Mục tiêu của đồ án nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Vùng ĐBSCL lên tầm quốc gia và khu vực. Ảnh: Tường Lâm |
Hướng tới phát triển bền vững Vùng ĐBSCL
Đồ án do Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam phối hợp với Công ty Nghiên cứu đô thị và kiến trúc Hoa Kỳ và Vương Quốc Bỉ thực hiện. Mục tiêu của Đồ án nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Vùng ĐBSCL lên tầm quốc gia và khu vực, phát triển Vùng theo hướng phát triển bền vững, các chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dang và tác động ngập lũ của vùng sông Mê Kông. Đồng thời, xây dựng và phát triển Vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành Vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản với tốc độ tăng trưởng cao; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển không gian Vùng ĐBSCL đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường cảnh quan đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mê Kông, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo Đồ án, phạm vi điều chỉnh quy hoạch Vùng ĐBSCL bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Diện tích tự nhiên khoảng 40.604,7 km2, đường biên giới với Campuchia khoảng 330 km, đường bờ biển dài trên 700 km và khoảng 360.000 km2 vùng biển thuộc chủ quyền.
Về tầm nhìn, Đồ án dự kiến đến năm 2050, Vùng ĐBSCL sẽ trở thành vùng có sự phát triển nổi bật, tạo ra các đặc trưng với việc tăng cường 6 vùng sinh thái nông nghiệp (tiểu vùng Đồng bằng Tháp Mười, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, tiểu vùng Sông Tiền - Sông Hậu, tiểu vùng Tây sông Hậu, tiểu vùng Bán đảo Cà Mau, tiểu vùng ven biển Đông). Vùng cũng sẽ có 3 hình thái phát triển đô thị, nông thô và cảnh quan, đó là vùng ngập sâu, vùng giữa đồng bằng và vùng ven biển. Dự báo về tình hình dân số, Đồ án cho rằng, Vùng ĐBSCL sẽ có 18 triệu dân vào năm 2020, tăng lên 18,6 triệu dân vào năm 2030. Riêng số dân tại vùng đô thị sẽ đạt con số 5,1 - 5,4 triệu người vào năm 2020, tương ứng với tỷ lệ đô thị hóa từ 28 - 30%; năm 2030 là 6,5 - 7,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa từ 35 - 40%… Dự kiến, đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 70.000-90.000 ha, bình quân 90-120m2/người.
Đảm bảo tính khả thi
Đánh giá về Đồ án, tại Hội nghị nhiều ý kiến cho rằng, đây là Đồ án quan trọng, có tính đặc thù cao được tư vấn chuẩn bị công phu, song vẫn còn không ít tồn tại, thiếu sót cần được làm rõ để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch khi được phê duyệt.
Phản biện về Đồ án, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải cho rằng, Đồ án vẫn còn những thiếu sót, phiến diện. Đơn cử như đánh giá về hiện trạng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật tại Quy hoạch xây dựng Vùng ĐBSCL 2009 và các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Đồ án nhận xét: “Hầu hết các trục dọc, trục ngang đều chưa đạt được về cường độ yêu cầu và tiêu chuẩn vào cấp quy hoạch”, ông Mười cho rằng, đánh giá cần phải được xem xét lại. Theo ông Mười, trên thực tế, hiện phần lớn các tuyến ca tốc, quốc lộ đã được chú trọng đầu tư vào cấp kỹ thuật theo quy hoạch như: Cao tốc TP.HCM- Trung Lương, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50… Đến thời điểm này, các cầu lớn nằm trên các tuyến quốc lộ huyết mạch đều đã được đầu tư, đưa vào sử dụng giúp rút ngắn thời gian khoảng cách giữa các tỉnh trong Vùng như: Cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Chợ Gạo…trong thời gian tới sẽ có thêm cầu Vàm Cống và cầu Đại Ngãi.
Về hiện trạng phà, Đồ án đánh giá: “Các phà có lưu lượng không đủ, đặc biệt trong các ngày lễ tết gây nên hiện tượng kẹt xe”, ông Mười thẳng thắn, đây là đánh giá không đúng thực tế, không đúng từ chuyên ngành và cần có đánh giá lại. “Các phà hiện nay chủ yếu nằm trên các tuyến tỉnh lộ, do đó mật độ giao thông không ùn tắc như trong báo cáo đánh giá”, ông Mười lập luận.
