Ra mắt hệ thống giám sát Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ
Sáng 2/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tổ chức ra mắt các nền tảng số phục vụ giám sát, triển khai Nghị quyết 57.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính ấn nút khai trương, ra mắt 3 nền tảng số phục vụ giám sát triển khai Nghị quyết 57 |
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo và Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó ban Chỉ đạo cùng tham dự. Lễ ra mắt được kết nối đến hơn 3.000 điểm cầu trên cả nước.
Hệ thống giám sát, đánh giá Nghị quyết 57 lần đầu tiên được xây dựng nhằm theo dõi việc triển khai nghị quyết một cách toàn diện, trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống này cho phép điều hành công việc theo thời gian thực, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, trên nền tảng số.
Nguyên tắc thiết kế được xác định là "đúng, đủ, sạch, sống" - nghĩa là dữ liệu phải chính xác, đầy đủ, được xử lý làm sạch và liên tục cập nhật theo thời gian thực. Một điểm nổi bật của hệ thống là khả năng kết nối, tích hợp và liên thông với hệ thống báo cáo của Chính phủ, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cũng như hệ thống thông tin của Đảng, Quốc hội, bộ ngành và địa phương. Nhờ đó, dữ liệu được thu thập tự động, liên tục, giảm tối đa việc nhập liệu thủ công.
Bộ chỉ số KPI được thiết kế đa cấp, bao gồm: Chỉ số chiến lược, đánh giá hiệu quả và tác động tổng thể của nghị quyết; Chỉ số tác nghiệp, theo dõi tiến độ chi tiết từng nhiệm vụ, giải pháp; Chỉ số kế hoạch, giám sát mức độ hoàn thành các đầu việc cụ thể theo đúng mốc thời gian do Ban Chỉ đạo giao.
Hệ thống hiển thị trực quan theo thời gian thực, giúp lãnh đạo các cấp dễ dàng theo dõi tiến độ, kịp thời phát hiện nhiệm vụ bị chậm. Cơ chế cảnh báo sớm tự động được tích hợp, hỗ trợ các cơ quan chủ động nhắc nhở, điều chỉnh, tránh để tình trạng chậm trễ kéo dài. Cơ chế xếp hạng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị cũng được thiết lập và cập nhật công khai, minh bạch ngay trên hệ thống.
Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị, giải pháp sáng kiến (PAKN-GPSK) trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cho phép tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dễ dàng phản ánh các khó khăn, vướng mắc; kiến nghị tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách. Đồng thời, các tổ chức cá nhân cũng có thể đóng góp sáng kiến, giải pháp thúc đẩy phát triển đất nước trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
Giảm lãi suất vay mua nhà xã hội cho người dưới 35 tuổi
Từ nay đến hết năm 2025, người dưới 35 tuổi được áp dụng mức lãi suất 5,9% một năm để vay mua nhà ở xã hội.
![]() |
Một dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng |
Theo văn bản vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại với khoản vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội sẽ thấp hơn 2% mỗi năm so với lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank. Mức lãi suất này được xác định trong 5 năm đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân.
Từ nay đến 31/12, lãi suất áp dụng với khoản vay mua nhà xã hội của người trẻ là 5,9% một năm, thấp hơn 0,2% so với trước đây. Trong 10 năm tiếp theo, mức lãi này được xác định thấp hơn 1% một năm so với lãi suất cho vay trung và dài hạn bình quân của nhóm ngân hàng Big4.
Với chủ đầu tư các dự án nhà xã hội, nhà công nhân, cải tạo chung cư cũ, mức lãi suất từ nay đến hết năm cũng được giảm xuống còn 6,4%.
Kể từ khi áp dụng tháng 4/2023 đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân đã 4 lần được giảm lãi suất. Giai đoạn tháng 7 - 12/2023, mức lãi cho vay mua nhà và chủ đầu tư dự lần lượt 8,2% và 8,7%.
Sang nửa đầu 2024, mức lãi giảm còn 7 - 8% và hạ tiếp 1% vào cuối năm. Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước thông báo giảm lãi suất gói vay trên còn 6,1% cho người mua nhà và 6,6% với chủ đầu tư.
Theo quy định, định kỳ 6 tháng Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các nhà băng tham gia chương trình trên. Nguồn lực thực hiện gói tín dụng này từ vốn của 9 nhà băng tham gia (gồm 4 ngân hàng quốc doanh và HDBank, TP Bank, VPBank, MB, Techcombank).
Hơn 100 dự án ở TP.HCM đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng
TP.HCM đang có 112 dự án đủ điều kiện được miễn giấy phép xây dựng theo quy định hiện hành vì đã có đầy đủ chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc hoặc quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500...
![]() |
TP.HCM có 112 dự án đủ điều kiện được miễn giấy phép xây dựng theo quy định hiện hành |
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, vừa trình UBND TP.HCM đề xuất cắt giảm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại khu vực đã có quy hoạch 1/500 được duyệt hoặc chấp thuận phù hợp quy định.
Theo đó, qua đợt rà soát bước đầu, TP.HCM hiện có 356 dự án nhà ở thấp tầng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc thỏa thuận quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, với tổng cộng khoảng 55.000 căn nhà.
