Bán liền tay nhà ở xã hội có đúng luật?

Dù theo quy định, phải sau 5 năm sau khi nộp đủ tiền, người mua, thuê mua nhà ở xã hội mới được bán căn hộ của mình. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay lại xuất hiện nhan nhản thông tin rao bán căn hộ tại các dự án nhà ở xã hội chưa đi vào hoạt động.
Khu nhà ở xã hội EcoHome 2 do Capital House làm chủ đầu tư
Khu nhà ở xã hội EcoHome 2 do Capital House làm chủ đầu tư

Theo Điều 62, Luật Nhà ở 2014 quy định về nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội, thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm; thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở.

Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở trong thời gian thuê, thuê mua; nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.

Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này, thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội, nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

 Thông tin rao bán các dự án nhà ở xã hội như Ecohome 2, hay Bright City có thể bắt gặp nhan nhản trên mạng.

Luật quy định bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 5 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp giấy chứng nhận, nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế; trường hợp bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội quy định, thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại.

Dù luật đã quy định rõ như trên, nhưng hiện nay, chỉ cần vào các trang rao vặt về mua bán bất động sản, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt thông tin rao bán căn hộ các dự án nhà ở xã hội như Kiến Hưng Lucky House (Hà Đông), Ecohome 2 (Bắc Từ Liêm), Bright City (huyện Hoài Đức)…

Tuy nhiên, theo thống kê, đến nay, có khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng vi phạm về quy định mua bán được phát hiện và thu hồi chỉ vỏn vẹn vài trường hợp.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc phát hiện dấu hiệu vi phạm trong mua, bán nhà ở xã hội nhiều nhưng xử lý chẳng được bao nhiêu là do cơ chế lỏng lẻo. Trường hợp có sai phạm, thì quy định hiện chỉ dừng lại ở phát hiện và thu hồi (trả lại tiền cho người mua nhà ở xã hội).

Do vậy, phải có chế tài phạt hành chính, thậm chí thu hồi (không hoàn tiền) để trả lại sự công bằng và quan trọng hơn tạo niềm tin cho chính sách an sinh xã hội.

Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, bất động sản là một trong những lĩnh vực đầu bảng còn tồn tại tỷ lệ lớn giao dịch ngầm. Trong đó, nhà ở xã hội được mua, bán “ngầm” chiếm một số lượng không nhỏ.

“Chừng nào còn trao mọi quyền cho doanh nghiệp, từ xây nhà, xét duyệt hồ sơ, chấm điểm, quản lý sau này, thì chừng đó các hành vi trái luật vẫn còn. Trước khi lên danh sách, hộ gia đình nào có “tiền tươi” thông qua các thị trường ngách tới chủ đầu tư sẽ được ưu ái hơn.

Một khi danh sách đã sai, các bước kế tiếp khó chuẩn. Tốt nhất là việc này nên có một tổ công tác hay một nhóm xét duyệt độc lập, tránh cho doanh nghiệp ‘một mình bao sân’”, ông Liêm nói.

Thiết nghĩ rằng, nếu không có chính sách sát sao trong việc xét duyệt hồ sơ, đối tượng mua nhà ở xã hội, thì sân chơi này dễ rơi vào cảnh doanh nghiệp triển khai dự án nhà ở xã hội “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, gây khó cho những gia định thuộc đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục