Bản tin thời sự sáng 11/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là phiên chiều ngày 10/1, sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM lại “đơ”; xét xử phúc thẩm bị cáo Vũ Huy Hoàng vào ngày 21/1; giá xăng có thể tăng mạnh ngày 11/1; hạn chế chuyến bay combo về nước hạ cánh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất; Trung Quốc thông quan thêm 3 cửa khẩu, lối mở tại Quảng Ninh…

Phiên chiều ngày 10/1, sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM lại “đơ”

Khi phiên giao dịch đang bước vào cao trào chiều ngày 10/1, sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) bất ngờ đã bị “đơ” không kịp phản hồi thông tin, hoặc phản hồi rất chậm.

Bảng điện tử về sàn chứng khoán HSX bị "đơ" vào nửa cuối phiên giao dịch chiều ngày 10/1

Bảng điện tử về sàn chứng khoán HSX bị "đơ" vào nửa cuối phiên giao dịch chiều ngày 10/1

Vào khoảng 14h chiều ngày 10/1, phiên giao dịch chứng khoán trên sàn HSX đang diễn ra thì bất ngờ bị “đơ”. Khi đó, chỉ số VN-Index đang giảm gần 10 điểm, toàn sàn tràn ngập sắc đỏ. Tuy nhiên, thanh khoản lại tăng mạnh cho thấy lực cầu bắt đáy mạnh, tới thời điểm trên đạt gần 35.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù nhà đầu tư vẫn đặt lệnh được trên các sàn giao dịch tại những công ty chứng khoán, lệnh vẫn được đẩy từ sàn thành viên lên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM là HSX. Thế nhưng, lệnh vẫn “nằm yên” trên sàn HSX và không thấy được phản hồi.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đây là sự cố mất ổn định tạm thời của hệ thống Gateway (hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán) tại HoSE.

Bộ Tài chính giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo các công ty thành viên khẩn trương báo cáo lãnh đạo Bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố trên ngay trong ngày 10/1.

HoSE cần khẩn trương làm việc với các công ty công nghệ thông tin để áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phương án dự phòng nhằm khắc phục triệt để tình trạng trên, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định trong phiên giao dịch kế tiếp.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu HoSE khẩn trương nâng cấp, tăng cường năng lực tổng thể của hệ thống trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đáp ứng mọi diễn biến thị trường trong dài hạn, kể cả khi lượng giao dịch tiếp tục tăng đột biến.

Xét xử phúc thẩm bị cáo Vũ Huy Hoàng vào ngày 21/1

TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm cựu ông Vũ Huy Hoàng cùng 3 bị cáo có kháng cáo vào ngày 21/1.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng tại phiên tòa sơ thẩm.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo thông tin từ TAND Cấp cao tại Hà Nội, ngày 21/1 tới đây sẽ diễn ra phiên xử phúc thẩm ông Vũ Huy Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng các bị cáo có kháng cáo là các ông: Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) và Lê Quang Minh (cựu trưởng phòng phát triển hạ tầng Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM).

Trước đó, ông Vũ Huy Hoàng đã có đơn kháng cáo, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội cân nhắc giảm nhẹ hình phạt, xem xét toàn bộ hành vi của bị cáo trong vụ án để xác định lại tội danh.

Ba bị cáo còn lại cùng đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, xin được cải tạo ở ngoài xã hội.

Theo bản án sơ thẩm, Tổng công ty Sabeco (thuộc Bộ Công Thương quản lý) được giao khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng - TP.HCM (diện tích 6.080 m2) dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hằng năm.

Ông Vũ Huy Hoàng khi đó là Bộ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện đã bỏ trốn) và ông Phan Chí Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc Sabeco góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập liên doanh Sabeco Pearl đầu tư thực hiện Dự án Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê tại khu đất trên.

Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư, trong đó có việc bổ sung chức năng văn phòng cho thuê và căn hộ ở cho Dự án, Bộ Công Thương chỉ đạo công ty này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl. Do đó, dẫn đến hậu quả Nhà nước mất quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng vào tay tư nhân, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng cho Nhà nước.

Giá xăng có thể tăng mạnh ngày 11/1

Trong 15 ngày qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng 5 - 6% nên ở kỳ điều hành vào ngày 11/1, giá bán lẻ trong nước có thể tăng mạnh.

Giá xăng có thể tăng mạnh ngày 11/1

Giá xăng có thể tăng mạnh ngày 11/1

Dữ liệu của Bộ Công Thương chưa cập nhật giá xăng dầu thế giới theo chu kỳ tính toán mới. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giá mặt hàng này đã tăng 5 - 6% so với kỳ điều hành trước đó.

Giám đốc một công ty đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho biết, giá dầu thô thế giới liên tục leo dốc do thông tin nguồn cung của Mỹ sụt giảm. Tuần qua, dầu Brent tăng 5,2% trong khi dầu WTI tăng 5% - mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2021.

Với sức ép của giá dầu thế giới, giá xăng thành phẩm nhập từ các thị trường Singapore cũng leo thang. Do đó, kỳ này nếu không trích hoặc sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng, dầu có thể đồng loạt tăng 500 - 700 đồng một lít.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho rằng, để bình ổn giá dịp cận Tết Nguyên đán nhà điều hành có thể áp dụng phương án vừa sử dụng Quỹ vừa tăng giá nên mức tăng sẽ chỉ quanh mức 300 - 400 đồng một lít.

Tại kỳ điều hành ngày 25/12, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 470 đồng, RON 95 tăng 490 đồng, dầu tăng tối đa 240 đồng một lít.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít giá xăng dầu bán lẻ trong nước với xăng E5 RON 92 là 22.550 đồng; RON 95 là 23.290 đồng; dầu hoả là 16.510 đồng; dầu diesel là 17.570 đồng...

Hạn chế chuyến bay combo về nước hạ cánh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Các chuyến bay combo là chuyến không thường lệ (charter) nên có thể linh hoạt hơn trong khai thác, đặc biệt là điểm hạ cánh để giảm ùn tắc tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hành khách trên một chuyến bay quốc tế về Việt Nam.

Hành khách trên một chuyến bay quốc tế về Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về giải pháp giảm ùn tắc tại hai Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 4 - 7/1/2022, có tổng cộng 47 chuyến bay quốc tế hạ cánh Việt Nam (16 chuyến thương mại thường lệ, 20 chuyến combo, 11 chuyến chuyên gia/du lịch) vận chuyển 6.094 khách.

Trong số các chuyến bay nêu trên, có 15 chuyến bay (có 3 chuyến combo) hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng số 1.285 khách (640 khách trên chuyến bay combo, chiếm 49,8%); 23 chuyến hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (trong đó có 8 chuyến combo) với tổng số 2.950 khách (1.754 khách trên chuyến bay combo chiếm 59,5%).

Vào những ngày qua, để đảm bảo hạn chế tối đa việc ùn tắc tại khu vực xét nghiệm nhanh tại các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong việc giãn cách thời gian hạ cánh các chuyến bay.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không thừa nhận do các hãng hàng không gặp khó khăn về việc đổi thời gian xuất phát từ nước ngoài nên việc điều chỉnh chưa thể thực hiện triệt để.

Trong số các chuyến bay thực hiện, các chuyến thương mại, chuyên gia là các chuyến sử dụng slot lịch sử tại các cảng hàng không nước ngoài và Việt Nam nên lịch bay rất khó để điều chỉnh, trong khi các chuyến combo là chuyến không thường lệ (charter) nên có thể linh hoạt hơn trong khai thác, đặc biệt là điểm hạ cánh tại Việt Nam.

Trung Quốc thông quan thêm 3 cửa khẩu, lối mở tại Quảng Ninh

Trước mắt, phía Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ ưu tiên xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, đặc biệt là nông sản và hàng đông lạnh tại cầu Bắc Luân 1, Bắc Luân 2 và cầu phao Km 3+4.

Việc Trung Quốc mở lại thông quan các cửa khẩu ở TP. Móng Cái sẽ giúp giảm ùn tắc hàng hóa

Việc Trung Quốc mở lại thông quan các cửa khẩu ở TP. Móng Cái sẽ giúp giảm ùn tắc hàng hóa

Bộ Công Thương cho biết tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã chính thức khôi phục thông quan tại các cửa khẩu/lối mở biên giới tại TP. Đông Hưng (phía Việt Nam là TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, bao gồm cầu Bắc Luân 1, cầu Bắc Luân 2 và cầu phao Km 3+4).

