Bản tin thời sự sáng 11/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tòa nhà sân golf đồi Cù Đà Lạt xây không phép 17.000 m2; hồ sơ vụ án Vạn Thịnh Phát nặng 6 tấn, hơn 1 triệu bút lục; ngân hàng tiếp tục đấu giá bán penthouse triệu USD thu nợ; đèo Khánh Lê sạt lở, ách tắc đường từ Nha Trang lên Đà Lạt…

Tòa nhà sân golf đồi Cù Đà Lạt xây không phép 17.000 m2

Tòa nhà câu lạc bộ golf trong đồi Cù sát hồ Xuân Hương bị xác định xây sai và không phép hàng chục nghìn m2, phải dừng thi công.

Tòa nhà 4 tầng bên phải diện tích sàn 17.000 m2 bị xác định xây không phép, tòa nhà mái vòm đằng sau xây sai phép hơn 3.000 m2

Tòa nhà 4 tầng bên phải diện tích sàn 17.000 m2 bị xác định xây không phép, tòa nhà mái vòm đằng sau xây sai phép hơn 3.000 m2

Ngày 10/1, ông Trần Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Gia ĐL (Chủ đầu tư dự án) xác nhận, dự án tòa nhà đã ngừng thi công. Công nhân đã tháo dỡ lán trại, di chuyển thiết bị máy móc ra khỏi công trường.

Việc dừng xây dựng diễn ra sau khi chính quyền TP. Đà Lạt kiểm tra dự án này hồi tháng 4/2023, phát hiện một số vi phạm.

Theo đó, tổ hợp công trình ở sân golf mới được cấp phép xây dựng tầng hầm, song nhà đầu tư đã xây thêm 4 tầng nổi khi chưa có phép. Tổng diện tích sàn của tòa nhà này hơn 17.000 m2. Phía sau tòa nhà này còn có cụm công trình nhà vòm được cấp phép, nhưng Chủ đầu tư xây vượt hơn 3.000 m2 so với quy định.

Cơ quan chức năng đã yêu cầu dự án phải dừng thi công, hoàn thiện hồ sơ, song hai công trình này tiếp tục được xây dựng.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Gia ĐL cho biết, việc dừng thi công để doanh nghiệp hoàn thiện giấy phép theo đúng quy định. Dự án tiếp tục triển khai khi thủ tục hoàn thành.

Công ty CP Hoàng Gia ĐL là chủ đầu tư của nhiều công trình du lịch ở Đà Lạt. Năm ngoái, Công ty đề xuất làm khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng phức hợp, hai khu hầm đậu xe 7 tầng ở sân golf đồi Cù rộng 62,4 ha giữa TP. Đà Lạt phục vụ kinh tế đêm; mở rộng đường Trần Quốc Toản...

Các dự án nói trên sau khi hoàn thành sẽ được doanh nghiệp giao lại cho TP. Đà Lạt quản lý, phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng bác ý tưởng này với lý do các hạng mục chưa có trong quy hoạch.

Hồ sơ vụ án Vạn Thịnh Phát nặng 6 tấn, hơn 1 triệu bút lục

TAND TP.HCM bố trí riêng một phòng với hệ thống camera giám sát, hệ thống PCCC để chứa 2.500 tập tài liệu, đóng trong 104 thùng hồ sơ (nặng khoảng 6 tấn), khoảng 1 triệu bút lục.

TAND TP.HCM bố trí một phòng để chứa 104 thùng hồ sơ với hơn 1 triệu bút lục

TAND TP.HCM bố trí một phòng để chứa 104 thùng hồ sơ với hơn 1 triệu bút lục

Ngày 10/1, đại diện TAND TP.HCM cho biết đã thụ lý vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm liên quan hành vi sai phạm trong hoạt động tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 304.000 tỷ đồng. Dự kiến, vụ án được đưa ra xét xử sau Tết Nguyên đán 2024.

Tòa cũng cho biết đã bố trí riêng một phòng với hệ thống camera giám sát, hệ thống PCCC để chứa 2.500 tập tài liệu, đóng trong 104 thùng hồ sơ (nặng khoảng 6 tấn), với khoảng 1 triệu bút lục.

Theo cáo trạng, với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân, từ năm 2011, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành, bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua các cá nhân khác. Sau khi thâu tóm thành công, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng phối hợp cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay được lập khống.

