Bản tin thời sự sáng 10/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ngân hàng cho vay 480.000 tỷ đồng trong một tháng; xem xét gỡ vướng cho 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra; đề xuất 5 phương án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành; gần 43.000 người bán hàng online bị kiểm tra khai, nộp thuế…

Ngân hàng cho vay 480.000 tỷ đồng trong một tháng

Trong tháng 6, ngành ngân hàng bơm thêm 480.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, cao hơn tổng số vốn hấp thụ 5 tháng đầu năm.

Trong tháng 6, ngành ngân hàng bơm thêm 480.000 tỷ đồng ra nền kinh tế

Trong tháng 6, ngành ngân hàng bơm thêm 480.000 tỷ đồng ra nền kinh tế

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến hết tháng 6 tăng khoảng 6% so với đầu năm, đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, con số tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5 mới chỉ 2,4%. Như vậy, riêng trong tháng 6, tín dụng tăng 3,6%, tương đương nền kinh tế hấp thụ được 480.000 tỷ đồng, cao hơn tổng vốn các ngân hàng bơm ra trong cả 5 tháng đầu năm.

Tín dụng bứt tốc sau thời gian ảm đạm, được lý giải phần nào nhờ nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp tăng tốc nửa cuối năm.

Theo dự báo của FiinRatings, nhu cầu vay vốn nửa cuối năm sẽ tăng tốc nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục. Lĩnh vực sản xuất có những tín hiệu hồi phục khi chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng qua ước tăng 6,8% so với cùng kỳ 2023, với chế biến - chế tạo tăng 7,3%.

Xuất khẩu cũng tăng trở lại nhờ các thị trường chính phục hồi. Nhập siêu trong tháng 5 do tăng nhập khẩu nguyên liệu cho thấy dấu hiệu phục hồi của các ngành sản xuất, đồng thời mở ra tín hiệu tích cực đối với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, báo cáo nhận xét.

Bên cạnh đó, FiinRatings cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản - bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại - triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần tháo gỡ. Các bộ luật mới cũng được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Xem xét gỡ vướng cho 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, Bộ Công Thương rà soát, cập nhật vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII các dự án điện tái tạo đã khắc phục theo kết luận thanh tra.

Công nhân thi công dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận

Công nhân thi công dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận

Tại cuộc họp về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) chiều 9/7, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, cơ quan này đã kiến nghị Thủ tướng gỡ khó cho 154 dự án điện mặt trời thuộc diện thanh, điều tra đã có kết luận. Theo ông, việc này giúp các địa phương, chủ đầu tư triển khai các dự án phù hợp với cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII và thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, Bộ Công Thương rà soát, cập nhật các dự án điện mặt trời, gió chưa có hoặc đã khắc phục theo kết luận của thanh tra, kiểm toán vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Song, ông Hà lưu ý các dự án này vẫn phải đáp ứng các tiêu chí về an toàn hệ thống, công nghệ truyền tải, hiệu quả kinh tế.

"Không được lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Ông Hà nhắc lại quan điểm phát triển năng lượng tái tạo không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an toàn hệ thống. Cơ quan quản lý cần điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch điện VIII, tạo thuận lợi để chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang tái tạo.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850 MW điện mặt trời vào năm 2020, tăng lên 4.000 MW vào 2025. Nhưng giai đoạn vừa qua, loại năng lượng này phát triển vượt quy hoạch, cao gấp hơn 17 lần tổng công suất được duyệt. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm ngoái, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời vào quy hoạch không có căn cứ, cơ sở pháp lý. Trong đó, 123 dự án là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối hệ thống, cơ cấu nguồn điện, lãng phí nguồn lực xã hội.

Tại cuộc họp, đại diện Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, các dự án điện mặt trời đã có kết luận sai phạm sẽ không thuộc diện đang thanh, điều tra. "Trường hợp dự án đáp ứng đủ tiêu chí có thể đưa vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII", đại diện Thanh tra Chính phủ nói.

Đề xuất 5 phương án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến 5 phương án kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành, gồm 2 phương án đường bộ và 3 hướng tuyến đường sắt.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành sẽ được mở rộng lên 10 làn xe

Cao tốc TP.HCM - Long Thành sẽ được mở rộng lên 10 làn xe

Các phương án vừa được Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải trực thuộc Bộ Giao thông vận tải hoàn thành nghiên cứu. Đường bộ dài từ 43 - 62 km, ưu tiên tuyến xe buýt kết nối trực tiếp và các loại hình khác như taxi, xe cá nhân. Đường sắt dài từ 42 - 45 km, kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Lộ trình đầu tư các tuyến đường được chia thành 4 giai đoạn, từ năm 2025 - 2050.