Quyết định này được Trung Quốc đưa ra sau một thời gian rà soát, căn cứ diễn biến và tình hình phòng chống dịch thực tế tại từng cửa khẩu để phối hợp với Việt Nam giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay.

Đây là những cặp cửa khẩu/lối mở có ý nghĩa rất quan trọng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cả 2 bên. Phía Quảng Tây cho biết trước mắt sẽ ưu tiên xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, đặc biệt là nông sản và hàng đông lạnh.

Trước đó, để rà soát và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Tây đã tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn thành phố Đông Hưng từ ngày 21/12/2021.

Trong các buổi làm việc với Bộ Công Thương thời gian qua, phía Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu cao đối với công tác phòng chống dịch và đề nghị Việt Nam cùng phối hợp để bảo đảm an toàn phương tiện và hàng hóa, nhất là nông sản và thực phẩm đông lạnh.

Theo đại diện Bộ Công Thương, vì dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và trong khu vực, dự kiến quy trình thông quan tại tất cả cửa khẩu sẽ còn tiếp tục được siết chặt. Tiến độ thông quan, vì vậy, sẽ không thể trở lại bình thường trong thời gian ngắn.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ thu phí không dừng

Bộ Giao thông vận tải cho phép đơn vị quản lý thu phí không dừng toàn bộ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự kiến từ 5/5.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chỉ thu phí không dừng từ 5/5

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chỉ thu phí không dừng từ 5/5

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời thống nhất với đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam việc triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam đàm phán với nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, không để ảnh hưởng việc đi lại của người dân và tránh tranh chấp pháp lý trong quá trình thực hiện.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Bộ Giao thông vận tải quản lý, có tuyến Quốc lộ 5 chạy song hành và cũng do nhà đầu tư cao tốc thu phí.

Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, cơ quan này đã thống nhất với chủ đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự kiến từ 5/5, chỉ có phương tiện dán thẻ thu phí không dừng (ETC) và nạp tiền sử dụng dịch vụ mới được đi trên tuyến.

Các chủ xe có hơn 3 tháng nắm thông tin, chuẩn bị dán thẻ ETC. Sau thời gian này, xe không đủ điều kiện thu phí không dừng sẽ không được chạy trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Chủ xe có thể chuyển sang Quốc lộ 5 và vẫn sử dụng vé lượt khi qua trạm thu phí.

Thưởng Tết Nhâm Dần 2022 ở Hà Nội giảm nhẹ

Mức thưởng cao nhất 400 triệu đồng thuộc về công ty dân doanh, tương đương năm trước, song một số khối lần lượt giảm nhẹ.

So với năm trước, mức thưởng Tết ở Hà Nội của người lao động giảm nhẹ

So với năm trước, mức thưởng Tết ở Hà Nội của người lao động giảm nhẹ

Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội có báo cáo về lương, thưởng Tết của hơn 6.200 doanh nghiệp thuộc 4 khối: Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ, công ty có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI. So với năm trước, mức thưởng Tết của người lao động giảm nhẹ, một số đơn vị khó khăn chưa có dự kiến thưởng.

Dân doanh vẫn là khối có mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất với 400 triệu đồng, tiếp đến là FDI 322 triệu đồng; doanh nghiệp góp vốn nhà nước 28,5 triệu đồng và công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ đạt mức thưởng 23 triệu đồng.

So với năm ngoái, mức thưởng cao nhất trong khối dân doanh tương đương, khối FDI tăng (năm 2021 là 280 triệu đồng). Hai khối doanh nghiệp nhà nước và công ty góp vốn chi phối của nhà nước lần lượt giảm nhẹ, so với mức thưởng năm ngoái là 30 triệu đồng.

Thưởng Tết Âm lịch thấp nhất trong khối dân doanh và doanh nghiệp nhà nước giữ toàn bộ vốn điều lệ là 500.000 đồng; tiếp đến là công ty cổ phần nhà nước chi phối là 550.000 đồng; doanh nghiệp FDI 600.000 đồng. So với năm ngoái, mức thưởng Tết thấp nhất giảm từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng mỗi khối.

Mặt bằng chung tiền lương năm 2021 của lao động khối dân doanh đạt 6,55 triệu/tháng; doanh nghiệp cổ phần 6,7 triệu; doanh nghiệp toàn bộ vốn nhà nước đạt 6,8 triệu và cao nhất thuộc về nhóm FDI 7,15 triệu đồng.