Bà Trương Mỹ Lan đã nhiều lần chỉ đạo rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau. Cáo trạng xác định trong 10 năm (2012 - 2022), Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm đã được SCB giải ngân hàng nghìn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ khoản vay được lập khống, tài sản bảo đảm không đủ giá trị pháp lý. Tính đến tháng 10/2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỷ đồng; sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm có giá trị, thiệt hại gây ra là hơn 498.000 tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô tài sản của SCB hơn 304.000 tỷ đồng, cùng với đó là hơn 129.000 tỷ đồng tiền lãi và chi phí phát sinh. Ngoài ra, hành vi của bà Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong 18 thành viên đoàn thanh tra, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD; 10 người bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 7 người không bị xử lý hình sự...

Ngân hàng tiếp tục đấu giá bán penthouse triệu USD thu nợ

Sau 3 lần đấu giá bất thành, VietinBank sẽ tiếp tục bán căn penthouse ở 29 Liễu Giai với giá từ 54,1 tỷ đồng, giảm 5,2 tỷ đồng so với đầu năm ngoái.

VietinBank sẽ tiếp tục bán căn penthouse ở 29 Liễu Giai với giá từ 54,1 tỷ

VietinBank sẽ tiếp tục bán căn penthouse ở 29 Liễu Giai với giá từ 54,1 tỷ

Căn penthouse này đang được Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Thăng Long (VietinBank Nam Thăng Long) cùng Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình phát mại để thu hồi nợ. Đây là sản đảm bảo cho khoản vay của một doanh nghiệp tư nhân tại VietinBank Nam Thăng Long.

Theo thông báo của Ngân hàng, căn hộ này thuộc tầng 44 và 45 của tòa M3 chung cư Vinhomes Metropolis ở 29 Liễu Giai, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Diện tích sử dụng của căn hộ này khoảng 456 m2, trong đó tầng 44 khoảng gần 274 m2 và tầng 45 khoảng 182 m2.

Căn penthouse này gồm 5 phòng ngủ, 4 WC và có bể bơi riêng với tầm nhìn ra hồ Tây. Nội thất trong căn hộ được thiết kế theo phong cách tân cổ điển, cầu thang tay vịn gỗ, lan can dát vàng.

Giá khởi điểm của bất động sản trên trong lần đấu giá thứ tư là 54,1 tỷ đồng (hơn 2 triệu USD), tương đương hơn 118 triệu đồng mỗi m2. Trước đó, căn penthouse này được rao bán đấu giá lần đầu vào tháng 2/2023 với giá khởi điểm hơn 59,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, không có khách hàng nào tham gia ba phiên đấu giá tài sản này trong năm ngoái.

Hiện tại, trên thị trường thứ cấp, giá các căn hộ khác tại chung cư cao cấp có vị trí đắc địa hàng đầu Hà Nội này cũng được rao bán phổ biến với giá 100 - 120 triệu đồng mỗi m2.

Phiên đấu giá căn penthouse hơn 2 triệu USD lần thứ tư sẽ diễn ra vào chiều 18/1 tại quận Đống Đa, Hà Nội. Người tham gia đấu giá phải đặt cọc trước 10,8 tỷ đồng.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc xử lý các tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, nhất là bất động sản giá trị cao trong bối cảnh thị trường địa ốc đi xuống. Năm ngoái, một nhà băng trụ sở chính tại TP.HCM cũng rao bán nhiều lần đối với hơn 20 căn hộ, trong đó 10 penthouse, dù giảm giá hàng tỷ đồng vẫn bất thành.

Đèo Khánh Lê sạt lở, ách tắc đường từ Nha Trang lên Đà Lạt

Theo tin từ Văn phòng quản lý đường bộ III.3, khoảng 5h30' sáng 10/1, tại khu vực đèo Khánh Lê - Km55+600 Quốc lộ 27C (đoạn qua xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) xảy ra sạt lở, đá rơi gây tắc đường.

Khu vực sạt lở trên đèo Khánh Lê khiến giao thông bị ách tắc

Khu vực sạt lở trên đèo Khánh Lê khiến giao thông bị ách tắc

Cụ thể, một tảng đá cục có kích thước lớn từ taluy dương sạt lở, chiếm toàn bộ mặt đường và rãnh dọc, giao thông ách tắc hoàn toàn.

Ngay sau khi nhận tin báo, đơn vị đã chỉ đạo nhà thầu bảo trì đường bộ điều máy móc, thiết bị lên hiện trường để khắc phục, giải phóng giao thông. Đến 9h sáng cùng ngày, giao thông trên đèo Khánh Lê - Quốc lộ 27C đã thông 1 làn xe.

