Bản tin thời sự sáng 10/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thí điểm rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip ở Hà Nội và Quảng Ninh; Vĩnh Phúc xác minh hàng chục gói thầu liên quan đến phòng chống dịch; hơn một triệu lao động TP.HCM thuộc diện hỗ trợ tiền trọ; giá xăng dự kiến tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày 11/5; hơn 8.300 tỷ đồng đầu tư 60km đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú…

Thí điểm rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip ở Hà Nội và Quảng Ninh

Sau khi quét căn cước công dân qua thiết bị tại cây ATM, ngân hàng sẽ kiểm tra, xác thực khuôn mặt, vân tay trước khi diễn ra giao dịch rút tiền. Việc thí điểm ứng dụng thẻ gắn chip thay thế thẻ ATM tại một số chi nhánh ở Hà Nội và Quảng Ninh, sau đó triển khai thêm nhiều địa phương khác.

Một số chi nhánh ngân hàng đã thực hiện thí điểm rút tiền bằng thẻ căn cước công dân gắn chip.

Một số chi nhánh ngân hàng đã thực hiện thí điểm rút tiền bằng thẻ căn cước công dân gắn chip.

Đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, hiện nay Bộ Công an đã tổ chức thực hiện việc rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip tại một số ngân hàng.

Theo đó, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) đã thí điểm ứng dụng thẻ gắn chip thay thế thẻ ATM tại một số chi nhánh ở Hà Nội và Quảng Ninh. Thời gian tới, cơ quan chức năng dự kiến triển khai thêm nhiều địa phương khác.

Về quy trình sử dụng, sau khi chủ tài khoản quét căn cước công dân qua thiết bị tại cây ATM, hệ thống ngân hàng sẽ kiểm tra, xác thực và đối chiếu thông tin trên thẻ gắn chip.

Sau đó, hệ thống tiếp tục xác thực khuôn mặt và vân tay của khách hàng để phòng ngừa tài khoản giả mạo trước khi công dân thực hiện giao dịch rút tiền.

Bộ Công an đánh giá việc ứng dụng căn cước công dân cho các giao dịch ngân hàng tự động sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong các thủ tục hành chính, giảm thiểu nguy cơ giả mạo tài khoản, sai sót khi chuyển hay rút tiền mặt.

Vĩnh Phúc xác minh hàng chục gói thầu liên quan đến phòng chống dịch

Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc vừa có kết luận về việc thực hiện các quy định trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Tổng kinh phí thực hiện phòng chống dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lên tới 1.287 tỷ đồng

Tổng kinh phí thực hiện phòng chống dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lên tới 1.287 tỷ đồng

Theo kết luận thanh tra, tổng kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lên tới 1.287 tỷ đồng.

Thanh tra Tỉnh cũng nêu rõ Ban Chỉ huy quân sự huyện Tam Đảo thẩm định và lựa chọn nhà thầu đối với 3 gói thầu có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên chưa phù hợp với quy định. Ban Chỉ huy quân sự 2 huyện Tam Đảo và Yên Lạc đã áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa đúng Luật Đấu thầu.

Tại gói thầu cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất mà chủ đầu tư là Văn phòng HĐND, UBND TP. Phúc Yên, Ban Chỉ huy quân sự huyện Bình Xuyên không thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu, chưa đúng quy định.

Công tác thẩm định dự toán chưa chính xác, một số mã vật liệu trong dự toán có chênh lệch về đơn giá theo quy định dẫn đến tăng giá trị xây lắp công trình gồm: Công trình cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 TP. Phúc Yên tại cơ sở 2 - Trung tâm y tế TP. Phúc Yên...

Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị loại trừ khỏi giá trị quyết toán đối với 3 gói thầu gồm: Cải tạo, sửa chữa cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 huyện Tam Đảo, tại phòng khám đa khoa khu vực Đạo Trù; Cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm huấn luyện, luyện tập và bắn súng huyện Yên Lạc (cơ sở 2); Cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 huyện Yên Lạc (cơ sở 3) tại Trường Tiểu học Trung Nguyên.

Kiểm tra 176 gói thầu mua sắm trong năm 2020 - 2021 với tổng giá trị các gói gần 309 tỷ đồng đã phát hiện 52 gói thầu sai phạm về trình tự thủ tục.

Số lượng các gói thầu mua sinh phẩm, kit xét nghiệm được cơ quan công an thu hồ sơ để xác minh gồm 33 gói thầu (Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc có 5 gói; Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên 14 gói thầu; Trung tâm y tế huyện Vĩnh Tường 2 gói thầu; Bệnh viện Sản Nhi có 1 gói thầu; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Phúc 11 gói thầu).

