Băn khoăn đề xuất tỷ lệ vốn góp nhà nước hơn 50% trong dự án PPP đường bộ cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang đề xuất thực hiện theo cơ chế đặc thù, thí điểm với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP đường bộ cao tốc lớn hơn 50% tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Một số ý kiến cho rằng, việc quyết định mức vốn trên 50% và không hạn chế mức trần có thể làm mất đi bản chất đối tác công tư, dẫn dến suy giảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư của dự án.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 gửi Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định.

Bộ GTVT cho biết, quá trình triển khai, áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn công tác đầu tư phát triển các dự án đường bộ cao tốc bao gồm cả đầu tư công và đầu tư theo phương thức PPP bộc lộ những vướng mắc, phát sinh đòi hỏi cần được nghiên cứu, sửa đổi. Trong đó, tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn khi áp dụng đối với quy định khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không lớn hơn 50% tổng mức đầu tư trong dự án đầu tư theo phương thức PPP.

Bộ GTVT cho rằng, một số dự án đang chuẩn bị được đầu tư để triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn, các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để bảo đảm tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Đối với một số dự án có nhu cầu vận tải thấp hoặc suất đầu tư cao, nếu áp dụng đúng quy định “vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án” (Khoản 2 Điều 69 Luật PPP) sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để triển khai theo phương thức PPP.

Do đó, Bộ GTVT cho rằng, cần ban hành cơ chế đặc thù thí điểm khác với quy định tại Luật PPP, áp dụng đối với các dự án đường bộ cao tốc. Cụ thể, để đảm bảo tính khả thi đối với một số dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cho mục đích hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Cho ý kiến về đề xuất này, UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tại Điều 69 Luật PPP được xây dựng trên cơ sở cân nhắc, tính toán để vừa đảm bảo mục tiêu thu hút các nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng về nguồn vốn nhà nước, đồng thời tăng tính chủ động, trách nhiệm của các nhà đầu tư tư nhân. Do đó, việc ban hành cơ chế đặc thù khác với quy định trên cần được xem xét kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ để đảm bảo tốt nhất các mục tiêu trên.

Để tránh trường hợp lạm dụng chính sách, tăng gánh nặng về vốn nhà nước, đề nghị bổ sung quy định hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về điều kiện/những trường hợp được xem xét quyết định tỷ lệ vốn nhà nước vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Về vấn đề này, UBND tỉnh Bình Định cho rằng, tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng dự án Chính phủ quyết định mức vốn tham gia của nhà nước đối với dự án PPP, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tổng số vốn nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư cho toàn bộ các dự án đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2030. Trường hợp tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án, đề nghị tính toán, phân tích, đánh giá cụ thể trên cơ sở tính khả thi của từng dự án, dự án thành phần, phù hợp với khả năng cân đối vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), một trong những mục tiêu quan trọng của phương thức PPP là nhằm huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và nguồn vốn tham gia của Nhà nước trong dự án PPP chỉ nhằm góp phần hỗ trợ, bảo đảm sự thành công của dự án. Vì vậy, dự án PPP có phần vốn Nhà nước tham gia càng thấp thì càng có khả năng bảo đảm tính khả thi, hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước. Khi thông qua Luật PPP, Quốc hội đã cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này và quyết định mức trần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Việc quyết định mức vốn trên 50% và không hạn chế mức trần có thể làm mất đi bản chất đối tác công tư, dẫn dến suy giảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư của dự án, Bộ KH&ĐT khuyến cáo.

Ngoài ra, đối với dự án ở vùng khó khăn, có tác động đến chuyển dịch cơ cấu vùng, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo có thể ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để thực hiện.

Do vậy, trường hợp Quốc hội chấp thuận cơ chế điều chỉnh mức trần 50%, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội quy định một mức trần cụ thể kèm theo danh mục dự án được áp dụng mức trần tại Nghị quyết, tránh áp dụng tràn lan, không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của Luật PPP, Bộ KH&ĐT góp ý.

Tin cùng chuyên mục