Phương án đường bộ đầu tiên kết nối qua đường Phạm Văn Đồng và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với 3 hướng: Qua vành đai 2 dài 48 km hoặc qua cầu Cát Lái dài 57 km; qua Quốc lộ 1 dài 53 km; qua Quốc lộ 1K dài 62 km.

Phương án 2 kết nối đường bộ từ cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đi theo các tuyến đường đô thị với 3 hướng kết nối. Một là qua hầm Thủ Thiêm dài 43 km; qua đường Nguyễn Thị Định, cầu Cát Lái dài 51 km; qua đường Nguyễn Hữu Thọ và cầu Phú Mỹ 2 dài 50 km.

Việc kết nối hai sân bay bằng đường bộ sẽ ưu tiên bố trí tuyến buýt trực tiếp, các tuyến xe buýt có điểm đầu, điểm cuối tại hai cảng, không dừng trên đường để đảm bảo thời gian di chuyển nhanh nhất. Hành khách từ TP.HCM đến hai cảng hàng không quốc tế và ngược lại có thể lựa chọn xe buýt của Thành phố và các loại hình khác như taxi, xe cá nhân...

Trong 3 phương án đường sắt, thì phương án 3 là kết nối bằng tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 45 km. Phương án 4 là kết nối bằng tuyến đường sắt đô thị số 2 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 43 km. Phương án 5 kết nối bằng tuyến đường sắt đô thị số 4 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài 42 km.

Gần 43.000 người bán hàng online bị kiểm tra khai, nộp thuế

Nửa đầu năm 2024, gần 43.000 người bán hàng online thuộc diện rà soát đã khai, nộp thuế 9.980 tỷ đồng, gấp trên 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Góc gian hàng bán đồ công nghệ của một ứng dụng thương mại điện tử

Góc gian hàng bán đồ công nghệ của một ứng dụng thương mại điện tử

Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng online bị bị kiểm tra, truy thu do chưa kê khai nộp thuế. Việc rà soát này được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh tăng quản lý với thương mại điện tử, từ giao dịch trên các sàn tới kinh doanh trực tuyến, livestream.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan này rà soát, kiểm tra gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân về khai, nộp thuế. Nhóm này đã nộp gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cơ quan thuế cũng xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt gần 300 tỷ đồng.

Cả nước có 3,1 triệu hộ, cá nhân kinh doanh, trong đó tỷ lệ không nhỏ người bán online chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế. Để siết quản lý, một trong những giải pháp được ngành thuế thực hiện là kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành. Hiện cơ quan này ghi nhận trên 663.000 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Họ cũng chia sẻ thông tin với Bộ Công Thương về 929 sàn thương mại điện tử, đối chiếu dữ liệu của 53.000 người kinh doanh từ 383 sàn, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki...

Tại Hà Nội, tỷ lệ rà soát khớp nối thông tin căn cước công dân và mã số thuế đạt hơn 99,8%. Qua đó, cơ quan thuế định danh được hàng trăm chủ sàn thương mại điện tử, hàng nghìn cá nhân kinh doanh qua mạng. Số thu 6 tháng trong lĩnh vực thương mại điện tử của Thủ đô đạt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó thuế cá nhân (gồm livestream) tăng 79%.

Với ngành ngân hàng, Bộ Tài chính nắm thông tin từ 144 triệu tài khoản thanh toán, tăng hơn 20 triệu tài khoản so với cuối tháng 4. Trong đó, khoảng 10 triệu tài khoản của tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 của ngân hàng.

Hợp long cầu trên cao tốc Bến Lức - Long Thành

Sau 7 năm khởi công, cầu bắc qua sông Thị Vải tổng đầu tư hơn 720 tỷ đồng, nằm trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành chính thức hợp long.

Cầu Thị Vải được hợp long

Cầu Thị Vải được hợp long

Chiều 9/7, các công nhân đổ những mẻ bêtông cuối cùng, hợp long cầu Thị Vải cùng các cầu cạn thuộc Gói thầu A7 Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây là gói thầu phía Đông của tuyến cao tốc khởi công năm 2017.

