Bản tin thời sự sáng 10/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức; đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ cao tốc Vân Phong - Nha Trang; yêu cầu dừng việc công ty chứng khoán dùng robot đặt lệnh; 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng vốn hơn 3.600 tỷ đồng…

94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức

Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết đã có 94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức. Việc này nếu được thực hiện sẽ giúp giảm chi phí, giảm áp lực cho đội ngũ cán bộ.

Việc xét thăng hạng được cho là sẽ đánh giá đúng người, đúng việc

Việc xét thăng hạng được cho là sẽ đánh giá đúng người, đúng việc

Chiều tối 9/9, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, thông tin về vấn đề bỏ thi thăng hạng viên chức.

Việc thi thăng hạng được thực hiện từ năm 1998 đến nay, song theo đại diện Bộ Nội vụ, quá trình thi phát sinh nhiều khó khăn, đặc biệt khi nhiều bộ ngành chưa ban hành thông tư hướng dẫn thi thăng hạng.

Bên cạnh đó, do chưa quy định được nội dung thi, chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm, nên việc thi thăng hạng còn hình thức, phản ánh không thực chất.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho rằng, với gần 2 triệu viên chức, việc thi thăng hạng gặp nhiều khó khăn và trở thành rào cản, gây tốn kém về thời gian, chi phí. "Việc bỏ thi sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội, khắc phục được nhiều vướng mắc, bất cập, đồng thời giảm áp lực cho đội ngũ viên chức", ông Minh khẳng định.

Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, có 94/95 đơn vị đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức.

Theo ông Minh, việc thi thăng hạng không sát thực tiễn, còn xét thăng hạng sẽ đánh giá được "đúng người, đúng việc", giảm được thủ tục hành chính trong bổ nhiệm viên chức.

Đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ cao tốc Vân Phong - Nha Trang

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng thi công Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài hơn 83km, do Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải làm Chủ đầu tư. Đến nay, các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho hơn 2.500 hộ dân trong diện giải tỏa, đạt 91%.

Hiện nay, vướng mắc lớn nhất là việc di dời hạ tầng kỹ thuật như điện, viễn thông, chỉ có 3/20 hạ tầng kỹ thuật đang được di dời. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành 4 khu tái định cư phục vụ Dự án; 2 khu tái định cư là Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa và đường 2/9, huyện Vạn Ninh dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 9 để bàn giao cho người dân.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ như cam kết. Các địa phương cần ưu tiên những điểm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công của các nhà thầu, tập trung di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các công trình điện còn nhiều vướng mắc.

Yêu cầu dừng việc công ty chứng khoán dùng robot đặt lệnh

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện rà soát và dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động do hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc sử dụng công nghệ robot để đặt lệnh chưa được phép thực hiện

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc sử dụng công nghệ robot để đặt lệnh chưa được phép thực hiện

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có văn bản gửi các công ty chứng khoán (CTCK) liên quan đến hoạt động sử dụng thuật toán, robot và lệnh tần suất cao trong đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến.

Theo UBCKNN, qua công tác quản lý và giám sát với hoạt động cung ứng dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến tại các CTCK, cơ quan quản lý nhận thấy có hiện tượng sử dụng công nghệ robot để đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động với tần suất lớn.

"Hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro và làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán", UBCKNN cho hay.

Cụ thể, UBCKNN chỉ ra, việc đặt lệnh tự động làm gia tăng đột biến lệnh từ các CTCK vào Sở Giao dịch chứng khoán trong cùng một thời điểm, dẫn đến số lệnh vào sàn vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá tải hệ thống.

Mặt khác, hoạt động này cũng gây ra nguy cơ dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền khi thị trường chứng khoán diễn biến xấu, từ đó tác động tiêu cực đến công tác quản trị rủi ro của CTCK.

Căn cứ vào quy định về giao dịch chứng khoán trực tuyến tại Thông tư số 13/2017 và Thông tư số 73/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, UBCKNN cho biết, việc sử dụng các công nghệ trên để đặt lệnh chưa được phép thực hiện.

Do vậy, cơ quan quản lý yêu cầu các CTCK thực hiện rà soát và dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động; đồng thời có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các hình thức đặt lệnh tự động và yêu cầu nhà đầu tư chấm dứt việc sử dụng hình thức trên (nếu có) khi chưa được cơ quan quản lý cho phép.

8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc

Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 7 tháng và ước thực hiện 8 tháng năm 2023 của Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn ngân sách nhà nước đến 31/8/2021 là 299.447,4 tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch (đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (31,15%).

