Bản tin thời sự sáng 10/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 11.600 tỷ đồng chi trả bồi thường bảo hiểm do bão số 3 và lũ lụt gây ra; sẽ nghiên cứu mức nợ thuế với từng đối tượng bị cấm xuất cảnh; mỏ cát đầu tiên ở Tiền Giang được khai thác phục vụ Dự án Vành đai 3 TP.HCM...

Hơn 11.600 tỷ đồng chi trả bồi thường bảo hiểm do bão số 3 và lũ lụt gây ra

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ đã tạo ra những khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Một góc TP Thái Nguyên bị lụt ngày 9/9
Một góc TP Thái Nguyên bị lụt ngày 9/9

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở báo cáo của 31/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đến ngày 7/10, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do cơn bão số 3 và lũ lụt gây ra tạm thời lên tới khoảng 11.627 tỷ đồng.

Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận 73 trường hợp tử vong và thương tật thuộc phạm vi bảo hiểm, với tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính là 19,8 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng 14,4 tỷ đồng.

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 13.847 thông tin thiệt hại, bao gồm bảo hiểm tài sản, xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe, với tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 11.607 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng tổng số tiền bồi thường là 108,3 tỷ đồng.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ đã tạo ra những khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát, đồng thời tạo điều kiện, đồng hành với các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường bám sát địa bàn và khẩn trương có phương án hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất - kinh doanh theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Sẽ nghiên cứu mức nợ thuế với từng đối tượng bị cấm xuất cảnh

Tổng cục Thuế cho biết sẽ nghiên cứu về ngưỡng nợ thuế phù hợp với từng đối tượng để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Lực lượng an ninh tại cửa khẩu Hữu Nghị đang chờ làm thủ tục xuất cảnh cho người dân

Lực lượng an ninh tại cửa khẩu Hữu Nghị đang chờ làm thủ tục xuất cảnh cho người dân

Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.

Tổng cục Thuế cho biết, quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra căn cứ tình hình thực tế, với từng trường hợp cụ thể. Song, nhà chức trách nói sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp với từng đối tượng khi tạm hoãn xuất cảnh.

Biện pháp cấm xuất cảnh được cơ quan thuế áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay trên 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, gấp 3 lần so với năm ngoái. Nhà chức trách đã thu 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.

Ngoài ngưỡng nợ thuế, khi tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng họ là lao động làm thuê, không phải chủ sở hữu hay người nắm cổ phần cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người nộp thuế cũng cho rằng các quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh chưa tạo thuận lợi khi họ gặp khó khăn tài chính nhất thời.

Phản hồi ý kiến này, Tổng cục Thuế dẫn Luật Doanh nghiệp khẳng định, cá nhân là người đại điện pháp luật để thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Cơ quan này cho hay, ngành thuế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp như cho phép nộp dần tiền nợ, không tính chậm nộp, gia hạn thuế.

Vừa qua, ngành thuế tăng áp dụng biện pháp này với các trường hợp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh do số nợ của những đối tượng này khá lớn, hơn 15.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế thừa nhận việc xem xét đối tượng thực sự phải chịu trách nhiệm với khoản nợ là "nội dung cần được cân nhắc, nghiên cứu". Do đó, cơ quan này sẽ xem xét lại các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh, để đảm bảo công bằng.

Mỏ cát đầu tiên ở Tiền Giang được khai thác phục vụ dự án vành đai 3 TP.HCM

Thời hạn khai thác 4 năm 2 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép và chỉ được khai thác từ 7h - 17h hằng ngày, không được khai thác ban đêm.

Những gầu cát đầu tiên được Công ty CP Hoàng Hải khai thác, phục vụ Dự án Vành đai 3 - TP.HCM

Những gầu cát đầu tiên được Công ty CP Hoàng Hải khai thác, phục vụ Dự án Vành đai 3 - TP.HCM

Chiều 9/10, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang phối hợp Công ty CP Hoàng Hải tổ chức động thổ khai thác mỏ cát san lấp Hòa Hưng 5 trên sông Tiền thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Đây là mỏ cát đầu tiên được UBND tỉnh Tiền Giang cấp phép khai thác phục vụ cho Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Đơn vị trúng thầu Công ty CP Hoàng Hải, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Theo giấy phép, công suất khai thác là 400.000 m3/năm. Thời hạn khai thác 4 năm 2 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép và chỉ được khai thác từ 7h - 17h hằng ngày, không được khai thác ban đêm.

UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu Công ty CP Hoàng Hải phải thu hồi tối đa sản phẩm khai thác từ mỏ cát san lấp Hòa Hưng 5, bao gồm khoáng sản chính là cát san lấp và khoáng sản phụ đi kèm.

Toàn bộ sản phẩm chính (cát san lấp) khai thác phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM đến khi đủ khối lượng cho dự án.

Đồng thời báo cáo đúng sản lượng khai thác, sử dụng khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc quản lý, sử dụng khoáng sản khai thác phải thực hiện đúng theo quy định.

Đây là một trong 31 khu vực mỏ cát trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ đưa vào khai thác để cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cát cho 5 dự án giao thông quốc gia trong thời gian tới.

Cụ thể, lượng cát cung ứng cho các dự án gồm: Dự án cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m3; Dự án thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 4,5 triệu m3; Dự án đường Vành đai 3 khoảng 6,6 triệu m3; Dự án thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 0,9 triệu m3; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận khoảng 1,8 triệu m3.

Thừa Thiên Huế sẽ có khu nghỉ dưỡng sân golf gần 300 ha

Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại xã Điền Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) có quy mô gần 300 ha vừa được duyệt nhiệm vụ quy hoạch.

Thừa Thiên Huế sẽ có khu nghỉ dưỡng sân golf gần 300 ha

Thừa Thiên Huế sẽ có khu nghỉ dưỡng sân golf gần 300 ha

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và các dịch vụ phụ trợ tại xã Điền Hòa, huyện Phong Điền. Nhiệm vụ quy hoạch là bước quan trọng để xác định mục tiêu phát triển phù hợp với yêu cầu của từng đô thị, từng khu vực, làm cơ sở để lập đồ án quy hoạch đô thị.

Theo đó, Dự án có quy mô khoảng 270 ha, một mặt giáp biển Đông, một mặt giáp rừng sản xuất, cạnh khu đất dự án bến cảng. Hai phân khu chức năng chính gồm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp sân golf và khu dịch vụ phụ trợ. Sân golf sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ các giải đấu trong nước, quốc tế.

Mục tiêu phát triển Dự án thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp sân golf, các khu dịch vụ, phụ trợ phục vụ cộng đồng cư dân và khách du lịch. Một số hạng mục phụ trợ gồm khu văn hóa, khu chăm sóc sức khỏe, khách sạn, resort nghỉ dưỡng, học viện golf, câu lạc bộ golf.

Quy mô dân số dự kiến khoảng 3.000 người, trong đó khách du lịch khoảng 2.300 người một ngày, còn lại là lao động phục vụ.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Phong Điền được giao tổ chức lập quy hoạch. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều vi phạm về đất đai ở Phú Yên

Ngày 9/10, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận thanh tra 2094/TB-TTCP về trách nhiệm của UBND tỉnh Phú Yên khi để xảy ra các khuyết điểm trong việc thực hiện pháp luật về việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng…

Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều vi phạm về đất đai ở Phú Yên. Ảnh minh họa

Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều vi phạm về đất đai ở Phú Yên. Ảnh minh họa

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót trong quản lý đất đai, thực hiện các dự án đầu tư tại Phú Yên.

Các dự án: Trung tâm TMDV Showroom ô tô, khách sạn và Văn phòng cho thuê Dũng Tiến, Dự án làng du lịch quốc tế ven biển TP. Tuy Hòa của Công ty TNHH Bắc Âu Biệt thự và Resort cần phải được xác định lại giá đất trên cơ sở tính đúng, tính đủ; xác định tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ tại Dự án Khu du lịch sinh thái Núi Thơm, du lịch biển Bãi Xép và du lịch biển Sao Mai của Công ty CP XDTM dịch vụ Sao Việt; khẩn trương xác định giá đất và giá trị m3 tại Dự án Khu dân cư phố chợ Hoa Vinh của Công ty CP Xây dựng 72 theo quy định pháp luật.