Trong đó, có 112 dự án đủ điều kiện được miễn giấy phép xây dựng theo quy định hiện hành. Các dự án này đã có đầy đủ chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc tại quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, phương án kiến trúc được chấp thuận và các pháp lý liên quan. Đồng thời, mẫu nhà cũng đã được phê duyệt và quản lý theo quy định.
Từ đó, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM giao đơn vị chức năng triển khai giai đoạn một của kế hoạch cắt giảm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ nằm trong các khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Cụ thể, Sở Xây dựng kiến nghị công bố danh mục 112 dự án đủ điều kiện miễn cấp phép. Các địa phương sẽ niêm yết công khai thông tin các dự án này tại UBND phường, xã nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận, giám sát. Đồng thời, Sở Xây dựng sẽ phối hợp các địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện và hướng dẫn xử lý các vướng mắc phát sinh.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đề xuất giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình đối với nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng.
Từ sau ngày 1/7, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp UBND phường, xã rà soát, công bố bổ sung danh sách các dự án đủ điều kiện miễn cấp phép trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, đề xuất UBND TP.HCM có văn bản báo cáo Thủ tướng và Bộ Xây dựng cho phép thí điểm chính sách “Miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ quy mô dưới 7 tầng trong khu vực có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được phê duyệt”.
Đà Nẵng mời gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội hơn 818 tỷ đồng
Thành phố Đà Nẵng mời gọi nhà đầu tư làm dự án nhà ở xã hội cao 20 tầng với 649 căn hộ, nằm trên khu đất hơn 5.600 m2. Sơ bộ tổng chi phí đầu tư được Thành phố đưa ra là hơn 818 tỷ đồng.
![]() |
Thành phố Đà Nẵng đang đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội |
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật thành phố Đà Nẵng đã thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu đất số 10 đường Trịnh Công Sơn, phường Hòa Cường.
Dự án nhằm bổ sung quỹ nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách nhà ở theo quy định pháp luật.
Các căn hộ được ưu tiên bố trí cho người dân đang thuê nhà tại các khu chung cư nhà nước, nhà tập thể cũ xuống cấp, thuộc diện di dời, phá dỡ.
Diện tích đất thực hiện dự án hơn 5.660 m2, dự kiến xây dựng 1 tầng hầm, 20 tầng nổi với 649 căn hộ. Diện tích căn hộ 1 phòng ngủ dự kiến diện tích 35 - 45 m2, căn hộ 2 - 3 phòng ngủ dự kiến diện tích 50 - 70 m2.
Dự án yêu cầu có bãi đỗ xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, cây xanh và một số hạ tầng khác… Sơ bộ tổng chi phí đầu tư hơn 818 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện được xác định trong vòng 3 năm kể từ ngày có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất, bao gồm hoàn thành xây dựng cơ bản và đưa công trình vào vận hành, khai thác.
Nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án; bàn giao, đưa vào quản lý sử dụng theo đúng quy định hiện hành.
DIC dự thu hơn 1.100 tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án ở tỉnh Ninh Bình mới
Tập đoàn DIC dự kiến ghi nhận doanh thu hơn 1.114 tỷ đồng sau khi hoàn tất chuyển nhượng khu nhà ở Lam Hạ Center Point.
![]() |
DIC dự thu hơn 1.100 tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án ở tỉnh Ninh Bình mới |
Tập đoàn DIC cho biết, UBND tỉnh Hà Nam (trước hợp nhất cùng Ninh Bình, Nam Định) quyết định cho phép doanh nghiệp này chuyển nhượng toàn bộ Dự án khu nhà ở Lam Hạ Center Point.
Sau khi hoàn tất chuyển nhượng dự án trên, DIC dự kiến ghi nhận doanh thu hơn 1.114 tỷ đồng. Lãnh đạo Công ty cho biết, khoản tiền này sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả sản xuất kinh doanh năm nay, cũng như giúp tăng dòng tiền phục vụ các hoạt động đầu tư khác của tập đoàn.
Lam Hạ Center Point được DIC triển khai từ năm 2019 với nằm tại phường Lam Hạ, TP. Phủ Lý (trước sáp nhập). Dự án có quy mô 12 ha, tổng mức đầu tư 2.115 tỷ đồng với các sản phẩm như nhà phố 5 tầng, biệt thự, nhà liền kề và nhà ở xã hội. Sau chuyển nhượng, Dự án tiếp tục được triển khai theo quy hoạch và tiến độ đề ra trước đó.
DIC phát triển nhiều dự án bất động sản đô thị và du lịch tại khu vực phía Nam khi sở hữu quỹ đất 800 ha. Lam Hạ Center Point là một trong số ít dự án được chủ đầu tư này phát triển tại miền Bắc.
Năm 2024, nhà phát triển bất động sản này đạt doanh thu hợp nhất gần 1.440 tỷ đồng, tương đương hơn 62% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận hợp nhất khoảng 158 tỷ đồng, đạt gần 16% mục tiêu.
