khi đó, theo Luật Điện lực 2022, căn cứ quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, UBND các cấp có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất cho xây dựng các công trình điện lực, sau khi dự án đầu tư được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất để chủ đầu tư thực hiện dự án.

Mặt khác, nếu tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá không phải là các đơn vị điện lực thì có nguy cơ phá vỡ quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch điện VIII.

Bên cạnh đó, EVN thừa nhận quy hoạch dự án công trình điện cũng thiếu đồng bộ. Về nguyên tắc, quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia. Trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch thì quy hoạch cấp thấp phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cấp cao hơn. Tuy nhiên trên thực tế, quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng cập nhật chưa kịp thời với quy hoạch quốc gia nói chung và Quy hoạch điện VIII nói riêng. Hơn nữa, pháp luật cũng chưa quy định rõ thời hạn các cấp hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch sau khi có quy hoạch quốc gia. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều quy hoạch đồng thời tồn tại, nhưng chồng chéo nhau.

Một khó khăn cố hữu, kéo dài, theo EVN, là công tác giải phóng mặt bằng. Trên thực tế, chính quyền địa phương và chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận giá bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất và hỗ trợ khác cho tất cả các cá nhân, tổ chức đang sử dụng đất khi xây dựng công trình.

Ngoài ra, đối với dự án đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, Luật Đất đai chỉ quy định cưỡng chế bắt buộc đối với đất thu hồi, chưa quy định cưỡng chế bắt buộc đối với đất bị hạn chế khả năng sử dụng trong hành lang an toàn lưới điện. Do đó, chính quyền địa phương không có cơ sở pháp lý để tổ chức cưỡng chế hỗ trợ ngành điện trong triển khai thực hiện nâng cấp hệ thống lưới điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải điện.

Để gỡ rối cho các dự án điện lực, EVN cho rằng cần sớm giải quyết những bất cập, chồng chéo trong quy định pháp luật, giữa các quy hoạch, nhất là những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Khi đó, các dự án ngành điện mới có thể về đích đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục