Bản tin thời sự 26/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi quy định gói vay trả lương 16 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

1. Đề xuất sửa quy định gói vay trả lương 16 nghìn tỷ đồng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  (LĐ-TB&XH) cho biết, đang đề xuất sửa đổi nội dung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được tiếp cận tín dụng cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sửa đổi quy định gói vay trả lương 16 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Liên quan đến gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, sau gần 2 tháng triển khai, Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, chưa có hồ sơ doanh nghiệp nào đề nghị vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động được phê duyệt, mặc dù đơn vị này đã nhận được khoản tiền 16 nghìn tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg khắt khe.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, trên thực tế, họ cố cầm cự sản xuất bằng cách giãn ca, luân phiên sản xuất nên vẫn phát sinh doanh thu. Đồng thời, DN vẫn bố trí kinh phí và thỏa thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho người lao động.

Ngoài ra, khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, doanh nghiệp phải chứng minh tài chính nên khiến cho DN e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn tới không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, đang đề xuất sửa tiêu chí DN: “Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc”, thành “Doanh thu quý I năm 2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019.” Các quy định khác vẫn được giữ nguyên.

Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH đang chờ ý kiến từ phía Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

2. Sân bay Vân Đồn đón chuyến bay đầu tiên chở 150 chuyên gia từ Nhật Bản

Chuyến bay đầu tiên chở 150 chuyên gia từ Nhật Bản đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) chiều ngày 25/6.

Bản tin thời sự 26/6 ảnh 2

Hành khách xuống sân bay Vân Đồn

Khoảng 14 giờ ngày 25/6, chuyến bay mang số hiệu VN311 của Vietnam Airlines chở 150 hành khách là chuyên gia Nhật Bản đã hạ cánh tại Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).

Trong tuần này, sẽ có tổng cộng 3 chuyến bay từ sân bay Narita (Nhật Bản) hạ cánh tại Sân bay quốc tế Vân Đồn, đưa gần 450 doanh nhân từ Nhật Bản sang Việt Nam. Chuyến bay được thực hiện với sự hỗ trợ của Phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam.

Trước đó, Việt Nam và Nhật Bản đã đồng ý từng bước, từng phần nới lỏng hạn chế đi lại nhằm hồi phục hoạt động giao thương giữa 2 nước. Các biện pháp và thủ tục cụ thể, hai bên sẽ trao đổi qua đường ngoại giao, trên tinh thần không để lây lan dịch bệnh và bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của mỗi nước.

3. Từ ngày 1/7, xe chở hàng sang Trung Quốc phải mua bảo hiểm

Yêu cầu mua bảo hiểm cho các phương tiện vận tải của Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc nhằm đề phòng rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bản tin thời sự 26/6 ảnh 3

Xe tải chở hàng nhập khẩu vào Trung Quốc phải được mua bảo hiểm phương tiện với giá khoảng 300.000 đồng

Thông tin từ các doanh nghiệp chuyên xuất hàng nông sản sang Trung Quốc bằng đường bộ, từ đầu tháng 7 này, xe tải chở hàng nhập khẩu vào Trung Quốc phải được mua bảo hiểm phương tiện với giá 86 nhân dân tệ (khoảng 300.000 đồng) mỗi xe trong 7 ngày tại tất cả các cửa khẩu, trước mắt là cửa khẩu Pò Chài (Bằng Tường, Trung Quốc).

Thông tin này được Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn phát đi sau khi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Bằng Tường, Trung Quốc.

Về phía Việt Nam, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cũng đang đề nghị các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu tính khả thi nhằm thực hiện yêu cầu tương tự đối với các phương tiện của Trung Quốc sang Việt Nam qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, có thể thí điểm trước tiên tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

4. Dự kiến giảm 10 - 30% mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ

Đây là nội dung Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Bản tin thời sự 26/6 ảnh 4

Phí sử dụng đường bộ được đề xuất giảm còn 70 - 90% mức thu hiện nay

Theo đó, xe ô tô của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải thuộc đối tượng chịu phí theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 293/2016 của Bộ Tài chính (quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ) nộp phí bằng 70 - 90% mức thu hiện nay.
Cụ thể, xe ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng nộp phí bằng 70% mức thu quy định tại biểu phí sử dụng đường bộ ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016. Xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo nộp phí bằng 90% mức thu quy định.

5. Hà Nội tiết kiệm 300 triệu đồng mỗi tháng nhờ khoán xe công

Trong 34 tháng qua, 8 đơn vị của TP. Hà Nội tham gia thí điểm khoán xe công, đã tiết kiệm được gần 300 triệu đồng/tháng.

Trong 34 tháng qua, các đơn vị thí điểm thực hiện khoán xe công tiết kiệm được gần 300 triệu đồng mỗi tháng

Ngày 25/6, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo kết quả thí điểm thực hiện khoán xe công tại 8 đơn vị sau gần ba năm thực hiện. Theo đó, trong 34 tháng qua, các đơn vị thí điểm tiết kiệm được gần 300 triệu đồng mỗi tháng.

8 đơn vị của Hà Nội thực hiện thí điểm khoán xe công từ 1/3/2017, gồm 4 sở: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; hai quận Long Biên, Hà Đông; và hai huyện Gia Lâm, Thanh Trì.

Trong đó, 7 đơn vị chọn hình thức khoán cố định hàng tháng đối với từng chức danh, mức khoán cao nhất là 9,3 triệu đồng/người/tháng, và thấp nhất là 6,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng Sở Giao thông vận tải Hà Nội khoán theo khoảng cách đi công tác thực tế của từng chức danh và đơn giá thanh toán 13.000 đồng/km.

Trước năm 2016, chi phí bình quân sử dụng xe phục vụ công tác chung tại các cơ quan trên gần 700 triệu đồng/tháng. Sau khi thí điểm, chi phí khoán bình quân một tháng của các đơn vị này gần 400 triệu đồng/tháng.

Tin cùng chuyên mục