Bộ Chính trị giới thiệu Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Giao thông vận tải, Y tế
Bộ Chính trị đã quyết định giới thiệu Quốc hội bầu chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giao thông vận tải tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Quang cảnh bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII sáng 9/10 |
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII diễn ra sáng ngày 9/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau khi xem xét tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội bầu chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, theo Tổng Bí thư, một điểm mới tại hội nghị lần này, đó là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị đối với 3 Ủy viên Trung ương Đảng, gồm các ông: Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và quyết định thi hành kỷ luật ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng...
Củng cố hồ sơ xử lý người đăng tin thất thiệt về ngân hàng
Công an tỉnh Hà Nam đang củng cố hồ sơ để xử lý Nguyễn Kiên Quyết do đăng thông tin sai sự thật về hoạt động của ngân hàng, kích động người dân ồ ạt đi rút tiền.
Lực lượng an ninh làm việc với Nguyễn Kiên Quyết |
Ngày 9/10, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, Nguyễn Kiên Quyết, trú thành phố Phủ Lý sẽ bị xử lý về hành vi dùng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật.
Theo xác minh, ngày 8/10, Quyết dùng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, bình luận các thông tin thất thiệt về hoạt động của ngành ngân hàng. Hành vi này bị xác định đã gây hoang mang cho dư luận, tạo tâm lý bất an với người dân và các nhà đầu tư gửi tiền tại ngân hàng, khiến họ đồng loạt rút tiền.
Làm việc với nhà chức trách, Quyết thừa nhận hành vi tự ý soạn thảo, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Bộ Công an khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả vì các hành vi sai phạm đều sẽ bị xử lý.
Trước tình hình người dân ồ ạt rút tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước khẳng định, người gửi tiền nên bình tĩnh vì việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi là tiền lãi của các khoản tiền gửi; đồng thời tăng cường đảm bảo sự an toàn tiền của người gửi và mọi tổ chức tín dụng trong hệ thống.
Những thông tin thất thiệt về hoạt động của Ngân hàng SCB nổi lên từ vài ngày trước, khi có nhiều tin đồn về việc bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị khám xét, bắt giam.
TP. Thủ Đức được tăng quyền
Từ cuối năm nay đến hết 2024, UBND TP.HCM cho phép TP. Thủ Đức được quyền quyết định nhiều lĩnh vực mà cấp quận, huyện không có.
Một góc TP. Thủ Đức |
Theo quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP. Thủ Đức được tăng quyền trên 4 lĩnh vực: xây dựng - môi trường - đô thị; kinh tế - ngân sách - dự án; tư pháp; văn hoá - giáo dục - thông tin - xã hội - khoa học. Hiệu lực thi hành từ ngày 23/12 đến hết năm 2024. Các văn bản khác của Thành phố có nội dung trái với quyết định này bị bãi bỏ.
Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân, là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên trên cả nước. Tuy nhiên, hiện thành phố này chỉ có thẩm quyền tương đương cấp huyện nên gặp khó khăn trong điều hành, quản lý.
Theo đó, ở lĩnh vực xây dựng - môi trường - đô thị, TP. Thủ Đức được tiến hành các thủ tục trong toàn bộ công tác thu hồi đất, gồm: xây dựng, phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; thông báo thu hồi đất; thu hồi, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Chính quyền Thủ Đức cũng được phê duyệt tất cả nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết đô thị tỷ lệ 1/500; quản lý và tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Với kinh tế - ngân sách - dự án, TP. Thủ Đức được trực tiếp quản lý chợ loại 1; lập chợ loại 2, 3; đấu thầu chọn doanh nghiệp khai thác chợ theo chủ trương xã hội hoá.
TP.HCM đang hoàn thiện dự thảo về cơ chế đặc thù (thay thế Nghị quyết 54), trong đó dự kiến dành một chương nhằm đề xuất các chính sách riêng cho TP. Thủ Đức. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, phân cấp, phân quyền để TP. Thủ Đức phát triển nhanh, bền vững.
Xe Rolls-Royce của ông Trịnh Văn Quyết được đấu giá khởi điểm 10 tỷ đồng
Chiếc Rolls-Royce - tài sản đảm bảo cho khoản vay của FLC Faros ở BIDV sẽ được đấu giá với mức khởi điểm 10 tỷ đồng.
Xe siêu sang Rolls-Royce Ghost mạ vàng ở Việt Nam |
Theo Công ty Đấu giá hợp danh Minh Pháp, chiếc Rolls-Royce sẽ được đấu giá với giá khởi điểm 10 tỷ đồng. Đây là tài sản bảo đảm cho hợp đồng tín dụng giữa Công ty CP Xây dựng FLC Faros và BIDV.