Những tồn tại, sai phạm đối với các dự án: Khu đô thị cao cấp Vườn Phượng Hoàng thành phố Tuy Hòa, Dự án khai thác mỏ vàng gốc Hòn Mò O huyện Sông Hinh, Dự án Khu du lịch biển đảo cao cấp Sunrise Phú Yên của Công ty TNHH Sunrise Phú Yên, Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam của Công ty New City Việt Nam, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cù Lao Mái nhà của Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, Dự án Đắc Lộc Hotel của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, Dự án du lịch sinh thái Núi Thơm, du lịch biển Bãi Xép và du lịch biển Sao Mai của Công ty CP XDTM dịch vụ Sao Việt, Dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương của Công ty TNHH Bích Hợp cần phải được giải quyết dứt điểm.

Đối với Dự án Khu đô thị mới Bắc Lục Khẩu (Khu A) của Công ty TNHH MTV Việt Long Phú Yên theo đề nghị của UBND tỉnh Phú Yên xử lý thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án và tiến hành các thủ tục liên quan để đấu giá quyền sử dụng đất. “Đề nghị UBND Tỉnh thực hiện theo đúng quy định, chịu trách nhiệm trước pháp luật và không thất thoát ngân sách nhà nước, đúng thời hạn cam kết trong năm 2025, trong quá trình thực hiện nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định”, Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch; lạm dụng chỉ định thầu, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu; vi phạm pháp luật về đấu thầu…

6 dự án bất động sản tại Quảng Nam sẽ được thanh tra

Thanh tra tỉnh Quảng Nam sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước tại 6 dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện Phú Ninh, Duy Xuyên và Quế Sơn.

Dự án khu phố chợ Chiên Đàn tại huyện Phú Ninh, do Công ty cổ phần địa ốc Newland Quảng Nam thực hiện, nằm trong danh sách thanh tra

Dự án khu phố chợ Chiên Đàn tại huyện Phú Ninh, do Công ty cổ phần địa ốc Newland Quảng Nam thực hiện, nằm trong danh sách thanh tra

Thanh tra tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức công bố quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước tại các dự án khai thác quỹ đất và dự án được nhà nước giao đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm khai thác quỹ đất (dự án kinh doanh bất động sản) trên địa bàn các huyện: Phú Ninh, Duy Xuyên, Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam).

Cụ thể, tại huyện Phú Ninh có một dự án Khu phố chợ Chiên Đàn do Công ty CP Địa ốc Newland Quảng Nam thực hiện.

Tại huyện Duy Xuyên có 2 dự án, gồm: Khu dân cư Đông Yên, Khu thương mại - dịch vụ và dân cư đông Cầu Chìm do Ban Quản lý dự án - quỹ đất huyện Duy Xuyên thực hiện.

Tại huyện Quế Sơn có 3 dự án, gồm: Dự án Khu dân cư Bà Rén, xã Quế Xuân 1 do Ban Quản lý dự án - quỹ đất huyện Quế Sơn thực hiện; Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở mở rộng Khu dân cư số 2 do Công ty TNHH Nhật Huy (nay là Công ty cổ phần Nhật Huy Group thực hiện) và Dự án Khu phố chợ Đông Phú do Liên danh Công ty CP Xây dựng và Thương mại 591 - Công ty CP An Thịnh thực hiện.

Đoàn thanh tra sẽ thanh tra trong 45 ngày làm việc. Nội dung tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước tại các dự án khai thác quỹ đất và các dự án được Nhà nước giao đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm khai thác quỹ đất trên địa bàn các huyện Phú Ninh, Duy Xuyên và Quế Sơn từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho đến thời điểm hiện nay.

Tin cùng chuyên mục