Bản tin thời sự sáng 10/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiến nghị sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế thứ 2 của Vùng Thủ đô; TP.HCM muốn mua 5 triệu liều vaccine Covid-19; đề xuất đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng cải tạo rạch Xuyên Tâm; cảnh sát bao vây, khám xét nhiều cây xăng ở Bình Dương…

Kiến nghị sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế thứ 2 của Vùng Thủ đô

TP. Hải Phòng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét, xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế thứ 2 Vùng Thủ đô trong quy hoạch mạng lưới cảng hàng không cả nước.

TP Hải Phòng đề xuất và kiến nghị Bộ GTVT xác định sân bay thứ hai Vùng Thủ đô tại Tiên Lãng

TP Hải Phòng đề xuất và kiến nghị Bộ GTVT xác định sân bay thứ hai Vùng Thủ đô tại Tiên Lãng

Cụ thể, theo UBND TP. Hải Phòng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng các quy hoạch đường bộ, đường sắt đô thị kết nối sân bay Tiên Lãng.

Do đó, UBND TP. Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế số 2 Vùng Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo Thành phố cũng đề nghị đơn vị chủ trì lập Quy hoạch xem xét nâng công suất dự kiến của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi để phù hợp với công suất dự kiến tại Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng đến năm 2030 đạt công suất 13 triệu hành khách/năm; năm 2045 là 27,6 triệu hành khách/năm.

TP.HCM muốn mua 5 triệu liều vaccine Covid-19

TP.HCM cần 18 triệu liều vaccine Covid-19, trong khi số lượng Bộ Y tế phân bổ dự kiến không đủ nên phải mua thêm khoảng 5 triệu liều.

Covivac, vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm trên người, sau Nanocovax

Covivac, vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm trên người, sau Nanocovax

Sở Y tế vừa gửi văn bản lên UBND TP.HCM về chủ trương cung ứng vaccine Covid-19 trong thời gian tới. Theo Sở Y tế, TP.HCM có khoảng 9 triệu người thuộc nhóm tiêm chủng, tương đương nhu cầu là 18 triệu liều (một liệu trình vaccine gồm 2 mũi tiêm).

Thời gian qua, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã đàm phán với hãng dược Moderna của Mỹ, nhà sản xuất này đồng ý cung cấp 5 triệu liều vaccine mRNA-1273 trong quý III. Theo Sở Y tế, vaccine mRNA-1273 của Moderna bảo đảm chất lượng được 6 tháng ở nhiệt độ -20°C, có thể bảo quản từ 2 - 8 độ C trong 30 ngày. Hiệu quả phòng Covid-19 của vaccine đạt 94,1%.

Về kinh phí, Sở cho biết sẽ huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động phòng, chống dịch; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tiếp nhận.

Ở Việt Nam, có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine Covid-19, trong đó hai loại vaccine đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng là Nanocovax của công ty Nanogen và Covivac của IVAC. Dự kiến, nếu mọi việc thuận lợi, đến quý II/2022, vaccine Covid-19 do sản xuất trong nước mới có thể đưa ra thị trường.

Đề xuất đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng cải tạo rạch Xuyên Tâm

Rạch Xuyên Tâm đi qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, dài hơn 8 km dự kiến được cải tạo với tổng vốn hơn 9.300 tỷ đồng giúp chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm.

Rạch Xuyên Tâm đoạn qua quận Bình Thạnh nhìn từ trên cao

Rạch Xuyên Tâm đoạn qua quận Bình Thạnh nhìn từ trên cao

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố (chủ đầu tư), hồ sơ dự án này hiện hoàn tất và chuẩn bị các thủ tục, dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua đề xuất chủ trương đầu tư trong kỳ họp tới.

Tuyến rạch chính Xuyên Tâm dài hơn 6,2 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, cùng 3 tuyến nhánh dài gần 2 km (gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi) thuộc dự án này. Rạch được nạo vét, thay thế bằng đường mới xây trên hệ thống cống hộp và hai bên. Một số đoạn cống hộp kết hợp rạch hở, sử dụng như hệ thống thoát nước cho khu vực. Nước thải sẽ được thu gom kết nối hệ thống chung của Thành phố, đưa về nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước phạm vi hơn 700 ha.

Kinh phí xây dựng tại dự án ước tính gần 4.500 tỷ đồng. Phần bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 4.390 tỷ đồng tại quận Bình Thạnh và 469 tỷ đồng ở Gò Vấp. Công trình dự kiến thực hiện từ năm nay và hoàn thành năm 2025.

Cảnh sát bao vây, khám xét nhiều cây xăng ở Bình Dương

Có ít nhất 3 cây xăng Vân Trúc ở Bình Dương đã bị lực lượng công an thuộc Bộ Công An và Công an Đồng Nai bao vây, khám xét vào sáng ngày 9/3.

Có 3 cây xăng Vân Trúc ở Bình Dương bị khám xét

Có 3 cây xăng Vân Trúc ở Bình Dương bị khám xét

Theo đó, sáng 9/3, lực lượng công an thuộc Bộ Công an và Công an tỉnh Đồng Nai đã bao vây, kiểm tra 3 cây xăng có tên Vân Trúc nằm trên đường ĐT 743 thuộc phường Bình Hòa và phường An Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.