Tính đến cuối tháng 2, FLC Faros nợ quá hạn gần 186 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 177 tỷ đồng. BIDV - Chi nhánh Quy Nhơn thu giữ chiếc xe này hồi tháng 8 do nhiều lần thông báo quá hạn nhưng FLC Faros và bên sở hữu tài sản bảo đảm là FLCHomes không tự nguyện trả nợ.
Như vậy, mức giá khởi điểm của chiếc Rolls-Royce này chỉ tương đương hơn 5% khoản nợ quá hạn của FLC Faros tại BIDV.
Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến chuyển nhượng sở hữu, sử dụng tài sản, lệ phí trước bạ, công chứng, đăng ký và các chi phí khác khi thực hiện mua tài sản. Các chi phí này do người trúng đấu giá chịu.
Người tham gia đấu giá chiếc xe này phải đặt trước 2 tỷ đồng, tương đương 20% giá khởi điểm. Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức sáng ngày 24/10 tại trụ sở đơn vị đấu giá ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Người mua sẽ đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, mỗi bước giá cách nhau tối thiểu 50 triệu đồng.
Đà Nẵng gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với hàng loạt khu đất trên địa bàn
UBND TP. Đà Nẵng vừa quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với hàng loạt các khu đất trên địa bàn Thành phố. Hết thời gian được gia hạn mà các khu đất vẫn chưa được đưa vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng…
Đà Nẵng vừa quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với hàng loạt khu đất trên địa bàn. Ảnh minh họa |
Cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng gia hạn sử dụng 24 tháng đối với thửa số 73, tờ bản đồ số 6, số 111 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, diện tích 1.887,3 m2. Gia hạn sử dụng đất 24 tháng cho Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu đối với lô đất diện tích hơn 1.200 m2 đường Điện Biên Phủ. Ngoài ra cũng gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với thửa đất số 2, tờ bản đồ 86, Dự án kho bãi của Công ty CP Thương mại và xây dựng Đà Nẵng tại huyện Hòa Vang, diện tích 5.000 m2 có mục đích sử dụng làm đất cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, địa phương này còn quyết định gia hạn sử dụng đất đối với 3 thửa đất tại phường Liên Chiểu của Công ty CP Dây cáp điện Tân Cường Thành. Đó là thửa đất số 01, tờ bản đồ số C7 thuộc Dự án KCN, dịch vụ, thương mại và sản phẩm công nghệ cao, diện tích 26.504,6 m2; thửa đất số C5, tờ bản đồ số C, Dự án khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại và sản phẩm công nghệ cao, diện tích 28.484,1 m2; thửa đất số 01, tờ bản đồ số C9, Dự án khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại và sản phẩm công nghệ cao, diện tích 25.889,6 m2.
Lý do gia hạn là do các công ty chưa đưa đất vào sử dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013. Nếu đến hết thời gian được gia hạn mà các công ty nói trên không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng...
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng , tính đến tháng 3/2022, Sở đã tiến hành kiểm tra 206 dự án, khu đất, qua đó xác định 81 dự án, khu đất có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp phải gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng theo quy định, thu trên 345,5 tỷ đồng tiền gia hạn sử dụng đất vào ngân sách.
Doanh nghiệp ráo riết mua lại trái phiếu trước hạn
Hàng loạt doanh nghiệp đã mua lại hơn 142.000 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm, riêng con số của tháng 9 cao gấp 3 lần cùng kỳ chiếm gần 29.000 tỷ đồng.
Hàng loạt doanh nghiệp đã mua lại hơn 142.000 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là hơn 28.800 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là hơn 142.200 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, đáng kể nhất phải kể đến nhóm Yamagata mua lại sớm 17 lô trái phiếu với giá trị hơn 4.500 tỷ đồng và Azura tất toán trước hạn hơn 7.300 tỷ đồng. Như vậy, trái chủ hai công ty này mua nhận lại trước gần 12.000 tỷ đồng, mặc dù đa phần trái phiếu đáo hạn đến tận năm 2027 - 2028.
Ngân hàng OCB hoàn tất mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu lớn với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Các ngân hàng khác như VIB tất toán sớm 2.000 tỷ đồng, SHB và ABBank mua lại 1.000 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp đáng chú ý khác có thể kể đến đại gia ngành ăn uống Golden Gate mua hết 494 tỷ đồng trái phiếu GDGCH2124001. Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đã chi 605 tỷ đồng tất toán sớm một phần trái phiếu.
Thực tế, sau sự kiện hủy các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chứng kiến làn sóng mua lại trước hạn. Xu thế này vẫn tiếp tục trong những ngày đầu tháng 10.
Mới đây, Công ty Cơ điện lạnh (REE) thông báo đã mua lại tổng cộng 250 tỷ đồng trái phiếu và hoàn tất hết nợ đối với hai lô trái phiếu (REEBOND2017-01, REEBOND2017-02). Chứng khoán VIX thông báo mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng trái phiếu.