Giải ngân vốn ngân sách nhà nước đến 31/8/2023 đạt 299.447,4 tỷ đồng
Giải ngân vốn ngân sách nhà nước đến 31/8/2023 đạt 299.447,4 tỷ đồng

Trong đó, vốn trong nước đạt 40,1% kế hoạch và đạt 43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn nước ngoài đạt 25,95% kế hoạch.

Có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40%. Một số cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,38%), Ngân hàng Nhà nước (62,75%), Ngân hàng Phát triển (100%), Tiền Giang (62,12%), Long An (66,18%), Đồng Tháp (66,94%).

Có 41/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch, trong đó có 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn.

Nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm có thể kể đến: một số dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để phân bổ vốn nên chưa thể giải ngân kế hoạch năm 2023; một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không phân bổ vốn.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng vốn hơn 3.600 tỷ đồng

Do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được kiến nghị tăng 3.670 tỷ đồng, lên gần 21.500 tỷ đồng.

Mặt bằng thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua huyện Long Thành

Mặt bằng thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua huyện Long Thành

Nội dung trên được Bộ Giao thông vận tải nêu trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc tăng mức đầu tư Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó, Dự án thành phần 1 tăng hơn 1.195 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 tăng gần 1.490 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 tăng hơn 989 tỷ đồng.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km, quy mô 4 - 6 làn xe tùy đoạn tuyến, được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Công trình dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và khai thác từ năm 2026. Trong đó, Dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm Chủ đầu tư dài 16 km; Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm Chủ đầu tư dài 18,2 km; Dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm Chủ đầu tư dài 19,5 km.

Sau khi khởi công ngày 18/6, Dự án thành phần 3 qua Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải phóng mặt bằng đạt khoảng 77,6%. Dự án thành phần 2 qua Đồng Nai mới bàn giao được khoảng 5,82%. Riêng Dự án thành phần 1 chưa giải phóng mặt bằng.

Nguyên nhân được cho là việc kiểm đếm chậm, khi nhân lực tại các đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng của Đồng Nai chưa đáp ứng khối lượng công việc, dẫn đến đơn giá bồi thường chưa được phê duyệt. Đồng thời, việc thu hồi đất tại Trường Giáo dưỡng số 4 chưa thể thực hiện do vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch đất an ninh - quốc phòng.

Ngoài ra, Tổng công ty Cao su Đồng Nai chưa bàn giao mặt bằng do chưa thống nhất các khoản hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1 và 2 chưa xây dựng cũng khiến tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2023 khó khả thi.

Dự án 5 tỷ USD của Novaland có thể trả tiền thuê đất một lần

Bình Thuận đang xem xét điều chỉnh hình thức từ trả tiền thuê đất hàng năm sang trả một lần tại Dự án NovaWorld Phan Thiet.

Dự án NovaWorld Phan Thiet được cho thuê đất với tổng diện tích 963 ha, hình thức trả tiền thuê hàng năm

Dự án NovaWorld Phan Thiet được cho thuê đất với tổng diện tích 963 ha, hình thức trả tiền thuê hàng năm

Thông tin này vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết trong văn bản gửi Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (công ty con của Novaland, Chủ đầu tư Dự án NovaWorld Phan Thiet). Dự án có quy mô gần 1.000 ha, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết, sẽ rà soát, báo cáo UBND Tỉnh xem xét giải quyết điều chỉnh hình thức từ trả tiền thuê đất hàng năm sang một lần đối với Dự án. Cơ quan này yêu cầu Chủ đầu tư lập bản đồ xác định cụ thể vị trí, diện tích tại các phần đất dự kiến được điều chỉnh gồm xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng và khu phố thương mại.

Dự án NovaWorld Phan Thiet được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2008 và thay đổi lần thứ 5 vào năm 2014. Đến tháng 4/2019, Bình Thuận ban hành quyết định chủ trương đầu tư mới, thay thế cho 2 quyết định trên. Dự án được cho thuê đất theo 8 đợt với tổng diện tích 963 ha, hình thức trả tiền thuê hàng năm.

Theo Chủ đầu tư, việc cho thuê đất trả tiền hàng năm là một trong 5 vướng mắc của dự án này. Với loại đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, theo luật hiện hành, cá nhân và tổ chức không được chuyển nhượng, thế chấp, tặng, cho, góp vốn... bằng quyền sử dụng đất mà chỉ được có các hoạt động liên quan đến tài sản trên đất (nhà hoặc công trình). Trong khi đó, với đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, cá nhân và tổ chức có thể chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất.

Công ty con của Novaland cho biết, đã và đang bán những khu biệt thự, nghỉ dưỡng, nhà phố cho khách hàng gồm cả quyền sở hữu đất và công trình theo thời hạn Dự án. Song vì trả tiền thuê đất hàng năm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi kinh doanh, huy động vốn cho Dự án và có khả năng gây phản ứng tiêu cực của khách hàng. Do đó, hồi tháng 5, Chủ đầu tư Dự án đã đề nghị tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển hình thức thuê đất của khu biệt thự, nghỉ dưỡng, nhà phố từ trả tiền hàng năm sang trả tiền một lần.

