![]() |
Ảnh VGP |
Thực hiện nhiệm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Chúng ta đã đi qua 1/2 thời gian năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng nhìn chung khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi".
Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Các nhiệm vụ này gồm: thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo thế tăng trưởng 2 con số những năm tới; đàm phán thuế với Hoa Kỳ và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, sản xuất; trình ban hành và tổ chức triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị cùng các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về "bộ tứ trụ cột"; chuẩn bị, phục vụ chu đáo Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mang tính "lịch sử"; tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội XIV của Đảng; tổ chức chu đáo, thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm lớn của dân tộc; triển khai vượt tiến độ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước và dự kiến hoàn thành dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng đánh giá, nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công thấp hơn nhiều giới hạn quy định; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, an sinh xã hội được chú trọng...
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, các động lực truyền thống phải có biện pháp để tăng tốc hơn, các động lực mới chưa được phát huy hết.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá bối cảnh, tình hình, nhất là những điểm mới, điểm khác; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương;tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhận định tình hình sắp tới; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7, quý III và thời gian còn lại của năm 2025 để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kịch bản đề ra
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước (NSNN)… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Cụ thể, dự báo cuối tháng 5, tăng trưởng GDP quý II/2025 ước đạt 7,67% so với cùng kỳ; 6 tháng đạt 7,31%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản 6 tháng tăng 3,85%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,18%, dịch vụ tăng 7,83%. Tuy nhiên, ước số liệu đến hết tháng 6 cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2 - 0,3% so với dự báo, bám sát với kịch bản tại Nghị quyết số 154/NQ-CP (7,6%). Tốc độ tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam được tiếp tục dự báo sẽ cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, khu vực.
Công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2025 tăng 10,65% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 10%, đạt kịch bản đề ra và thuộc số ít các năm tăng trưởng 6 tháng đạt 2 con số kể từ năm 2011. Xuất khẩu 6 tháng tăng 14,4%, xuất siêu ước đạt 7,63 tỷ USD…
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II/2025 tăng 10,5% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,8%; tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ (cao nhất từ năm 2009); vốn FDI thực hiện đạt trên 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 6 tháng đạt 152,7 nghìn doanh nghiệp, cao hơn 20% so với con số rút lui khỏi thị trường (127,2 nghìn doanh nghiệp).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng được cải thiện, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Thu NSNN 6 tháng đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 69,4% dự toán, tăng 33,3% trong bối cảnh đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất khoảng 107,7 nghìn tỷ đồng…
Thực hiện 3 đột phá chiến lược, “bộ tứ trụ cột” và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ nét. Tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 34 Luật, 13 Nghị quyết, trong đó có nhiều quyết sách mang tính lịch sử như sửa đổi Hiến pháp; sắp xếp lại đơn vị hành chính; cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá về khoa học công nghệ, kinh tế tư nhân, pháp luật, xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật. Các quy định sau khi được ban hành đã nhận được sự ủng hộ, tích cực tham gia của người dân, doanh nghiệp, bước đầu phát huy ngay hiệu quả đến các động lực tăng trưởng. Niềm tin, khí thế của doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được nâng lên.
Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp đã cơ bản đạt được mục tiêu. Sau sắp xếp, cả nước còn 34 tỉnh, thành phố, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã. Giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến sẽ tiết kiệm chi NSNN khoảng 190,5 nghìn tỷ đồng, chưa kể các chi phí gián tiếp khác…