Cầu Thị Vải dài 3,3 km gồm cầu vượt sông và cầu cạn kết nối nút giao Quốc lộ 51 tại huyện Long Thành. Đây là hạng mục khó khăn nhất ở Gói thầu A7 có tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư) đặt kế hoạch hoàn thành toàn bộ gói thầu trong tháng này.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có 3 gói thầu (A5, A6 và A7) ở địa bàn Đồng Nai. Hiện tại Gói thầu A5, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị nghiệm thu để bàn giao cho chủ đầu tư; Gói thầu A6 dự kiến xong cuối năm nay.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, đi qua Long An, TP.HCM và Đồng Nai, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng. Khởi công năm 2014, công trình dự kiến hoàn thành sau 5 năm, song gặp khó khăn về chính sách đầu tư, nguồn vốn nên dừng triển khai khi đã xong 80% khối lượng.

Quy hoạch xây dựng hai khu xử lý rác cấp quốc gia

Việt Nam sẽ xây mới khu xử lý rác cấp quốc gia tại Quảng Ngãi và chuyển tiếp một khu xử lý tại Long An, theo Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia.

Khu xử lý rác Nam Sơn sẽ thành khu xử lý của vùng Đồng bằng sông Hồng

Khu xử lý rác Nam Sơn sẽ thành khu xử lý của vùng Đồng bằng sông Hồng

Theo Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được ban hành, Việt Nam sẽ xây mới khu xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất tại 3 xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh và Bình Thanh, Bình Hiệp huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích tối thiểu đến năm 2030 là 82 ha, năm 2050 là 150 ha. Khu này sẽ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, bùn thải.

Về công nghệ, khu xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất sẽ áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có với định hướng ưu tiên tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng phương pháp đốt, làm phân hữu cơ, chôn lấp hợp vệ sinh với chất thải rắn sinh hoạt; chôn lấp, hóa rắn, cô lập, đóng kết đối với chất thải công nghiệp.

Khu thứ hai là chuyển tiếp, xây dựng trên nền khu công nghệ môi trường xanh tại xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, Long An với quy mô đến năm 2030 ít nhất 200 ha, năm 2050 tối thiểu 500 ha. Các loại rác và công nghệ xử lý của khu này sẽ tương tự như khu xử lý Dung Quất.

Quy hoạch cũng xác định xây dựng 7 khu xử lý chất thải cấp vùng; mỗi tỉnh thành sẽ xây dựng một khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh.

Vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ chuyển tiếp khu xử lý tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Khu vực trung du và miền núi phía Bắc sẽ chuyển tiếp và bổ sung khu xử lý tại xã Tân Quang và Bá Xuyên, TP. Sông Công (Thái Nguyên). Tây Nguyên sẽ xây mới khu xử lý quy mô tối thiểu 60 ha vào năm 2030 tại xã Đạo Nghĩa, huyện Đăk R'lấp (Đăk Nông).

Đông Nam Bộ chuyển tiếp hai khu xử lý ở TP.HCM gồm Đa Phước, huyện Bình Chánh và khu xử lý tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi; chuyển tiếp khu xử lý tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát (Bình Dương). Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xây dựng mới khu xử lý chất thải nguy hại tại tỉnh Cà Mau, diện tích tối thiểu đến năm 2030 là 20 ha.

Mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác, trong đó Hà Nội 7.000 tấn, TP.HCM 10.000 tấn. 70% lượng rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Hơn 500 công sở ở Thanh Hóa bỏ không

Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Thanh Hóa có 537 công sở, trường học, trạm y tế bỏ không gây lãng phí, chiếm nhiều nhất cả nước.

Trụ sở Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thanh Hóa nằm ở khu đất vàng hai mặt tiền ở đại lộ Lê Lợi song bỏ hoang 5 năm nay

Trụ sở Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thanh Hóa nằm ở khu đất vàng hai mặt tiền ở đại lộ Lê Lợi song bỏ hoang 5 năm nay

Báo cáo tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa chiều 9/7, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, giai đoạn 2019 - 2021 Tỉnh sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã. Số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp giảm 76, còn 559 xã, phường, thị trấn.

Cũng trong giai đoạn này, Tỉnh sáp nhập, giải thể nhiều đơn vị sự nghiệp công lập không còn phù hợp với thực tế, gồm trường học, trạm y tế. Đến cuối năm 2023, số đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 300 so với năm 2016.

Sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, toàn Tỉnh có 537 cơ sở nhà đất dôi dư, gồm 457 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, còn lại là trường học, nhà văn hóa thôn bản, trạm y tế...

UBND tỉnh Thanh Hóa sau đó đã lên kế hoạch xử lý, sử dụng các tài sản công dôi dư, Sở Tài chính được giao là cơ quan tham mưu chính. Đến nay, 455 trong tổng số 537 cơ sở đã được duyệt phương án điều chuyển, thu hồi, bán đấu giá hoặc chuyển giao về địa phương quản lý. Hiện còn 82 cơ sở, chủ yếu là các trạm y tế, chưa có phương án chi tiết.

Dù đã có phương án, theo đánh giá của cơ quan chức năng và các đoàn giám sát HĐND tỉnh Thanh Hóa, hầu hết công sở dôi dư đang bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí, trang thiết bị xuống cấp.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến quá trình xử lý tài sản công dôi dư bị chậm trễ như tác động của Covid-19, số lượng công sở dôi dư của tỉnh nhiều nhất cả nước, nguồn gốc tài sản phức tạp, vướng mắc về thủ tục hành chính... Các huyện thị hiện không có cán bộ chuyên trách, tổ giúp việc lại thay đổi vị trí công tác thường xuyên cũng là nguyên nhân dẫn quá trình xử lý hồ sơ không được liên tục.

Chủ đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu hơn 7 tỷ đồng phí BOT mỗi ngày

Nửa đầu năm 2024, CII ghi nhận doanh thu phí giao thông gần 1.310 tỷ đồng, vượt mức cả năm giai đoạn 2017 - 2021, trung bình mỗi ngày thu hơn 7 tỷ đồng.

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) hiện sở hữu danh mục các dự án BOT lớn ở khu vực phía Nam gồm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, mở rộng Xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 60 và cầu Cổ Chiên, Tỉnh lộ ĐT741 Bình Dương, mở rộng tuyến tránh TP. Phan Rang - Tháp Chàm và Quốc lộ 1 qua Ninh Thuận.

Báo cáo tài chính quý II của CII cho thấy, doanh thu phí giao thông 6 tháng đạt gần 1.310 tỷ đồng, gấp 1,8 lần cùng kỳ 2023. Trung bình mỗi ngày, CII ghi nhận khoảng 7,2 tỷ đồng thu phí qua trạm BOT.

Như vậy, doanh thu phí giao thông nửa đầu năm của CII còn cao hơn mức cả năm của giai đoạn 2017 - 2021 và xê xích không quá lớn so với cả năm 2022.

Doanh thu phí qua trạm BOT tăng đột biến, một phần nhờ việc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ quản dự án đường cao tốc cùng tên) đã trở thành công ty con của CII từ quý IV/2023, nên kết quả kinh doanh dự án này được hợp nhất vào doanh nghiệp.

Doanh thu tăng mạnh trong khi giá vốn chỉ nhích thêm 42% giúp mảng thu phí qua trạm BOT sinh lời tốt hơn. Lợi nhuận gộp mảng này trong nửa đầu năm đạt khoảng 939 tỷ đồng, tương đương biên lãi gộp 71,6%.

Thu phí giao thông là mảng kinh doanh quan trọng của CII. Thông thường, Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chiếm gần một nửa doanh thu phí giao thông. Gần đây, 2 trạm Cà Ná trên Quốc lộ 1 (Ninh Thuận) và cầu Cổ Chiên (Trà Vinh) được chấp thuận tăng giá vé thêm 18%.

Cộng thêm bất động sản, xây dựng - duy tu công trình và một số mảng khác, CII ghi nhận doanh thu nửa đầu năm hơn 1.577 tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên nhờ giá vốn được kiểm soát rất tốt, lợi nhuận gộp tích lũy thêm 1,8 lần.

6 tháng qua, lãi sau thuế của doanh nghiệp này đạt gần 490 tỷ đồng, hơn 3 lần cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 6,4 lần lên hơn 452 tỷ đồng.

Năm nay, công ty này đặt mục tiêu có 4.194 tỷ doanh thu và 430 tỷ đồng lãi sau thuế của công ty mẹ. Sau nửa năm 2024, CII hoàn thành 37% chỉ tiêu doanh thu nhưng đi được hơn hai phần kế hoạch lợi nhuận ròng kể trên.

Tin cùng chuyên mục