Đây không phải là lần đầu tiên đèo Khánh Lê xảy ra sạt lở. Mới đây, vào ngày 16/11/2023, tại Km59+790 Quốc lộ 27C, đoạn qua đèo Khánh Lê, hàng nghìn m3 đất đá trên đèo đổ sập xuống, nằm tràn trên mặt đường, hai bên vách núi, nước chảy dồn dập khiến giao thông ùn tắc kéo dài khoảng 150 m.

Khai trương tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo từ ngày 14 tết Giáp Thìn

Tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo có bến xuất phát tại khu vực cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) đến cảng Bến Đầm (Côn Đảo), sức chở hơn 1.000 khách/chuyến, thời gian hành trình khoảng 5 giờ với cự ly 230 km.

Tuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Côn Đảo dự kiến hoạt động vào ngày 14 Tết, tức ngày 23/2

Tuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Côn Đảo dự kiến hoạt động vào ngày 14 Tết, tức ngày 23/2

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, tuyến tàu này nằm trong Quy hoạch phát triển đường thủy của Thành phố giai đoạn 2023 - 2025. Khi tuyến tàu vận hành, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mà còn phục vụ giao thông, du lịch, gìn giữ văn hóa - lịch sử.

Dự kiến, chuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Côn Đảo đầu tiên sẽ xuất phát vào ngày 14 Tết, tức ngày 23/2/2024. Tuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Côn Đảo sẽ chạy từ cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) đến cảng cuối là Bến Đầm (Côn Đảo).

Công ty Tàu cao tốc Phú Quốc, đơn vị khai thác tuyến Cần Thơ - Côn Đảo cũng là chủ đầu tư tuyến đường thủy bằng tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo.

Hà Nội kiến nghị dừng 6 tuyến buýt trợ giá cao, mỗi năm tiết kiệm 212 tỷ đồng

Sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị dừng 6 tuyến buýt trợ giá cao từ ngày 1/4, dự kiến sẽ giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm khoảng 212,23 tỷ đồng/năm.

Kiến nghị dừng 6 tuyến buýt trợ giá cao từ 1/4 tại Hà Nội.

Kiến nghị dừng 6 tuyến buýt trợ giá cao từ 1/4 tại Hà Nội.

Ngày 10/1, Sở GTVT Hà Nội cho biết vừa kiến nghị UBND Thành phố cho phép dừng hoạt động 6 tuyến buýt có mức trợ giá cao trên 95% kể từ ngày từ ngày 1/4 tới.

Cùng với đó, điều chỉnh lộ trình một số tuyến buýt khác để không ảnh hưởng tới việc đi lại của hành khách.

Theo thống kê của Sở GTVT, mức trợ giá của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thành phố trung bình giai đoạn 2020 - 2022 cao hơn so với giai đoạn 2015 - 2019 là 857,43 tỷ đồng.

Năm 2022 là năm có mức trợ giá cao nhất lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn trung bình giai đoạn 2020 - 2022 hơn 670 tỷ đồng.

Trong khi đó, giai đoạn 2020 - 2022, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sụt giảm, một phần do chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, phần khác do một số chính sách ưu đãi, miễn phí cho người dân được áp dụng theo Nghị quyết 07/2019 của HĐND Thành phố.

Bên cạnh đó, do thi công một số công trình giao thông trọng điểm nên phải điều chỉnh lộ trình làm giảm sản lượng hành khách, tăng số km hành trình, tăng chi phí, giảm doanh thu kéo theo trợ giá tăng...

Qua rà soát, Sở GTVT Hà Nội tạm thời xác định 71/132 tuyến buýt cần xem xét điều chỉnh.

Đáng chú ý, Sở GTVT đề xuất dừng 6 tuyến buýt từ ngày 1/4 tới, gồm các tuyến: 10, 14, 18, 44, 45, 145.

Với phương án dự kiến nêu trên, Sở GTVT Hà Nội tính toán sẽ giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm khoảng 212,23 tỷ đồng/năm.

Xuất khẩu rau quả chế biến lần đầu vượt tỷ USD

Đến hết tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả chế biến đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Hải quan.

Lần đầu rau quả Việt xuất khẩu vượt kim ngạch tỷ USD

Lần đầu rau quả Việt xuất khẩu vượt kim ngạch tỷ USD

Đây là lần đầu rau quả Việt xuất khẩu vượt kim ngạch tỷ USD và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, loại chế biến hiện chiếm khoảng 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường chuộng mặt hàng này của Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc mở thêm cửa cho các trái cây chế biến, đông lạnh, bên cạnh các sản phẩm tươi, giúp tiêu thụ mặt hàng này tăng so với mọi năm.