Đánh giá về quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại Đồ án nêu: “Giao thông được quy hoạch lãng phí, dàn trải do phân bố quá đều đặn và đơn điệu, khó có khả năng khả thi trong điều kiện thiếu nguồn lực và cần lựa chọn, ưu tiên để phát triển”, ông Mười cho rằng cần phải xem xét lại nhận định này. Với việc Đồ án nhận xét: “Quy hoạch xây dựng Vùng ĐBSCL 2009 không chú trọng nhiều đến phát triển giao thông thủy”, và đề xuất trong Quy hoạch tới chuyển hướng sang phát triển giao thông thủy, ông Mười đề nghị phải sửa ngay nhận xét này, bởi thực tế từ Trung ương đến địa phương đều có quy hoạch phát triển đường thủy nội địa, đồng thời công tác đầu tư được chú trọng.
Về ý tưởng điều chỉnh Quy hoạch Vùng, Đồ án quy hoạch đề xuất cảng đặt cảng biển nước sâu tại Bạc Liêu thay thế các cảng của Vùng tại Sóc Trăng và Trà Vinh như trong quy hoạch năm 2009, nhiều chuyên gia cũng đề nghị nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của cảng nước sâu, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển số 6 được phê duyệt tại Quyết định số 3383/QĐ-BGTVT.
Cho ý kiến tại về Đồ án, đại diện Bộ Tài chính băn khoăn, Đồ án chưa hề có khái toán về tổng vốn cho quá trình thực hiện mà chỉ mới đưa ra số liệu về tổng vốn đầu tư phát triển và cơ cấu vốn đầu tư trong vùng trong năm 2014. Do đó, để có cơ sở dự báo, xác định nguồn lực thực hiện đảm bảo thực hiện quy hoạch thì nội dung Đồ án cần bổ sung số liệu phân tích và đánh giá về tình hình thu chi của vùng và các tỉnh trong vùng đảm bảo tính khả thi đầu tư cho các dự án thuộc gia hoạch trong giai đoạn 2017 và các năm tiếp theo. Bộ Tài chính cũng nêu rõ, Danh mục đầu tư cần đưa ra các dự án cụ thể, việc huy động vốn sẽ như thế nào. Đại diện Bộ Tài chính lưu ý, việc dùng vốn ODA sẽ khó hơn trong thời gian tới, nếu huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân thì ra sao?
Liên quan đến tính tích hợp của quy hoạch vùng với quy hoạch phát triển kinh tế chung, đại diện Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, Khoản 2 Điều 13 Luật Xây dựng nêu rõ, quy hoạch xây dựng được lập phải căn cứ vào các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch ngành, định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng có liên quan được xây dựng. Do đó, để đảm bảo tính gắn kết, đồng bộ giữa các quy hoạch, phù hợp với mục tiêu phát triển tổng thể kinh tế- xã hội nội Vùng, Đồ án cần bổ sung và làm rõ định hướng phát triển Vùng và các tỉnh giáp Vùng liên quan cũng như cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, nghị quyết…của các ngành liên quan đã được phê duyệt làm cơ sở luận chứng cho các phương án quy hoạch.
Về đánh giá hiện trạng và mối liên hệ vùng, Bộ KH&ĐT cho rằng, Đồ án cần đánh giá toàn diện các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đặc biệt là về kinh tế, cảnh quan, tài nguyên môi trường và các tác động của các yếu tố này trong quá trình hình thành, phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư…nhằm xác định đúng, trúng các tiềm năng lợi thế phát triển. Trên cơ sở đó, đề xuất hình thành các liên kết không gian phát triển, giữa hệ thống đô thị vùng trong mối liên kết với hệ thống đô thị Vùng TP.HCM đảm bảo việc bố trí nguồn lực trong phạm vi quy hoạch dựa trên các nguyên tác tập trung, hợp lý, bền vững, tận dụng tối đa nguồn vốn xã hội hóa, tránh bố trí nguồn lực lãng phí, dàn trải, kém hiệu quả.