Hơn một triệu lao động TP.HCM thuộc diện hỗ trợ tiền trọ

Các trường hợp thuộc diện được hỗ trợ tiền nhà trọ ở TP.HCM chiếm khoảng 60% lao động làm việc tại các doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Gia đình công nhân thuê phòng trọ ở đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp.

Gia đình công nhân thuê phòng trọ ở đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp.

Thông tin được ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết. Con số này ước tính dựa trên 2,34 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn, trong đó 2,06 triệu người làm việc tại các doanh nghiệp. Các trường hợp thuộc diện được hỗ trợ tiền trọ là lao động ngoại tỉnh và đang ở thuê.

Mức hỗ trợ với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp tối đa 1,5 triệu đồng và 3 triệu đồng với trường hợp vừa quay lại thị trường. Để được giúp đỡ, người lao động cần làm đơn gửi doanh nghiệp. Danh sách sau đó được công khai nơi làm việc ít nhất 3 ngày, gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận.

Trong hai ngày sau, danh sách được chuyển trả lại để doanh nghiệp gửi đến UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức thẩm định, phê duyệt. Thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/8.

Sau ba ngày kể từ khi nhận hồ sơ, địa phương hoàn tất thẩm định, phê duyệt danh sách và cấp kinh phí hỗ trợ. Tiền được chuyển qua tài khoản người lao động hoặc trao trực tiếp với trường hợp không có tài khoản.

Đến sáng nay, mới ba doanh nghiệp làm hồ sơ gửi Bảo hiểm Xã hội TP.HCM xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm cho 35 lao động để nhận gói hỗ trợ.

Giá xăng dự kiến tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày 11/5

Giá xăng trong nước dự kiến tiếp tục tăng tại kỳ điều hành tới, ngày 11/5, theo đà tăng mạnh của giá dầu thế giới.

Giá xăng dự báo tăng trong kỳ điều chỉnh tới

Giá xăng dự báo tăng trong kỳ điều chỉnh tới

Ngày 9/5, giá bán lẻ xăng dầu tham chiếu từ thị trường Singapore tăng mạnh, dự kiến giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh tới (ngày 11/5) tiếp tục tăng.

Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương ngày 4/5 cho thấy, giá xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5 RON92) vọt lên 135,83 USD/thùng, xăng RON95 lên 140,09 USD/thùng, dầu diesel 152,83 USD/thùng.

Trong khi giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới tại kỳ điều hành trước (ngày 4/5) lần lượt là 126,484 USD/thùng xăng RON92; 130,337 USD/thùng xăng RON95 và 142,976 USD/thùng dầu diesel...

Trên thế giới, trong tuần qua, giá dầu thô ghi nhận tăng 5 - 6%. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam dự báo giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh tới sẽ tiếp tục tăng.

Theo một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, nếu cơ quan điều hành không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu thì dự báo giá cơ sở ngày 11/5 tới, giá xăng RON 95 có thể tăng từ 1.300 - 1.400 đồng; xăng E5 tăng từ 1.190 - 1.300 đồng; dầu D0 dự kiến tăng 980 - 1.190 đồng. Còn nếu cơ quan điều hành chi sử dụng, thì giá xăng sẽ tăng thấp hơn.

Hơn 8.300 tỷ đồng đầu tư 60km đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP với tổng chiều dài khoảng 60,1 km và vốn đầu tư là hơn 8.365 tỷ đồng.

Một dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021 được đưa vào vận hành và khai thác. Ảnh minh họa

Một dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021 được đưa vào vận hành và khai thác. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải vừa trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) dài 60,3 km theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô của tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là 4 làn xe với bề rộng nền đường 24,75 m. Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải, hiện trạng hệ thống giao thông hiện hữu và khả năng cân đối nguồn lực, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, Dự án được kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được Bộ Giao thông vận tải tính toán là hơn 8.365 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 4.962 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 1.287 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.300 tỷ đồng.

Nguồn vốn nhà đầu tư huy động (nguồn vốn đầu tư BOT) khoảng hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là hơn 1.413 tỷ đồng (chiếm 20% nguồn vốn đầu tư BOT). Vốn vay thương mại hơn 5.650 tỷ đồng (chiếm 80% nguồn vốn đầu tư BOT).

Dự án được khái toán thời gian thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư dự kiến 20 năm 3 tháng. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Ngành đường sắt tăng tàu đến các điểm du lịch

Từ tháng 5, ngành đường sắt tổ chức chạy thêm nhiều tàu Hà Nội - Đồng Hới, TP.HCM - Đà Nẵng/Nha Trang phục vụ khách du lịch.

Hành khách đi tàu tại ga Sài Gòn

Hành khách đi tàu tại ga Sài Gòn

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết sẽ chạy thêm các tàu SE17, QB1, QB2 đưa khách từ Hà Nội đến Đồng Hới (Quảng Bình), ngoài 4 đôi tàu khách Thống Nhất vẫn đón, trả khách tại tỉnh này.