3 cây xăng này hoạt động từ rất lâu nằm sát các khu công nghiệp. Được biết, trong đợt khám xét lần này tại ít nhất 3 cây xăng Vân Trúc nghi có liên quan đến đường dây xăng giả quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Đồng Nai.

Trước đó, đêm 6/2, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã triển khai lực lượng đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các nghi can tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM.

Cũng trong thời điểm này, công an bắt quả tang các nghi can khi đang vận chuyển, mua bán, sang mạn tàu để pha chế, bơm hút, vận chuyển xăng nhập lậu với số lượng lớn tại ụ nổi trên sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long.

Theo ước tính, hằng ngày đường dây này cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường. Tính từ tháng 8/2020 đến nay, các nghi can đã cung cấp ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.

Trong chuyên án xăng giả lớn này, đến nay công an đã bắt giữ khoảng hơn 40 người và vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra mở rộng.

Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao 16 ha đất cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

16,05 ha đất do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý sẽ được bàn giao cho UBND TP.HCM để xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Quy hoạch nhà ga T3

Quy hoạch nhà ga T3

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) Đỗ Tất Bình cho biết, Bộ Quốc phòng đưa ra đề nghị này để chuẩn bị khởi công xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến vào tháng 10 tới. Khu đất sắp bàn giao thuộc Phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM. Sau khi Chính phủ chấp thuận, Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao khu đất cho Thành phố và Cảng vụ Hàng không miền Nam, ACV sẽ tiếp nhận theo quy định để xây dựng nhà ga T3.

Ông Đỗ Tất Bình cũng cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đang diễn ra theo tiến độ, Dự án sắp hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến phê duyệt vào tháng 4, khởi công vào tháng 10 và xây dựng trong 24 tháng.

Dự án nhà ga hành khách T3 được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2020, tiêu chuẩn quốc tế với công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa để giảm tải cho nhà ga T1.

Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan các bất động sản của Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát

Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, điều tra dấu hiệu tội phạm trong việc bà Trần Uyên Phương bị tố cáo lừa đảo thông qua chuyển nhượng dự án, cổ phần.

Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan các bất động sản của Trần Uyên Phương

Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan các bất động sản của Trần Uyên Phương

Ngày 9/3, động thái này được Cơ quan cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) đưa ra sau 5 tháng nhận được đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai (Công ty Kim Oanh); ông Nguyễn Văn Chung (Giám đốc Công ty DCB) và Lâm Hoàng Sơn (TP.HCM).

Trong quyết định khởi tố vụ án do thiếu tướng Đỗ Văn Hoành (Phó thủ trưởng Thường trực C01) ký thể hiện sự việc "có dấu hiệu tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 BLHS.

Trước đó, trong đơn tố cáo, ông Lê Văn Lâm cho rằng bà Trần Uyên Phương và ông Trần Quí Thanh cùng một số người liên quan có hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp. Theo ông Lâm, hành vi của bà Uyên Phương và những người này gây thiệt hại cho Kim Oanh Đồng Nai hơn 1.000 tỷ đồng.

Quá trình xác minh, C01 gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở ngành giữ nguyên hiện trạng pháp lý; tạm dừng các biến động tài sản (mua bán, tặng cho, thế chấp cổ phần, quyền sử dụng đất...) đối với Công ty Minh Thành Đồng Nai, Dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành. Khu đất này được phía ông Lâm cho là tài sản đã bị chiếm đoạt.

Đến ngày 25/11, C01 tiếp tục gửi văn bản đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các UBND quận Thủ Đức, quận Bình Tân giữ nguyên hiện trạng 33 thửa đất đứng tên bà Phương tại các địa phương này.

Hải Dương xét nghiệm lại toàn bộ công nhân Poyun

Gần 2.200 công nhân Công ty Poyun ,TP.Chí Linh (tỉnh Hải dương) sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhằm kiểm soát, đánh giá khả năng tái nhiễm trước khi trở lại làm việc.

Công ty TNHH điện tử Poyun trước lúc đưa công nhân đi cách ly tập trung

Công ty TNHH điện tử Poyun trước lúc đưa công nhân đi cách ly tập trung

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND TP. Chí Linh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã đề xuất lấy mẫu lại toàn bộ công nhân Công ty Poyun. Việc lấy mẫu đồng thời với hơn 4.000 công nhân Khu công nghiệp Cộng Hòa và sẽ phải xong trước ngày 17/3. Toàn bộ Công nhân Poyun đã hết cách ly tập trung và về nhà, nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi dịch tễ tại địa phương.

Lãnh đạo TP. Chí Linh cho biết việc lấy mẫu nêu trên là cần thiết để đánh giá nguy cơ, kiểm soát dịch tại địa phương, làm căn cứ quyết định có cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Cộng Hòa hoạt động trở lại hay không, đặc biệt là Công ty Poyun.

Tính đến ngày 9/3, TP. Chí Linh ghi nhận 404 ca dương tính nCoV, 313 ca trong đó là công nhân Poyun, biến Công ty này thành một trong những ổ dịch lớn nhất nước. Chí Linh trải qua hai đợt phong tỏa kéo dài từ 28/1 đến 3/3, hiện thành phố này vẫn thực hiện Chỉ thị 19, giãn cách xã hội ít nhất cho đến ngày 17/3.