Lâm Đồng đưa dinh tỉnh trưởng ở Đà Lạt khỏi nhóm bảo tồn nghiêm ngặt

Dinh tỉnh trưởng 113 năm tuổi ở Đà Lạt được chính quyền tỉnh Lâm Đồng đưa từ nhóm 1 xuống nhóm 2 trong 3 nhóm biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, đồng nghĩa việc bảo tồn không còn nghiêm ngặt như trước.

Dinh tỉnh trưởng nằm trên ngọn đồi cao ở trung tâm TP. Đà Lạt

Dinh tỉnh trưởng nằm trên ngọn đồi cao ở trung tâm TP. Đà Lạt

Trong quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP. Đà Lạt vừa ban hành, UBND tỉnh Lâm Đồng đưa dinh tỉnh trưởng ở số 1 Lý Tự Trọng và dinh Nguyễn Hữu Hào (số 4 Hùng Vương) từ nhóm 1 sang nhóm 2.

Dinh tỉnh trưởng nằm trên đồi thông, do người Pháp xây dựng khoảng trước năm 1910. Đây từng là nơi sinh sống và làm việc của Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức (tên trước đây của tỉnh Lâm Đồng). Hiện, tòa nhà thuộc quản lý của Trung tâm Văn hóa Lâm Đồng.

So với lần điều chỉnh gần nhất vào năm 2017, số biệt thự tăng 4 căn, lên 166 căn, được chia thành 3 nhóm. Trong đó, nhóm 1 gồm Dinh 1, Dinh 3 (dinh Bảo Đại) và Dinh 2 (dinh toàn quyền) là những biệt thự điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan...; nhóm 2 gồm 69 biệt thự có giá trị kiến trúc, cảnh quan, lịch sử, văn hóa; nhóm 3 gồm 94 biệt thự.

Theo quy định này, các biệt thự nhóm 1 khi cải tạo phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài lẫn cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Biệt thự thuộc nhóm 2 chỉ cần giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài.

Công trình thuộc nhóm 3 được phép cải tạo, nâng cấp không gian bên trong, bên ngoài; xây dựng mới theo quy hoạch, phù hợp kiến trúc, cảnh quan của khu vực.

Do đó, việc cải tạo dinh tỉnh trưởng không nhất thiết phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nữa.

Tại dinh tỉnh trưởng trước đây đã có phương án xây các công trình phục vụ kinh doanh, dịch vụ. Theo phương án được chọn, khu vực dinh tỉnh trưởng được xây khách sạn 10 tầng, dinh được giữ nguyên và nâng cấp thành Bảo tàng Đà Lạt ở vị trí mới (nâng cao 28 m), mở cửa cho tham quan...

Bình Định cấp phép đầu tư dự án 763 tỷ đồng tại Khu kinh tế Nhơn Hội

Công ty VidaXL Group B.V (Hà Lan) vừa đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ, kim loại, nhựa giả mây và nệm nội, ngoại thất tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định).

Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định)

Một góc Khu kinh tế Nhơn Hội (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định)

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty VidaXL Group B.V (có trụ sở tại Hà Lan) đầu tư dự án trên tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh.

Dự án được xây trên diện tích gần 213.000 m2, mục tiêu sản xuất các sản phẩm từ gỗ, phôi kim loại; các sản phẩm nệm, mút xốp, vải, đan nhựa giả mây. Tổng vốn đầu tư của Dự án hơn 763 tỷ đồng. Quy mô công suất mỗi năm khoảng 108.000 m3 phôi gỗ tinh, 12.000 tấn phôi kim loại, 4.000 tấn nệm và mút xốp, 10 triệu m2 các loại vải, 540.000 sản phẩm đan nhựa giả mây.

Từ tháng 10, Dự án khởi công xây dựng các hạng mục công trình (gồm 3 giai đoạn). Tháng 12/2028 dự kiến đưa toàn bộ các hạng mục vào hoạt động. Thời gian hoạt động của Dự án đến năm 2070.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Tỉnh, từ đầu năm đến nay, Bình Định thu hút được 4 dự án FDI đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 37,1 triệu USD.

Đến tháng 9, toàn Tỉnh có 89 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,1 tỷ USD. Trong đó, 49 dự án ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 255 triệu USD; 40 dự án trong khu kinh tế và khu công nghiệp, tổng vốn gần 930 triệu USD (2 dự án có vốn đầu tư Hà Lan tổng vốn đăng ký trên 52 triệu USD).

Tin cùng chuyên mục