Cụ thể, chiều Hà Nội - Đồng Hới, tàu SE17 xuất phát ga Hà Nội lúc 20h20 ngày 19/5, đến ga Đồng Hới lúc 6h49; tàu QB1 xuất phát lúc 19h55 ngày 26/5, đến ga Đồng Hới lúc 6h22. Chiều Đồng Hới - Hà Nội, tàu QB2 xuất phát ga Đồng Hới lúc 16h50 các ngày 22/5 và 29/5, đến ga Hà Nội lúc 4h35.

Từ tháng 6, khi nhu cầu khách tăng cao trên tuyến này vào dịp hè, dự kiến ngành đường sắt sẽ chạy đều đặn đôi tàu QB1/QB2 hàng ngày. Đôi tàu SE17/SE18 chạy dịp cuối tuần. Khi nhu cầu khách đi Huế tăng cao, nhà tàu sẽ kéo dài hành trình đôi tàu SE17/SE18 đến và đi từ ga Huế.

Tuyến Hà Nội - Vinh chạy hàng ngày đôi tàu NA1/NA2. Tàu NA1 xuất phát ga Hà Nội lúc 22h15, đến ga Vinh lúc 5h30; tàu NA2 xuất phát ga Vinh lúc 21h40, đến ga Hà Nội lúc 5h00.

Tuyến Hà Nội - Lào Cai có đôi tàu SP3/SP4 dịp cuối tuần. Tàu SP3 xuất phát ga Hà Nội lúc 22h thứ sáu, đến ga Lào Cai lúc 6h05 thứ bảy; tàu SP4 xuất phát ga Lào Cai lúc 21h40 chủ nhật, đến ga Hà Nội lúc 5h30 thứ hai.

Tại phía Nam, ngành đường sắt sẽ chạy thêm đôi tàu SE21/SE22 từ TP.HCM đi Đà Nẵng từ ngày 10/5. Tuyến TP.HCM - Quy Nhơn có đôi tàu SQN1/SQN2 vào các ngày cuối tuần từ 19/5.

Tuyến TP.HCM - Nha Trang có đôi tàu SNT1/SNT2 cũng chạy từ 19/5. Tàu SNT2 xuất phát ga Sài Gòn lúc 19h40, đến ga Nha Trang lúc 5h25; tàu SNT1 xuất phát ga Nha Trang lúc 21h40, đến ga Sài Gòn lúc 5h06.

Tuyến Sài Gòn - Phan Thiết, đôi tàu SPT1/SPT2 chạy từ ngày 20/5/2022. Tàu SPT2 xuất phát ga Sài Gòn lúc 6h45, đến ga Phan Thiết lúc 10h37; tàu SPT1 xuất phát ga Phan Thiết lúc 13h50, đến ga Sài Gòn lúc 18h20.

TP.HCM dừng thuê 'siêu máy bơm' chống ngập

UBND TP.HCM thống nhất dừng thuê máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh sau khi tuyến được nâng cấp, hơn một năm nay không ngập.

TP.HCM quyết định dừng thuê máy bơm được vận hành chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh

TP.HCM quyết định dừng thuê máy bơm được vận hành chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh

Chiều 9/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng) đàm phán Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (doanh nghiệp vận hành máy bơm) chấm dứt hợp đồng thuê dịch vụ chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Động thái của UBND Thành phố đưa ra sau khi đường được sửa chữa với tổng kinh phí hơn 470 tỷ đồng, từ năm ngoái đến nay không còn ngập dù qua mùa mưa năm 2021. Đầu tháng 4 năm nay, việc thoát nước cho đường đã chuyển qua hệ thống cống mới, các cống cũ kết nối hệ thống máy bơm đã bị bít lại.

Hiện, lãnh đạo Thành phố yêu cầu ngay trong tháng 5 cần hoàn thành việc đàm phán với doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng. Từ kết quả này, Sở Xây dựng sẽ phối hợp các bên liên quan rà soát, tham mưu chính quyền Thành phố thực hiện các thủ tục thanh lý.

Máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh công suất 97.000 m3/h, được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuê của Công ty Quang Trung trong thời gian 7 năm, từ 2017 đến năm 2023, giá 14,2 tỷ đồng mỗi năm. Theo điều khoản, nếu Thành phố dừng hợp đồng trước thời hạn phải bồi thường cho doanh nghiệp và bị phạt thêm 8% giá trị hợp đồng.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Công ty Quang Trung, cho biết hợp đồng thuê còn hiệu lực hơn một năm. Do vậy, khi Thành phố đơn phương chấm dứt, phần thiệt hại đơn vị này ước tính "cần bồi thường hơn 50 tỷ đồng" (tính cả lãi vay ngân hàng trong quá trình triển khai).

Tin cùng chuyên mục