Không có nhiều vướng mắc đến việc sắp xếp, xử lý tài sản công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Về công tác sắp xếp, xử lý tài sản công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, theo dõi sát sao, nếu có vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền sẽ kịp thời hướng dẫn hoặc báo cáo cơ quan cấp trên xử lý, hướng dẫn các địa phương thực hiện thông suốt.
Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn xử lý tài sản công
Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn xử lý tài sản công

Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính chiều 2/7, trả lời câu hỏi về công tác phòng chống lãng phí tài sản công trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy Nhà nước và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, bà Nguyễn Thị Thoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính cho biết, việc sắp xếp, xử lý tài sản công đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị là một nhiệm vụ khá khó khăn, phức tạp.

Thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát các Luật trình Quốc hội, trong đó có việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài công; ban hành 11 nghị định quy định, trong đó sửa đổi hệ thống tiêu chuẩn, định mức làm cơ sở, căn cứ cho việc sắp xếp, xử lý đối với tài sản công, nhà đất phục vụ cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 công điện liên quan đến việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc đối với việc sắp xếp, xử lý tài sản công phục vụ cho công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy và chính quyền địa phương 2 cấp.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan như: Ban Nội chính trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... thành lập Tổ công tác liên ngành (Tổ phản ứng nhanh) do Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ thực hiện điều phối việc rà soát, xử lý công trình, nhà đất là tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính đảm bảo sử dụng, khai thác hiệu quả, tránh lãng phí; rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chịu tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính giữa trung ương và địa phương.

Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Qua nắm bắt tình hình, cơ bản các địa phương không có nhiều vướng mắc đến việc sắp xếp, xử lý tài sản công.

Về nguyên tắc sắp xếp tài sản công, bà Nguyễn Thị Thoa cho biết, việc sắp xếp ngoài việc duy trì bảo đảm hoạt động cho bộ máy mới, còn có các tài sản dôi dư. Trong đó, định hướng là không bán, chuyển nhượng tài sản dôi dư mà ưu tiên bố trí tài sản dôi dư cho giáo dục - đào tạo, y tế và các mục đích công cộng, thiết yếu khác của Nhà nước.

“Có thể bây giờ có địa phương báo cáo có trụ sở, nhà đất dôi dư, tuy nhiên còn phải bố trí cho các cơ quan trung ương tại địa phương, hoán đổi với nhau, sẽ sử dụng cho các mục đích khác liên quan đến y tế, giáo dục, do đó hôm nay có thể dôi dư, mai sẽ thiếu. Do các địa phương đang trong quá trình sắp xếp, đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, Bộ Tài chính đã có yêu cầu các địa phương sau 90 ngày có kết quả báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thoa cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công, theo dõi sát sao nếu có vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền sẽ kịp thời hướng dẫn hoặc báo cáo cấp trên xử lý, hướng dẫn các địa phương thực hiện thông suốt.

Tin cùng chuyên mục