Ảnh Internet |
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan này rất đặc thù, mang tính bán tư pháp, vừa điều tra vừa xét xử nên phải bảo đảm tính độc lập, khách quan và minh bạch.
Phải làm bật tính chất đặc thù
Cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đề xuất, Cơ quan Cạnh tranh quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi luật này trên cơ sở hợp nhất Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh. Cơ quan Cạnh tranh quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam bày tỏ: “Tôi vô cùng lo lắng trước số phận và hoạt động của cơ quan cạnh tranh”. Theo bà Loan, cơ quan này trực thuộc Bộ Công Thương hay bất cứ bộ kinh tế nào như trên thế giới cũng không có vấn đề gì, nhưng nếu không làm nổi bật được bản chất và đặc thù của cơ quan cạnh tranh thì chúng ta sẽ “bó tay”, không thực thi được pháp luật cạnh tranh.
Bà Loan cũng nêu thực tế, cơ quan cạnh tranh ở các bộ, các ngành của nhiều nước trên thế giới đều thực hiện chức năng nhiệm vụ rất tốt. Không vì nằm trong bộ, ngành mà không có tính độc lập, không hoạt động được. Do đó, Ban soạn thảo và nhóm nghiên cứu cần cố gắng hơn nữa trong việc đi vào chi tiết và đưa ra được mô hình một cơ quan cạnh tranh nằm trong Bộ Công Thương nhưng không phải giống như các vụ, cục bình thường, mà phải là cơ quan đặc biệt - cơ quan bán tư pháp vừa điều tra vừa xét xử. “Cơ quan này ít ra cũng phải như Cục Quản lý cạnh tranh hiện nay, đó là có con dấu...”, bà Loan gợi ý.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Mai Hương, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh nêu quan điểm, với chức năng chính là tổ chức điều tra và tiến hành tố tụng cạnh tranh để quyết định xử lý, giải quyết vụ việc vi phạm cạnh tranh, cơ quan này cần phải độc lập, khách quan, chỉ tuân thủ theo pháp luật.
Chìa khóa bảo đảm hiệu quả cạnh tranh
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Am Hiểu, nguyên Ủy viên Hội đồng Cạnh tranh khuyến nghị, quá trình đổi mới mô hình của cơ quan cạnh tranh phải đảm bảo cùng lúc cả hai mục tiêu là nâng cao địa vị pháp lý và nâng cao tính độc lập. Chính phủ có thể giao cơ quan này cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia hoặc giao lại cho Bộ Công Thương như nhiều nước. “Dù theo mô hình nào thì việc thiết kế lại mô hình cơ quan cạnh tranh cũng phải theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, đảm bảo khả năng thực thi Luật tốt hơn”, ông Hiểu nói.
Tại các Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đưa ra trước đó, cụ thể là lần thứ 2, cơ quan soạn thảo đề xuất cơ quan cạnh tranh quốc gia là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến góp ý đều lo ngại tính độc lập của cơ quan này trong việc bảo đảm cạnh tranh, vì Ủy ban vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là cơ quan tài phán, đây là mô hình chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Việc đặt cơ quan điều tra trong Ủy ban là việc nguy hiểm, không bảo đảm tính độc lập, khách quan. Một số ý kiến khác thì đề xuất, cần mạnh dạn đưa Ủy ban là cơ quan thuộc Quốc hội như cơ quan kiểm toán…