Sản phẩm chế biến từ xoài, chanh leo, hạnh nhân, hạt dẻ cười... tăng trưởng 22 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái cây đóng hộp, nước ép đóng chai cũng được Nhật Bản, Mỹ, châu Âu ưa chuộng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu chế biến tăng mạnh là nhờ nguồn cung dồi dào khi các thị trường lớn ngày càng mở cửa cho nông sản chế biến từ Việt Nam.

3 năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng 30 - 45% mỗi năm, theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ. Tương tự, tốc độ tăng trưởng mặt hàng này tại EU bình quân 10 - 20% một năm.

Dự kiến cấm xe tải qua 3 đường cửa ngõ Tân Sơn Nhất theo giờ

Đơn vị quản lý hạ tầng đường bộ đề xuất cấm xe tải theo giờ vào tuyến Trường Sơn và hai nhánh Hồng Hà, Bạch Đằng ở Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để giảm ùn tắc.

Ôtô nối đuôi nhau trên đường Trường Sơn trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất

Ôtô nối đuôi nhau trên đường Trường Sơn trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất

Phương án vừa được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ gửi Sở GTVT TP.HCM trước tình trạng các tuyến Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng trước cổng sân bay đều đã vượt quá năng lực thiết kế.

Việc cấm xe dự kiến áp dụng từ 1/9 trong thời gian 6 - 20h. Từ năm 2025, thời gian cấm kéo dài đến 22h. Theo đó, xe tải sẽ bị cấm vào đường Trường Sơn ở cả hai hướng. Riêng hai nhánh Bạch Đằng và Hồng Hà là đường một chiều, việc cấm xe tải sẽ áp dụng đoạn từ Hồng Hà (tuyến cắt ngang hai nhánh) tới đường Trường Sơn.

Hiện, khu vực trên có một số kho hàng lớn phục vụ sân bay. Khi triển khai, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho biết, các phương tiện có thể ra vào kho số 1 (số 49 Trường Sơn) từ 20h (hoặc 22h) đến 6h hôm sau.

Riêng kho số 2 (46-48 Hậu Giang) và 3 (32 Phan Thúc Duyện), xe có thể theo lộ trình: Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Giót - Phan Thúc Duyện - Thăng Long - Hậu Giang - kho số 2, hoặc Phạm Văn Đồng - Phổ Quang - Phan Đình Giót - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyên - kho 3 - Thăng Long - Hậu Giang - kho 2.

Để đồng bộ phương án tổ chức giao thông tại khu vực, đơn vị quản lý hạ tầng đường bộ đề xuất Cảng vụ Hàng không miền Nam khuyến nghị chủ kho, bãi phục vụ sân bay chuyển qua địa điểm khác như đường Thăng Long. Đồng thời, cần sớm mở rộng đường Thăng Long và Hậu Giang để quy hoạch thành các tuyến chuyên phục vụ vận tải hàng hóa cho sân bay.

Tân Sơn Nhất là một trong những khu vực có tình hình giao thông căng thẳng nhất TP.HCM nhiều năm qua do lưu lượng xe qua lại mỗi ngày rất lớn.

Bắt Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Kiên Giang 6801S

Ngày 10/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Sử - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Kiên Giang 6801S.

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Kiên Giang 6801S

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Kiên Giang 6801S

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Kiên Giang 6801S cũng đã đóng cửa và thông báo tạm ngưng làm việc trong ngày 10/1.

Trước đó, ngày 8/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã bắt tạm giam 4 tháng đối với Đặng Phi Long (ngụ xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận); Đặng Văn Công (ngụ xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành (Kiên Giang) về hành vi giả mạo trong công tác.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Lộc (ngụ phường An Hòa, TP Rạch Giá (Kiên Giang).

Đặng Phi Long là đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Kiên Giang 6801S, Nguyễn Văn Công là kỹ sư cơ khí, Nguyễn Văn Lộc làm nghề kinh doanh sửa chữa xe.

Từ tháng 12/2021 đến ngày bị bắt, Long cùng với nhóm thi công, cải tạo của Công và Lộc đã làm khống 49 hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới sau khi cải tạo. Riêng Long đã nhận của 6 chủ phương tiện với số tiền trên 86 triệu đồng để bán hồ sơ thiết kế, bỏ qua những lỗi trong quá trình đăng kiểm để kết luận các phương tiện trên đều đạt khi đăng kiểm.

Tin cùng chuyên mục