Về tình hình phát hành chung, VBMA ghi nhận có tổng cộng 25 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ trong nước với giá trị 15.363 tỷ đồng và một đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng Bắc Á trị giá 235 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9.
Bộ GTVT điều chỉnh lùi tiến độ lựa chọn nhà thầu dự án cầu Rạch Miễu 2
Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
4 gói thầu dự án cầu Rạch Miễu, trong đó có gói thầu thi công cầu chính đều được Bộ GTVT cho phép tổ chức lựa chọn nhà thầu trong quý 4/2022. Ảnh minh họa |
4 gói thầu của Dự án được điều chỉnh, gồm: XL-02, XL-03, TV-10, BH-02. Trong đó, Gói thầu XL-02: Xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu 2 (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913 - Km6+423 được điều chỉnh thời gian lựa chọn nhà thầu từ quý III/2022 sang quý IV/2022.
Thời gian thực hiện hợp đồng thay đổi từ 36 tháng theo kế hoạch phê duyệt ban đầu thành 1.080 ngày.
Đối với Gói thầu XL-03: Xây dựng nhịp dẫn và đường đầu cầu Rạch Miễu 2 (Km5+080 - Km5+913 và Km6+423 - Km7+260, bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), việc tổ chức lựa chọn nhà thầu ban đầu được điều chỉnh từ quý III/2022, thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng sang quý IV/2022, thời gian thực hiện hợp đồng là 900 ngày.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng chấp thuận cho Gói thầu TV-10 (tư vấn giám sát thi công Gói thầu XL02, XL03) và Gói thầu BH-02 (bảo hiểm công trình xây dựng Gói thầu XL02 và Gói thầu XL03) điều chỉnh thời gian lựa chọn nhà thầu từ quý III/2022 sang quý IV/2022.
Bộ GTVT yêu cầu, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận căn cứ kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt điều chỉnh để tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo lựa chọn nhà thầu đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu.
Cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài dự án khoảng 17,6 km, trong đó, cầu chính trên sông Tiền dài gần 2 km. Dự án có tổng mức đầu tư 5.175 tỷ đồng, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2025.
Lấy ý kiến quy hoạch phân khu sân bay Đà Nẵng
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết đang triển khai lấy ý kiến Đồ án Quy hoạch phân khu sân bay tỷ lệ 1/2.000. Theo đó, Đồ án Quy hoạch phân khu sân bay có tổng diện tích 1.326,7 ha.
Đà Nẵng lấy ý kiến Đồ an quy hoạch phân khu sân bay |
Theo Đồ án, trọng tâm của phân khu này là sân bay và cụm logistics hiện đại mới.
Mục tiêu là tối đa hóa tiềm năng của sân bay như một trung tâm logistics, đồng thời tận dụng vị trí trung tâm của sân bay để phát triển thành một trung tâm công cộng tại Đà Nẵng.
Định hướng quy hoạch phân khu phát triển đô thị gồm 4 khu vực chính. Trong đó, khu vực 1 là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; khu vực 2 là khu vực cửa ngõ sân bay phía Đông; khu vực 3 là khu đô thị phía Nam; khu vực 4 là khu đô thị phía Tây Bắc.
Phân khu sân bay thuộc Vùng lõi xanh. Đây là khu vực bố trí sân bay Quốc tế Đà Nẵng và cụm logistics hiện đại mới để phát triển thành một trung tâm công cộng tại Đà Nẵng.
Sạt lở đường tại Tiền Giang ảnh hưởng hàng trăm hộ dân
Khoảng 40 m đường ở xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), bị sạt lở trôi xuống sông Ba Rài vào trưa ngày 9/10 gây ảnh hưởng hàng trăm hộ dân.
Đường đường huyện 54B bị sạt lở khoảng 40 m, hàng trăm hộ dân phải đi đường vòng |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hội Xuân Lê Văn Thôn, đoạn sạt lở rộng khoảng 6 m, sâu 4 m. Sự cố không gây thiệt hại nhà cửa, nhưng toàn bộ đoạn đường nhựa bị lở xuống sông, chia cắt tuyến giao thông chính. Hàng trăm hộ dân phải đi đường vòng xa hơn nhiều cây số.
Chính quyền địa phương đã đến hiện trường rào chắn hai đầu điểm sạt lở, đặt biển cảnh báo để người dân đi đường khác, sau đó lên phương án gia cố lại khu vực. Sông Ba Rài có nhiều ghe tàu qua lại cộng với triều cường dân cao khiến nước xoáy sâu vào đất liền, năm ngoái trên tuyến này ở xã lân cận cũng từng bị sạt lở 50 m đường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang thông tin, toàn Tỉnh xảy ra 93 điểm sạt lở dài hơn 4 km, thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy, cần 69 tỷ đồng khắc phục. Địa phương xem xét chi hơn 50 tỷ đồng xử lý 52 điểm sạt lở lớn đe dọa nhà cửa, vườn cây ăn trái của người dân.