Bản lĩnh qua những ngày gian khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, linh hoạt trong các giải pháp thực thi đã giúp nền kinh tế Việt Nam vững vàng vượt qua nhiều khó khăn trong năm 2021. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kết quả tích cực, tạo niềm tin về sự hồi phục khả quan trong năm 2022.
GDP trở lại mức tăng 5,22% trong quý IV/2021 cho thấy sức bật mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
GDP trở lại mức tăng 5,22% trong quý IV/2021 cho thấy sức bật mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Nỗ lực vượt khó

Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng đáng kể đến an toàn, an sinh của người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa từng có tiền lệ. Trên cơ sở chuyển biến về tiêm vắc-xin, những đánh giá có cơ sở khoa học và tham vấn cộng đồng doanh nghiệp (DN), Chính phủ đã chuyển dần cách tiếp cận sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhờ đó, Chính phủ và nhiều ngành, địa phương đã có điều kiện để thực hiện lộ trình và biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đẩy nhanh hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 thông qua các biện pháp thuế, tín dụng, trợ cấp cho người lao động, DN và người dân.

Theo TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2021 là một năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam, dịch Covid-19 với biến chủng mới đã ảnh hưởng tiêu cực khiến GDP quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo thống nhất, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 đã phục hồi mạnh mẽ với GDP tăng 5,22%, từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP chung của năm 2021 đạt 2,58%.

Một số ngành, lĩnh vực có sự phục hồi và phát triển tốt đóng góp vào tăng trưởng chung như: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng khi nền kinh tế gặp khó khăn. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế khi quý IV tăng 7,96% và cả năm tăng 6,37%. Như vậy, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức các DN đã duy trì và phục hồi sản xuất phục vụ các đơn hàng xuất khẩu. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.

TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét: “Năm nay quả thực là một năm rất khó khăn. GDP trở lại mức tăng 5,22% trong quý IV/2021 cho thấy sức bật mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở các khu vực kinh tế trọng điểm. Kết quả này có được từ việc thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế một cách hiệu quả. Đây là tiền đề tích cực cho việc tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế trong năm 2022. Tuy nhiên, điều tiên quyết để nền kinh tế phục hồi trở lại mạnh mẽ là phải kiểm soát dịch bệnh, hoạt động kinh tế phải diễn ra thuận lợi thì các gói hỗ trợ mới phát huy tác dụng”.

Vượt qua thách thức để trở lại mạnh mẽ

Sức bật của nền kinh tế từ quý IV/2021 cùng với chủ trương điều hành kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được kỳ vọng sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế của năm 2022.

Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, DN và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn”.

Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 nêu rõ một số mục tiêu tổng quát là: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và DN. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển đất nước.

Một số giải pháp được nêu tại Nghị quyết của Quốc hội là: tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch.

Với những chủ trương và động thái chính sách tích cực, cộng đồng DN tiếp tục gia tăng niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế trong thời gian tới.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham chia sẻ: “Bất chấp những thách thức của Covid-19, đặc biệt trong làn sóng dịch lần thứ tư, cộng đồng DN châu Âu đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trong những thời điểm khó khăn ấy. Mặc dù còn nhiều thách thức, chúng ta vẫn giữ hy vọng. Việt Nam đang bắt đầu trở lại kinh doanh và cuộc sống bình thường. Tôi không muốn nhấn mạnh quá nhiều vào những thách thức trong quá khứ. Thay vào đó, tôi muốn tập trung vào tương lai là chuyển trọng tâm từ việc “sống sót” sau đại dịch sang phát triển trong điều kiện "bình thường mới"."

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho biết, các thành viên của AmCham Việt Nam đang trên đà trở lại với công việc kinh doanh và họ rất lạc quan về tương lai của Việt Nam. Việc triển khai vắc-xin của Việt Nam cho phép tái mở cửa và phục hồi diễn ra một cách an toàn. Các chính sách nhất quán hơn trên khắp đất nước trong vấn đề điều chỉnh để chung sống an toàn với vi rút sẽ là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế. Tự do hóa yêu cầu đi lại quốc tế của các chuyên gia nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho kế hoạch mở rộng của các DN đã có mặt tại Việt Nam, cũng như thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư mới.

Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022:

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6 - 6,5%.

- GDP bình quân đầu người đạt 3.900 đô la Mỹ (USD).

- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5 - 25,8%.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 04%.

Tin cùng chuyên mục