Năm nay, DIC lên kế hoạch doanh thu 3.500 tỷ và lãi hợp nhất trước thuế 718 tỷ đồng.
Hà Nội có hơn 55.000 camera an ninh đang hoạt động
Theo Ban Chỉ đạo 138 TP. Hà Nội, toàn Thành phố đã triển khai xây dựng 265 điểm mô hình camera an ninh với hơn 55.000 mắt camera an ninh. Trong đó, khoảng 90% camera được chia sẻ dữ liệu với công an.
![]() |
Hà Nội có hơn 55.000 camera an ninh đang hoạt động |
Sáng 2/7, Ban Chỉ đạo 138 TP. Hà Nội tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) năm 2025.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 TP. Hà Nội, thời gian qua, các cấp, ngành thành phố đã tổ chức tốt Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ; tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ...
Kết quả được thể hiện ở việc có 175 mô hình, nhóm mô hình đã được nhân rộng thành hơn 8.800 điểm, gồm: mô hình “camera an ninh”; “tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”, “khu công nhân tự quản về an ninh trật tự”, “câu lạc bộ pháp luật”...
Các mô hình đã phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, động viên, huy động đông đảo nhân dân tham gia bảo vệ ANTQ.
Toàn Thành phố đã triển khai xây dựng 265 điểm mô hình camera an ninh với hơn 55.000 mắt camera an ninh. Trong đó, khoảng 90% camera của các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp đã ký cam kết sẽ chia sẻ dữ liệu thông tin khi lực lượng công an có yêu cầu.
Hiệu quả của mô hình camera an ninh đã góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn các đối tượng có ý định thực hiện hành vi phạm tội; góp phần kéo giảm các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Tàu khách nối thêm 3 toa khi sân bay Vinh đóng cửa
Từ cuối tháng 6, 22 đoàn tàu khách qua ga Vinh được nối thêm 3 toa để tăng sức chứa, phục vụ người dân đi lại sau khi sân bay Vinh tạm ngừng hoạt động 6 tháng để nâng cấp.
![]() |
Hành khách trên chuyến tàu Thống Nhất (SE4) dừng ở ga Vinh |
Ngày 2/7, ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng ga Vinh cho biết, việc nối thêm toa giúp mỗi chuyến tàu phục vụ thêm khoảng 200 hành khách. Mỗi đoàn tàu tăng từ 12 lên 15 toa và được duy trì đến hết năm 2025 - thời điểm sân bay hoàn tất cải tạo. Sau đó, phương án vận hành sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu thực tế.
"Sân bay đóng cửa gây xáo trộn lớn, trong khi ga Vinh hàng ngày phải trung chuyển lượng hành khách rất lớn. Do đó, chúng tôi đề xuất nối thêm toa tàu và đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đồng ý", ông Thanh nói.
Hiện ga Vinh mỗi ngày đón khoảng 3.000 lượt hành khách lên, xuống tàu; dịp cao điểm có thể lên đến 5.000. Các đoàn tàu khách chạy qua gồm SE1 đến SE12, SE17 đến SE20, SE23-SE24, NA1-NA2, QB1-QB2.
Sân bay Vinh, đặt tại phường Vinh Hưng, tạm dừng khai thác từ 1/7 để nâng cấp đường băng, nhà ga, sân đỗ với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Trước đó, sân bay khai thác 15 - 20 chuyến/ngày, dịp cao điểm lên đến 40 chuyến, phục vụ khoảng 2 triệu lượt khách/năm (năm 2022 đạt 2,6 triệu). Sau cải tạo, công suất dự kiến đạt 3,5 triệu khách/năm.
Khi sân bay đóng cửa, hành khách đi máy báy có thể di chuyển qua sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) hoặc Đồng Hới (Quảng Bình).
Vi phạm môi trường, nhà máy xử lý rác bị dừng hoạt động
Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết (Lâm Đồng) tại phường Tiến Thành bị buộc tạm dừng hoạt động 6 tháng do vi phạm môi trường, kể từ 1/7.
![]() |
Nhà máy rác Phan Thiết lúc đang hoạt động |
Theo quyết định vừa được Sở Tài chính Lâm Đồng (trước đây là Bình Thuận) đưa ra, việc dừng hoạt động Nhà máy 6 tháng để Công ty TNHH Nhật Hoàng (đơn vị quản lý nhà máy) khắc phục vi phạm.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng phường Tiến Thành và các đơn vị liên quan được giao phối hợp thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại khu vực Phan Thiết, tránh gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị.
Dự án nhà máy rác tổng đầu tư hơn 495 tỷ đồng, công suất thiết kế 400 tấn rác/ngày, nhằm thay thế bãi rác Bình Tú và xử lý một phần rác của huyện Hàm Thuận Nam (cũ). Dù được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2015 và khởi công năm 2016, đến tháng 10/2023 nhà máy mới vận hành.
Từ khi hoạt động, nhà máy không xử lý hết lượng rác như cam kết, vận hành không đúng công suất, gây tồn đọng rác lớn và ảnh hưởng môi trường. Tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần yêu cầu khắc phục nhưng doanh nghiệp không thực hiện.